Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam không chỉ trang bị cho sinh viên sự hiểu biết về quá trình hình thành và phát triển về nhà nước và pháp luật trong lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ mà còn quan tâm nâng cao khả năng nghiên cứu và tiếp cận môn học ở góc độ lịch sử – pháp lý.
Mục lục bài viết
1. Lịch sử nhà nước và pháp luật là gì?
– Lịch sử nhà nước và pháp luật là khoa học pháp lý nghiên cứu quá trình hình thành, tồn tại và phát triển qua các thời kỳ từ cổ đại đến nay của một nhà nước.
– Lịch sử nhà nước và pháp luật biểu thị quá trình trình hình thành và phát triển của bộ máy cưỡng chế của giai cấp thống trị trong xã hội và hệ thống các quy phạm có tính chất bắt buộc chung đối với tất cả các thành viên trong xã hội, do Nhà nước ban hành và được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh của giai cấp đó. Sức mạnh mà giai cấp cầm quyền sử dụng đó là pháp luật. Tuy nhiên, quan điểm và hệ thống pháp luật ở từng thời kỳ sẽ được nghiên cứu ở những góc độ khác nhau phù hợp với từng điều kiện kinh tế – xã hội.
– Lịch sử nhà nước và pháp luật là môn học cơ bản nằm trong chương trình đào tạo cử nhân. Đây là cơ sở để nghiên cứu khoa học pháp lý cho các cấp bậc cao hơn.
2. Tổng quan môn học lịch sử nhà nước và pháp luật:
2.1. Mục tiêu môn học:
– Nắm được một cách khái quát quá trình ra đời, tồn tại của nhà nước và pháp luật Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử.
– Nhận thức được quy luật sự vận động, phát triển lịch sử nhà nước Việt Nam qua các giai đoạn; đặc trưng pháp luật cơ bản qua các giai đoạn đó đặc biệt pháp luật thời Lê Sơ (có thể coi đây là nền pháp luật đỉnh cao thời phong kiến độc lập tự chủ).
– Tóm lại, lịch sử nhà nước và pháp luật là hệ thống tri thức về các quy luật phát sinh, phát triển đặc thù, những biểu hiện cơ bản của nhà nước và pháp luật ở quá khứ và hiện tại.
2.2. Đối tượng môn học:
– Xem xét đối tượng nghiên cứu lịch sử nhà nước và pháp luật là việc xác định phạm vi các vấn đề mà nó nghiên cứu, đây cũng là cơ sở để phân biệt với các khoa học pháp lý khác.
– Nghiên cứu trung quá trình phát sinh, tồn tại và phát triển của nhà nước và pháp luật theo quan điểm lịch sử, bám sát từng thời gian và sự kiện lịch sử từ cổ đại đến hiện đại một cách khách quan, diễn ra tại lãnh thổ Việt Nam để luận giải. Đối tượng điều chỉnh tập trung vào hai quan hệ:
+ Tổ chức nhà nước ở Việt Nam qua các giai đoạn từ nhà nước đầu tiên _ nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, nhà nước trong thời kỳ phong kiến Trung Quốc, nhà nước phong kiến Việt Nam (938 – 1884), Nhà nước Ngô, Đinh, Tiền Lê, nhà nước phong kiến quân chủ tập quyền thời lê sơ, nhà nước nội chiến phân liệt, nhà nước trong nền quân chủ chuyên chế triều Nguyễn, nhà nước thời kỳ Pháp thuộc (Bắc kỳ, Trung Kỳ, Nam), nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước trong thời kỳ chống Mỹ, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ bao cấp, nhà nước xã hội chủ nghĩa thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay)
+ Tình hình pháp luật, các bộ luật cơ bản ở Việt Nam tương ứng với các hình thức nhà nước ở từng thời kỳ.
– Sự tương đồng, dị biệt và quy luật vận động của nhà nước và pháp luật ở Việt Nam.
2.3. Phương pháp nghiên cứu môn học:
– Phương pháp nghiên cứu là những nguyên tắc và cách thức hoạt động khoa học nhằm đạt tới chân lý khách quan dựa trên cơ sở của sự chứng minh khoa. Để làm sáng tỏ bản chất nhà nước và pháp luật đòi hỏi phải có quan điểm lịch sử, gắn chúng với những giai đoạn lịch sử nhất định. V. Lênin đã nhấn mạnh: “Trong khoa học phải xem xét mỗi vấn đề theo quan điểm một hiện tượng nhất định đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, hiện tượng đó đã trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu nào và đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xem hiện tượng nay nó đã trở thành như thế nào”. Lịch sử nhà nước và pháp luật có cơ sở phương pháp luận là:
+ Phương pháp nghiên cứu lịch sử truyền thống và phi truyền thống: Triết học Mác – Quan điểm duy vật biện chứng và quan điểm duy vật lịch sử; Phép biện chứng duy vật. Đồng thời, kết hợp quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước và pháp luật.
