Khái quát lịch sử quy định tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong pháp luật hình sự Việt Nam từ năm 1945 đến nay.
Mục lục bài viết
- 1 1. Giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985:
- 2 2. Giai đoạn từ khi Bộ luật Hình sự năm 1985 có hiệu lực đến trước khi Bộ luật Hình sự năm 1999 được ban hành:
- 3 3. Giai đoạn từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực đến trước khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015:
1. Giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985 :
Cách mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời. Chính quyền non trẻ đã bắt tay ngay vào công cuộc kiến thiết đất nước đồng thời sẵn sàng chống lại âm mưu xâm lược của các thế lực thù địch bên ngoài và giữ vững chính quyền là nhiệm vụ hàng đầu.
Nhằm đề cao trách nhiệm của cán bộ đồng thời nghiêm trị các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của công, ngăn chặn và đối phó với tình hình xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản như: Sắc lệnh số 223-SL ngày 27/11/1946 quy định về tội biển thủ công quỹ; Sắc lệnh số 12 ngày 12/3/1949 về việc phạt tội ăn cắp, lấy trộm tài sản của nhà binh; Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm XHCN năm 1970; Sắc lệnh số 03- SLT ngày 15/3/1976 của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam… Mặc dù đã có ý nghĩa nhất định trong việc đấu tranh phòng chống các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản XHCN, giữa vững an ninh trật tự, song trong các văn bản pháp luật hình sự trong thời kỳ này còn có những hạn chế nhất định. Các tội có yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn được quy định một cách đơn giản, gộp nhiều tội, các dấu hiệu cấu thành tội phạm chưa được quy định một cách cụ thể.
2. Giai đoạn từ khi Bộ luật Hình sự năm 1985 có hiệu lực đến trước khi Bộ luật Hình sự năm 1999 được ban hành:
Năm 1985, BLHS đầu tiên đã được ban hành đánh dấu mốc pháp điển hóa của pháp luật hình sự Việt Nam. Với bố cục gồm 12 chương, 280 điều, BLHS năm 1985 về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm giai đoạn này. Ngay tại Điều 3 về nguyên tắc xử lý đã quy định nghiêm trị đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Điều này thể hiện đường lối xử lý nghiêm khắc của Nhà nước đối với các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Lần đầu tiên khái niệm tội phạm chức vụ, khái niệm người có chức vụ đã được quy định tại Điều 219 BLHS năm 1985.
BLHS năm 1985 được xây dựng trên cơ sở kinh tế xã hội của nền kinh tế bao cấp và trên cơ sở thực tiễn của tình hình tội phạm của thời kỳ đó. Do vậy, để đáp ứng và phục vụ công cuộc đổi mới, từ năm 1985 đến năm 1992, BLHS được sửa đổi 3 lần vào các năm 1989, 1991, 1992. Các điều khoản của BLHS được sửa đổi, bổ sung, trong đó có tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản nhìn chung đều theo hướng tăng nặng, nghiêm khắc hơn so với quy định cũ.
Trong lần sửa đổi năm 1997, Điều 156 Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân được sửa đổi như sau:
“1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng hoặc dưới năm triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần hoặc đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Tài sản có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng; d) Phạm tội nhiều lần:
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng;
e) Tải phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:
a) Tài sản có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù chung thân hoặc tử hình:
a) Tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Để hướng dẫn một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS, ngày 02/01/1998, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 01-1998/TTLT. So với BLHS năm 1985, lần sửa đổi, bổ sung này đã có sự mở rộng về phạm vi đối tượng chiếm đoạt của hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn không chỉ là tài sản sở hữu của công dân mà còn bao gồm tài sản XHCN và quy định rõ giá trị định lượng tài sản bị chiếm đoạt và thời hạn hình phạt tù tối thiểu tăng từ 6 tháng lên 01 năm.
3. Giai đoạn từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực đến trước khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015 :
Tại kỳ họp thứ 6 ngày 21/12/1999, Quốc hội đã thông qua BLHS năm 1999 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2000) với những thay đổi hết sức cơ bản, trong đó có sự thay đổi trong quy định về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Nếu như trong BLHS năm 1985, các tội xâm phạm sở hữu được quy định thành hai chương là Chương 4 “Các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa“ và Chương 6 “Các tội xâm phạm sở hữu của công dân thì đến BLHS năm 1999 nhập thành Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu”. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được BLHS năm 1999 đưa vào Mục A Chương XXI – Các tội phạm về chức vụ.
Điều 280 BLHS năm 1999 quy định tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản như sau:
“1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm,
c) Phạm tội nhiều lần:
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng” [Điều 280].
Như vậy, so với BLHS năm 1985, quy định của BLHS năm 1999 đã có những sự thay đổi cơ bản, theo đó, tài sản bị chiếm đoạt không chỉ là tài sản thuộc sở hữu XHCN mà là tài sản bị chiếm đoạt thuộc các hình thức sở hữu khác; mức độ giá trị tài sản bị chiếm đoạt là ranh giới phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với các hành vi vi phạm pháp luật khác cũng thay đổi từ năm triệu đồng xuống còn năm trăm nghìn đồng; dấu hiệu “vi phạm nhiều lần hoặc bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm” được sửa lại là “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm”; bổ sung dấu hiệu “đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”.
Đây là một bước tiến khoa học vì nó phản ánh được thực trạng nền kinh tế của đất nước, phản ánh được đường lối, quan điểm của Đảng và Hiến pháp ở nước ta giai đoạn này.
Để phù hợp tình hình đất nước, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngày 19/6/2009, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS. Trong đó Điều 280 (Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) được thay đổi mức định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 từ “năm trăm nghìn đồng” thành “hai triệu đồng”.