Lỗi đi vào đường cấm: Mức phạt cụ thể đối với ô tô, xe taxi, hợp đồng. Đi vào đường cấm bị phạt bao nhiêu tiền, có bị giữ bằng lái xe không?
Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về mức phạt đối với ô tô, xe taxi, hợp đồng khi đi vào đường cấm theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật giao thông khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!
Hệ thống giao thông đường bộ tại Việt Nam khá phức tạp trong đó có rất nhiều loại đường khác nhau với các quy định khác nhau về làn đường, trọng tải, loại xe được phép lưu thông,… dẫn đến không phải bất cứ loại phương tiện nào cũng có thể lưu thông trên tất cả các tuyến đường giao thông đường bộ. Trong đó có một số đường cấm không cho một số phương tiện nhất định lưu thông, nếu người điều kiện phương tiện không tuân thủ thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật. Sau đây chúng tôi sẽ nêu rõ các mức phạt cụ thể tương ứng với các loại phương tiện khi phạm phải lỗi đi vào đường cấm theo những quy định mới nhất của pháp luật hiện hành để mọi người nắm rõ.
Thứ nhất, khái niệm, cách nhận biết và phân loại đường cấm:
– Khái niệm: Đường cấm được hiểu là loại đường không cho một hoặc một số hoặc toàn bộ các phương tiện đường bộ lưu thông, nếu người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đi vào các đường được xác định là đường cấm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
– Phân loại: Đường cấm bao gồm hai loại là đường cấm theo giờ và đường cấm phương tiện.
Trong đó đường cấm theo giờ thường được áp dụng tại các thành phố lớn, khu đô thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,…Đường cấm phương tiện bao gồm đường cấm tất cả các phương tiện và đường cấm một hoặc một số phương tiện giao thông đường bộ.
– Cách nhận biết đường cấm:
Người điều khiển phương tiện xe ô tô, xe taxi, xe hợp đồng muốn nhận biết được đường nào là đường cấm để tránh bị xử phạt khi tham gia lưu thông trên đường bộ thì cần quan sát các biển báo cấm được đặt để cảnh báo người tham gia giao thông.
Thứ hai, mức xử phạt khi đi vào đường cấm:
Căn cứ điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức xử phạt đối với lỗi đi vào đường cấm của người điều khiển phương tiện xe ô tô, xe taxi, xe hợp đồng được quy định như sau:
Người điều khiển phương tiện đi vào đường cấm, khu vực cấm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.
Mức phạt tiền cụ thể được áp dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 theo đó khi áp dụng hình phạt tiền mức tiền áp dụng là mức trung bình của khung hình phạt của hành vi vi phạm đó. Trong trường hợp có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể tăng lên hoặc giảm đi nhưng không được vượt quá mức tối đa và giảm không quá mức tối thiểu của khung hình phạt. Trong trường hợp này mức phạt trung bình thường là 1.000.000 đồng.
Ngoài hình phạt chính là phạt tiền, lỗi đi vào đường cấm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng theo quy định tại điểm b khoản 12 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên nếu lỗi đi vào đường cấm của người điều khiển phương tiện dẫn đến hậu quả là có tai nạn giao thông xảy ra thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 cho đến 04 tháng. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ giữ giấy phép lái xe trong thời hạn ghi trong quyết định xử phạt. Khi hết thời hạn tạm giữ, người điều khiển phương tiện bị tạm giữ giấy phép cầm biên lai nộp phạt đến nhân lại giấy phép lái xe.
Thứ ba, nguyên tắc chịu trách nhiệm xử phạt
Đối với lỗi đi vào đường cấm khi xe ô tô, xe taxi và xe hợp đồng chỉ áp dụng xử phạt đối với người điều khiển phương tiện. Như vậy trách nhiệm nộp phạt được chia thành các trường hợp như sau:
– Đối với xe ô tô: Nếu chủ xe là người điều khiển vi phạm thì có trách nhiệm nộp phạt. Nếu chủ xe không phải người điều khiển mà thông qua hợp đồng thuê, mượn thì chủ xe không có trách nhiệm phải nộp phạt mà trách nhiệm thuộc về người điều khiển và tước quyền giấy phép lái xe của người điều khiển.
