Nguyên tắc khi tham gia giao thông đường bộ? Xử phạt đối với hành vi vi phạm giao thông đường bộ? Lỗi không xi nhan đối với ô tô và xe máy?
Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, các phương tiện vận tải được sử dụng ngày càng phổ biến và có những vai trò vô cùng to lớn đối với cuộc sống của công dân. Sự phát triển của giao thông cũng dẫn đến hệ quả là các vụ việc vi phạm ngày càng tăng lên và tai nạn xảy ra ngày càng nhiều. Chính bởi vậy, việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một vấn đề rất lớn cần được cả xã hội quan tâm. Để có thể thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ này thì việc chấp hành pháp luật, quy tắc khi tham gia giao thông cần phải trở thành ý thức và thói quen của mọi người dân. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu một số quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và mức xử phạt hành chính với lỗi không xi nhan đối với ô tô và xe máy.
Dịch vụ Luật sư
1. Nguyên tắc khi tham gia giao thông đường bộ:
Để đảm bảo sức khỏe, tài sản và tính mạng của mình, khi tham gia giao thông đường bộ, các cá nhân phải đảm bảo thực hiện các nguyên tắc sau đây:
– Người tham gia giao thông cần phải luôn có ý thức tự giác, chấp hành nghiêm chỉnh các quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Các chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
– Đối với tất cả các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
– Người tham gia giao thông đường bộ phải đi bên phải theo đúng chiều đi của mình, đi đúng làn đường quy định, phần đường quy định và phải chấp hành các hệ thống báo hiệu đường bộ.
– Xe ô tô phải có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.
– Người đi bộ cần phải luôn chú ý quan sát và nhường đường cho các phương tiện giao thông khi qua đường.
– Khi tham gia lái xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện các cá nhân cần phải đội mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng và cài quay đúng quy cách.
– Thực hiện thắt dây an toàn khi đi xe ô tô ở tất cả các hàng ghế có trang bị dây an toàn.
– Không được phép sử dụng điện thoại hoặc làm các việc khác gây mất tập trung khi lái xe.
– Các phương tiện cần phải ra tín hiệu trước khi cho xe chuyển hướng.
– Các chủ thể khi đã uống rượu, bia, chất có cồn khác thì không lái xe.
– Không được chạy quá tốc độ quy định và phóng nhanh, vượt ẩu khi lái xe.
– Phải giữ khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước để kịp thời xử lý các hình huống bất ngờ có thể xảy ra.
– Luôn phải tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông, để thể hiện mình là người có văn hóa giao thông.
2. Xử phạt đối với hành vi vi phạm giao thông đường bộ:
2.1. Đối tượng xử phạt:
Các đối tượng bị xử phạt đối với hành vi vi phạm giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật là:
– Cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2.2. Thẩm quyền xử lý vi phạm:
Các chủ thể sau đây có thẩm quyền xử lý đối với hành vi vi phạm giao thông đường bộ:
– Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ.
– Trạm trưởng, Đội trưởng của Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ.
– Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất.
– Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt; Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên.
– Giám đốc Công an cấp tỉnh.
– Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
2.3. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính:
Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm giao thông đường bộ bao gồm các bước sau đây:
Bước 1: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc các cá nhân, tổ chức chấm dứt hành vi vi phạm:
Khi phát hiện hành vi vi phạm , người có thẩm quyền đang thi hành công vụ yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đối với hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra. Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Lập biên bản:
– Việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra
– Cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện lập biên bản nếu không thuộc trường hợp trên.
– Đối với các trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Bước 3: Thực hiện xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính.
Việc xác minh phải được thể hiện bằng văn bản.
Bước 4: Tiến hành xác định giá trị của tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính.
3. Lỗi không xi nhan đối với ô tô và xe máy:
3.1. Các trường hợp cần xi nhang:
Xi nhan được hiểu là một tín hiệu xin đường của người điều khiển các phương tiện như là ô tô, xe máy nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho chính các chủ thể điều khiển phương tiện và các phương tiện khác cùng đang di chuyển trên đường. Lỗi không bật xi nhan là một lỗi tương đối phổ biến mà bất cứ ai cũng từng mắc ít nhất một lần.
Đèn xi nhan là một loại đèn báo hiệu xin đường của các phương tiện giao thông. Việc bật đèn xi nhan đúng cách, đúng lúc không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho người lái xe, hạn chế va chạm mà còn giúp người lái xe tránh bị xử phạt.
Theo quy định của pháp luật, những trường hợp phải phải bật đèn xi nhan gồm:
– Thứ nhất: Chuyển làn đường:
Trên đường giao thông có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
– Thứ hai: Chuyển hướng xe (rẽ phải, rẽ trái, quay đầu).
Khi các phương tiện muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
Trong khi thực hiện việc chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
– Thứ ba: Vượt xe.
– Thứ tư: Cho xe chuyển bánh từ vị trí đỗ xe, hoặc chạy vào sát vỉa hè để dừng, đỗ xe.
Ngoài ra, trong quá trình tham gia giao thông để đảm bảo an toàn, Cục Cảnh sát giao thông khuyến nghị nên bật đèn xi nhan trong các trường hợp sau:
– Trường hợp thứ nhất: Khi các phương tiện đi qua vòng xuyến: Bật xi nhan theo nguyên tắc “vào trái, ra phải” – khi vào vòng xuyến thì xi nhan trái, khi ra khỏi vòng xuyến thì xi nhan phải.
– Trường hợp thứ hai: Khi các phương tiện đi theo đường cong: Người điều khiển phương tiện giao thông đi vào đường cong (không phải ngã rẽ, chuyển hướng, chuyển làn) nên bật đèn tín hiệu báo rẽ.
Trong trường hợp thấy an toàn, không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông phía sau hoặc chiều ngược lại, không bắt buộc phải bật đèn tín hiệu.
– Trường hợp thứ ba: Khi lùi vào ngõ: Nên bật tín hiệu vì tầm quan sát của người lái xe hạn chế, khó điều chỉnh hướng xe và để tạo thuận lợi cho những phương tiện khác di chuyển.
– Trường hợp thứ tư: Đi qua ngã 3 chữ Y: Nếu có biển báo ngã rẽ thì bật đèn tín hiệu như bình thường. Nếu không có biển báo mà đi thẳng theo nhánh bên phải (từ chân chữ Y lên) thì không cần xi nhan.
Cần chú ý người lái xe ô tô phải bật tín hiệu báo rẽ trước 25 – 30m và sau khi rẽ xong, duy trì thêm 5 – 10m rồi mới tắt xi nhan. Thực hiện đúng điều này sẽ cảnh báo những xe khác biết khi nào xe chuẩn bị chuyển hướng và lúc nào đã chuyển hướng xong.
3.2. Lỗi không xi nhan đối với ô tô và xe máy bị phạt bao nhiêu tiền?
Thứ nhất: người điều khiển phương tiện không bật xi nhan đối với ô tô:
– Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước: Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng (trước đây phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng).
– Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức): Phạt tiền từ 800.000 đồng – 01 triệu đồng (trước đây phạt tiền từ 600.000 – 800.000 đồng).
– Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc: Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng, tước Bằng lái xe từ 01 – 03 tháng (trước đây phạt tiền từ 800.000 đồng – 1,2 triệu đồng).
Thứ hai: người điều khiển phương tiện không bật xi nhan đối với xe máy:
– Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước: Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng (trước đây phạt tiền từ 80.000 – 100.000 đồng).
– Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức): Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng (trước đây phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng).
Ngoài ra, khi chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông thì người lái xe có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2-4 tháng.