Livestream (hay còn gọi là phát trực tiếp) được hiểu là quá trình phát video trực tiếp trong trong một thời gian thực đến khán giả, khách hàng trên mạng Internet. Vậy Livestream trên mạng xã hội sắp tới sẽ phải xin phép?
Mục lục bài viết
1. Livestream trên mạng xã hội phải xin phép không?
Việt Nam là nước có độ phủ Internet cao với khoảng 70% triệu người sử dụng, chiếm tới 70% dân số. Hạ tầng viễn thông đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt đời sống và kinh doanh. Dù vậy, Internet cũng rất dễ lầm xảy ra các hành vi tiêu cực, lan truyền nhanh nên cần phải có cơ chế kiểm soát. Pháp luật quản lý lĩnh vực này rất cần thiết nhưng quản lý như thế nào là một vấn đề rất quan trọng. Bởi nếu như quản ký không khéo hoặc là quá chặt sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong thời đại hiện nay. Trong khi đó, công nghiệp nội dung số trong thời gian qua phát triển rất nhanh, trong đó có Livestream trên mạng xã hội để bán hàng. Việc livestream không còn quá xa lạ đối với người dùng mạng xã hội như Facebook, Tiktok….Livestream (hay còn gọi là phát trực tiếp) được hiểu là quá trình phát video trực tiếp trong trong một thời gian thực đến khán giả, khách hàng trên mạng Internet. Để thực hiện được thao tác livestream thì người dùng cần chuẩn bị các công cụ như điện thoại thông minh, máy tính hoặc là những dụng cụ có kết nối internet.
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung
Liên quan đến việc Livestream trên mạng xã hội sắp tới sẽ phải xin phép, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP có quy định tại Điều 18 như sau:
– Chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội thì mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc những dịch vụ có phát sinh doanh thu. Các mạng xã hội mà có số lượng người truy cập thường xuyên thấp thì có thể xin cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội nếu như có nhu cầu cung cấp dịch vụ phát video trực truyến (livestream) hoặc là các dịch vụ có phát sinh doanh thu.
– Các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc là mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam mà có lượng người theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người không phải thực hiện việc thông báo. Tuy nhiên, nếu như muốn sử dụng dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc muốn tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức thì sẽ phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông theo Mẫu pháp luật quy định qua một trong những hình thức gửi sau: Gửi báo cáo trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc qua phương tiện điện tử.
– Các mạng xã hội chỉ cho phép những tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung đã thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông mới được phép sử dụng dịch vụ livestream và tham gia những dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức.
Như vậy, theo các quy định vừa nêu trên, các mạng xã hội có Giấy phép mạng xã hội hoặc đã có thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông thì mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream). Có nghĩa là trong tương lai, nếu như dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP được thông qua và bắt đầu có hiệu lực thi hành thì các mạng xã hội nếu như chưa được cấp giấy phép mạng xã hội hoặc là chưa có thông báo hoạt động với Bộ Thông tin truyền thông thì người dùng mạng xã hội đó sẽ không được livestream bán hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, dự thảo còn nêu rõ những hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.
2. Quy trình, thủ tục cấp giấy phép và cấp xác nhận thông báo để Livestream trên mạng xã hội:
2.1. Quy trình, thủ tục cấp giấy phép để Livestream trên mạng xã hội:
– Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) sẽ thực hiện gửi văn bản thông báo đến mạng xã hội mà có số lượng người truy cập thường xuyên trong 01 (một) tháng từ 10.000 người trở lên (gửi qua đường bưu chính hoặc qua phương tiện điện tử).
– Trong vòng 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo thì tổ chức/ doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội về đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử). Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sẽ được gửi trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc qua phương tiện điện tử đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).
– Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) phải có văn bản kèm theo hồ sơ gửi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố nơi mà tổ chức/doanh nghiệp đóng trụ sở chính đề nghị kiểm tra thực tế về việc đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 23g Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP tại thời điểm nộp hồ sơ.
– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đã nhận được văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) thì Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố phải có văn bản thông báo về kết quả kiểm tra việc đáp ứng những điều kiện quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 23g Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố thì Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, cấp giấy phép theo mẫu quy định. Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
2.2. Quy trình, thủ tục cấp xác nhận thông báo để Livestream trên mạng xã hội:
– Tối thiểu 15 ngày làm việc trước khi cung cấp dịch vụ mạng xã hội thì tổ chức, doanh nghiệp phải gửi thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội theo mẫu pháp luật quy định tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử). Thông báo được gửi trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc qua phương tiện điện tử.
– Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ thì Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) phải cấp giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội theo mẫu quy định.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.