– Đối với xe taxi: Lái xe taxi tự chịu trách nhiệm nộp phạt, công ty taxi không nộp phạt thay cũng không đồng chịu trách nhiệm với lái xe.
– Đối với xe hợp đồng: Chủ sở hữu phương tiện không chịu trách nhiệm nộp phạt. Bên thuê xe phải có trách nhiệm nộp tiền phạt vi phạm hành chính theo đúng
Thường đối với các lỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ quy định áp dụng biện pháp xử phạt cho cả người điều khiển phương tiện giao thông và chủ sở hữu. Tuy nhiên, lỗi đi vào đường cấm chỉ áp dụng biện pháp xử phạt đối với người điều khiển phương tiện chứ không đặt ra trách nhiệm cho chủ sở hữu.
Mục lục bài viết
1. Xử phạt xe tải đi vào đường cấm
Tóm tắt câu hỏi:
Xin luật sư cho tôi hỏi một vấn đề như sau: tôi đang lưu thông xe tải từ ngoại thành vào nội thành, nhưng tôi không để ý xe tải 9h tối chưa được vào nội thành mà phải 10h tối. Công an gọi tôi và yêu cầu xử phạt thì tôi sẽ bị phạt bao nhiêu?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì:
Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; dừng xe, đỗ xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định;
b) Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”; trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
c) Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định;
d) Điều khiển xe chạy dưới tốc độ tối thiểu trên những đoạn đường bộ có quy định tốc độ tối thiểu cho phép;
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
đ) Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông;
e) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
g) Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ;
h) Không thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định khi xe ô tô bị hư hỏng ngay tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
Trường hợp khung giờ để xe lưu thông trong nội thành theo chỉ dẫn của bảng tín hiệu được đưa ra. Nếu bạn cố tình đi vào đường đó thì sẽ coi là đi vào đường cấm thì mức phạt sẽ là từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.
2. Đi vào đường cấm xe tải trọng thì bị xử phạt như thế nào?
Đường cấm là đoạn đường cấm các loại xe nhất định theo mục đích, tổ chức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm đảm bảo việc lưu hành. Có một số đoạn đường cấm toàn bộ các loại xe nhưng cũng có đoạn đường cấm một số loại xe. Ngoài cấm với loại xe, trên một số tuyến đường còn cấm giờ di chuyển của xe.
Các loại xe bị cấm muốn đi vào đường cấm thì phải xin giấy phép. Trước đây có Thông tư 02/1999/TT-BCA có quy định việc cấp giấy phép khi đi qua đường cấm. Hiện tại Thông tư này không còn phù hợp với thực tế nữa. Hiện tại, trên các đoạn đường cấm giờ lưu thông với một số giờ hay một số loại xe, các xe muốn đi qua đoạn đường đó phải xin giấy phép lưu hành của xe.
Giấy phép lưu hành xe được cấp theo trình tự, thủ tục sau:
Hồ sơ (khoản 2 Điều 21 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT) bao gồm:
– Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 của Thông tư 46/2015/TT-BGTVT;
– Bản sao Giấy đăng ký xe hoặc Giấy đăng ký tạm thời đối với phương tiện mới nhận;
– Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; bản sao tính năng kỹ thuật của xe đối với phương tiện mới nhận (do nhà sản xuất gửi kèm theo xe);
– Phương án vận chuyển đối với trường hợp phải khảo sát đường bộ (nếu có), gồm các nội dung sau: thông tin về tuyến đường vận chuyển; thông tin về phương tiện vận chuyển; thông tin hàng hóa chuyên chở có xác nhận của chủ hàng, gồm các thông số kích thước về chiều dài, chiều rộng và chiều cao (D x R x C) mét; khối lượng, hình ảnh (nếu có); hợp đồng vận chuyển hoặc văn bản chỉ định đơn vị vận chuyển của chủ hàng hoặc đơn vị thuê vận chuyển.