+ Phương pháp phân tích – tổng hợp là phương pháp chủ yếu, sử dụng xuyên suốt quá trình nghiên cứu lịch sử nhà nước và pháp luật. Phân tích là việc chia cái toàn thể hoặc phức tạp thành những bộ phận, những mặt, những yếu tố đơn giản hơn để nghiên cứu và làm rõ vấn. Tổng hợp là sự liên kết thống nhất các bộ phận, các yếu tố đã được phân tích, từ đó chỉ ra mối quan hệ giữa chúng nhằm khái quát hóa các vấn đề.
+ Phương pháp trừu tượng khoa học, tức là tư duy trên cơ sở tách cái chung ra khỏi cái riêng. Bằng phương pháp này ra có thể vượt qua những hiện tượng có hình thức bên ngoài, ngẫu nhiên để hướng tới cái chung mang tính tất yếu, bản chất.
+ Phương pháp so sánh là nghiên cứu các hiện tượng nhà nước và pháp luật đã và đang tồn tại trong lịch sử, đồng thời phân tích những nguyên nhân mang đến sự đồng nhất và dị biệt đối với vấn đề.
2.4. Nội dung nghiên cứu lịch sử nhà nước và pháp luật:
– Chương I. Quá trình hình thành nhà nước đầu tiên ở Việt Nam – Nhà nước Văn Lang – Âu Lạc
– Chương II. Nhà nước và pháp luật giai đoạn đấu tranh chống đồng hóa của phong kiến Trung Quốc
– Chương III. Một số vấn đề chung về nhà nước và pháp luật phong kiến
– Chương IV. Nhà nước và pháp luật Ngô, Đinh, Tiền Lê giai đoạn củng cố nền độc lập dân tộc và bước đầu xác lập nhà nước trung ương tập quyền
– Chương V. Nhà nước và pháp luật các triều đại Lý, Trần, Hồ trong giai đoạn củng cố và phát triển nhà nước trung ương tập quyền
– Chương VI. Nhà nước phong kiến quân chủ tập quyền thời lê sơ đầu thế kỷ XV – đầu thế kỷ XVI
– Chương VII. Nhà nước trong thời kỳ nội chiến phân liệt
– Chương VIII. Pháp luật thế kỷ thứ XV – thế kỷ thứ XVIII, bộ Quốc triều hình luật và bộ Chiều khám tốt điều lệ
– Chương IX. Nhà nước và pháp luật trong nền quân chủ chuyên chế triều Nguyễn
– Chương X. Chính quyền
– Chương XI. Nhận xét chung về chính quyền và pháp luật thời Pháp thuộc
– Chương XII. Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước và pháp luật trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp
– Chương XIV. Sự thành lập Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1976), Nhà nước và pháp luật trong cơ chế tập trung quan liêu – bao cấp (1975 – 1986)
– Chương XV. Nhà nước và pháp luật thời kỳ đổi mới (Khái quát về quá trình đổi mới và quan điểm đổi mới về nhà nước và pháp luật; Thực tiễn xây dựng nhà nước và pháp luật trong thời kỳ đổi mới).
– Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Hồng Đức năm 2013 do tác giả Nguyễn Thị Thương Huyền (Chủ biên).
3. Tài liệu tham khảo lịch sử nhà nước và pháp luật:
– Sơ thảo lịch sử nhà nước và pháp quyền Việt Nam (từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX), Nhà xuất bản (Nxb) Khoa học Xã hội, Hà Nội, năm 1968 của tác giả Đinh Gia Trinh.
– Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử, Quyển thứ nhất, Tập nhất, Sài Gòn, năm 1973 của tác giả Vũ Văn Mẫu.
– Pháp chế sử, Sài Gòn, năm 1974 của tác giả Vũ Quốc Thông; Sơ thảo lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam (từ Cách mạng Tháng Tám đến nay) của Viện Luật học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983.
– Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam: Từ nguồn gốc đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, Nxb Khoa học Xã hội, năm 1990, tái bản năm 1993.
– Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam hiện đại (Thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945), Khoa Luật, Đại học Tổng hợp xuất bản năm 1991 của cùng tác giả Vũ Thị Phụng.
4. Ý nghĩa môn học lịch sử nhà nước và pháp luật:
– Nắm được những thành tựu và hạn chế lịch sử nhà nước pháp luật qua các thời kỳ từ nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, giai đoạn đấu tranh chống đồng hóa của phong kiến Trung Hoa (179 TCN – 938); nhà nước và pháp luật phong kiến Đại Việt (thế kỷ X – giữa thế kỷ XIX), chính quyền và luật lệ thời Pháp thuộc (1858-1945); Nhà nước và pháp luật từ cách mạng tháng Tám 1945 đến nay. Từ đó có cái nhìn tổng quát chung.
– Rút ra kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà nước và pháp luật ở Việt Nam hiện nay.
– Nhận thức được quy luật vận động, xu hướng phát triển các vấn đề nhà nước và pháp luật.
– Tiếp cận dễ dàng các môn học khoa học pháp lý chuyên ngành và khoa học pháp lý ứng dụng khác.