Sô lượng hồ sơ: 1 bộ;
Thầm quyền cấp:
– Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cấp Giấy phép lưu hành xe trên mạng lưới đường bộ trong phạm vi cả nước.
– Trường hợp đặc biệt phục vụ an ninh, quốc phòng, công trình năng lượng, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định.
Thời hạn cấp: không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Nếu ô tô tải không thực hiện việc xin giấy phép lưu hành mà đi vào đoạn đường cấm thì sẽ bị xử phạt như sau:
Căn cứ khoản 4 Điều 5 Nghị định 46/2015/NĐ-CP thì phạt tiền từ 800.000 đến 1.200.000 đối người người điều khiển xe đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển ” cấm đi ngược chiều” trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 46/2015/NĐ-CP và các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp.
Ngoài ra, khi điều khiển xe mà không có giấy phép lưu hành với từng loại xe thì mức xử phạt sẽ khác nhau.
– Với người điều khiển xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng: Căn cứ khoản 2 Điều 25 Nghị định 46/2015/NĐ-CP:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi:
+ Chở hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành hoặc có Giấy phép lưu hành nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành không do cơ quan có thẩm quyền cấp;
+ Chở hàng siêu trường, siêu trọng có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng tổng trọng lượng, kích thước bao ngoài của xe (sau khi đã xếp hàng lên xe) vượt quá quy định trong Giấy phép lưu hành.
Với người điều xe bánh xích; xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả xe ô tô chở khách). Căn cứ khoản 3 Điều 33 Nghị định 46/2015/NĐ-CP thì: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một hành vi vi phạm sau đây:
– Chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường ghi trong Giấy phép lưu hành;
3. Đi mô tô vào đường cấm xử phạt bao nhiêu tiền
Tóm tắt câu hỏi:
Hôm nay e về quê e thái bình bị bắt lỗi đi vào đường một chiều . Bởi vì trước đây nó là đường 2 chiều e không biết cảnh sát thu giấy tờ của em và hẹn em ngày 3 /8/2016 đến nộp phạt . Luật sư làm ơn chỉ giúp em nộp phạt ở đâu ? Lỗi của em là đi vào đường cấm xe mô tô thì bị bao nhiêu tiền ? Thủ tục làm như thế nào để nhanh và gọn nhất xin cám ơn luật sư ạ?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
“4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức);
b) Chở theo từ 03 (ba) người trở lên trên xe;
c) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
d) Dừng xe, đỗ xe trên cầu;
đ) Điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;
e) Điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 7 Điều này;
g) Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà;
h) Vượt bên phải trong các trường hợp không được phép;
i) Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
… “
Có thể thấy, mức phạt của bạn đối với hành vi điều khiển xe mô tô đi vào đường cấm xe mô tô là từ 300 đến 400 nghìn đồng, cảnh sát giao thông sau khi lập biên bản thì sẽ có quyền tạm giữ giấy tờ xe của bạn để đảm bảo việc bạn thực hiện nghĩa vụ nộp phạt. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 78 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm:
“2. Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại Khoản 6, Khoản 8 Điều 125 của
Và theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 về tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính:
“6. Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.”
Về thủ tục nộp phạt thì như đúng lịch hẹn của công an giao thông bạn trực tiếp tới và nhận quyết định xử phạt sau đó thực hiện theo quy định tại Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:
“1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
2. Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.
Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt.
… “
Chỉ cần bạn thực hiện theo đúng thủ tục trên thì khi bạn thực hiện xong nghĩa vụ nộp phạt có biên lai của kho bạc nhà nước thì bạn có thể đến đồn công an đang tạm giữ giấy tờ của bạn trình biên lai và lấy lại giấy tờ xe của mình.
4. Điều khiển xe máy đi vào đường cấm có được xử phạt tại chỗ không?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi các vị luật sư, có thể tư vấn cho tôi biết, như sự việc tôi trình bày sau đây. Sự việc như sau: “Vào lúc 11h30 ngày 08/09/2017 tôi lái xe máy mang biển số vào đường cấm, xe đầy đủ giấy tờ nhưng không có Giấy phép lái xe (giấy phép lái xe bị tạm giữ tại công an An Sương, quá thời hạn quy định mà chưa lấy ra). Tôi đồng ý đã vi phạm (ở đây, tôi không nêu lý do tại sao như vậy). 2 đồng chí cảnh sát giao thông Củ Chi chạy xe giao thông yêu cầu tôi đóng phạt tại chỗ và nêu ra nhiều lý do vi phạm, tôi yêu cầu ghi biên bản, và đoạn đối thoại giữa tôi và 2 đồng chí đó đã được tôi ghi âm lại. Như vậy, tôi muốn hỏi, công an yêu cầu tôi đóng phạt tại chỗ là đúng hay sai? Cùng với mức phạt đi vào đường cấm, là tạm giữ xe 7 ngày có đúng qui định không? Mong các vị hỗ trợ!
Luật sư tư vấn:
Bạn có nêu bạn đi vào đường cấm và không có giấy phép lái xe. Trong trường hợp này bạn có hai lỗi vi phạm, việc công an yêu cầu đóng phạt tại chỗ là không đúng quy định pháp luật. Bởi:
Với lỗi đi vào đường cấm: theo quy định tại khoản 4, khoản 12 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
“4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
i) Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
12. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c, Điểm i, Điểm m Khoản 4; Điểm b, Điểm đ Khoản 5; Khoản 6; Điểm a Khoản 7; Điểm a Khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;… “
Như vậy, theo quy định trên thì mức phạt của bạn đối với hành vi điều khiển xe máy đi vào đường cấm xe là từ 300 đến 400 nghìn đồng. Đồng thời hình phạt bổ sung dành cho bạn là tước giấy phép lái xe.
Còn đối với lỗi không có giấy phép lái xe do bạn để quá hạn mà không lấy thì bạn sẽ bị xử phạt theo điểm a khoản 5, Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP là phạt tiền từ 800.000 đến 1.200.000 đồng.
Căn cứ theo khoản 4, Điều 23
Như vậy, từ các quy định trên với hai lỗi vi phạm nếu bạn không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì mức phạt tiền của bạn là 1.350.000 đồng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính không lập biện bản như sau:
“Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản”.
Theo đó, với mức phạt tiền là 1.350.000 đồng thì sẽ không thể áp dụng hình thức xử phạt tại chỗ. Vì thế, nếu công an yêu cầu bạn đóng phạt tại chỗ là sai, trái với quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, bạn có thể làm đơn khiếu nại đến người đã ra quyết định xử phạt bạn hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính (có thể là Đội trưởng đội cảnh sát giao thông hoặc Trưởng phòng cảnh sát giao thông) hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
Luật sư tư vấn mức xử phạt khi đi xe máy vào đường cấm:1900.6568
Về việc công an giao thông tạm giữ xe bạn 7 ngày là đúng. Bởi, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 78 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm:
“2. Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại Khoản 6, Khoản 8 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại Khoản 6 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.”
Và theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Từ các quy định trên để đảm bảo thi hành quyết định phạt tiền thì công an giao thông có quyền tạm giữ giấy phép lái xe của bạn. Tuy nhiên, như bạn trình bày thì bạn không có giấy phép lái xe nên trong trường hợp này công an giao thông có thể tạm giữ xe máy của bạn là phương tiện vi phạm hành chính.
Và theo quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Như vậy, trong trường hợp này công an tạm giữ xe bạn 7 ngày là đúng quy định của pháp luật.