Khái quát về đăng ký đất đai, đăng ký tài sản gắn liền với đất, đăng ký biến động quyền sử dụng đất? Lệ phí đăng ký tài sản trên đất, đăng ký biến động quyền sử dụng đất?
Đăng ký đất đai là nghĩa vụ của người sử dụng đất nhằm giúp Nhà nước quản lý hiệu quả và bảo vệ quyền và lợi ích của người sử dụng đất, nếu như đăng ký đất đai là bắt buộc thì đăng ký tài sản gắn liền với đất không mang tính chất bắt buộc mà thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu. Đăng kí biến động đất đai là một phần của đăng ký đất đai – là một thủ tục hành chính do cơ quan hành chính thực hiện nhằm cập nhật thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất, đảm bảo cho hệ thống hồ sơ địa chính luôn phản ánh đúng hiện trạng sử dụng đất. Khi thực hiện các hoạt động đăng ký này, người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải nộp một khoản lệ phí nhất định. Vậy khoản lệ phí đó là bao nhiêu? Luật Dương Gia sẽ trả lời ngay trong bài viết dưới đây.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Luật Đất đai năm 2013
1. Khái quát về đăng ký đất đai, đăng ký tài sản gắn liền với đất, đăng ký biến động quyền sử dụng đất?
Đăng ký đất đai là thủ tục hành chính do nhà nước quy định và tổ chức thực hiện, có tính bắt buộc đối với mọi người sử dụng đất, nó thực hiện đồng thời cả hai việc: vừa ghi vào hồ sơ địa chính của cơ quan nhà nước để phục vụ cho yêu cầu quản lý của nhà nước đối với đất đai theo quy hoạch và pháp luật, vừa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất.
Khái niệm về đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được giải thích dưới góc độ pháp lý theo quy định tại Điều 15, Khoản 3, Luật Đất đai như sau: “Đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.” Điều 95 Luật Đất đai cũng quy định rằng: “Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.” Như vậy, việc đăng ký đất đai là bắt buộc còn đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu (tức là không bắt buộc).
Đăng kí biến động đất đai được thực hiện đối với một thửa đất đã xác định một chế độ sử dụng cụ thể, là việc làm thường xuyên của cơ quan hành chính Nhà nước mà cụ thể là ngành Địa chính nhằm cập nhật thông tin về đất đai để đảm bảo cho hệ thống hồ sơ địa chính luôn phản ánh đúng hiện trạng sử dụng đất.
Tính chất cơ bản của đăng kí biến động quyền sử dụng đất là xác nhận sự thay đổi nội dung của những thửa đất đã được đăng kí quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, trên cơ sở đó thực hiện việc chỉnh lý hồ sơ địa chính hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đăng kí biến động đất đai có những đặc điểm cơ bản sau:
– Dựa trên cơ sở hồ sơ đăng kí đất đai ban đầu.
– Không cần thiết phải có hội đồng tư vấn trong quá trình xét duyệt.
– Được tiến hành thường xuyên,tồn tại song song với quá trình sử dụng đất.
Nội dung đăng kí biến động sử dụng đất theo pháp luật hiện hành: được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
– Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
– Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
– Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;
– Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;
– Chuyển mục đích sử dụng đất;
– Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;
– Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
– Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;
– Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
– Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của
– Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;
– Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.
Các nội dung này phát sinh trên cơ sở thay đổi chủ sở hữu như chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho; hay trên cơ sở người sử dụng đất thực hiện các quyền thế chấp chấp, bảo lãnh, cho thuê,…; hoặc do thay đổi mục đích sử dụng đất; thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, thông tin về thửa đất và các tài sản gắn liền với đất;…
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác kê khai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cập nhật được thường xuyên, đầy đủ các biến động đất đai thì ngoài những giải pháp về chính sách, pháp luật, tổ chức, tuyên truyền thì nhu cầu cấp thiết là phải xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính để phục vụ công tác quản lý đất đai ngay tại phường
2. Lệ phí đăng ký tài sản trên đất, đăng ký biến động quyền sử dụng đất?
Theo
Nghị quyết số 59/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND thành phố Đà Nẵng Quy định mức thu, đối tượng thu, nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng quy định như sau:
Chứng nhận đăng ký biến động đất đai:
Địa bàn quận: cá nhân, hộ gia đình (28.000 đồng/lần); tổ chức 30.000 đồng/lần.
Địa bàn huyện: cá nhân, hộ gia đình (14.000 đồng/lần); tổ chức 30.000 đồng/lần.
Hoặc theo Quyết định 41/2017/QĐ-UBND quy định mức thu, nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, lệ phí chứng nhận đăng ký biến động đất đai cũng được quy định:
Cá nhân, hộ gia đình: Phường thuộc thành phố Huế, phường thuộc thị xã: (28.000 đồng/lần); các thị trấn và xã còn lại: Mức thu bằng 50% mức thu tại các phường thuộc thành phố; phường thuộc thị xã.
Tổ chức 30.000 đồng/lần.
Nhìn chung mức lệ phí chứng nhận đăng ký đất đai, tài sản trên đất và đăng ký biến động đất đai là có sự cân đối giữa các tỉnh, thông thường việc quy định về lệ phí này rất khó tìm kiểm bởi khả năng công khai các văn bản pháp luật địa phương là rất thấp, vì vậy văn phòng đăng ký đất đai sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin về lệ phí đăng ký cho người sử dụng, đây là nghĩa vụ mà họ phải thực hiện.
Thông thường, bên cạnh việc quy định về lệ phí, các văn bản pháp luật sẽ quy định về các đối tượng được miễn lệ phí, chủ yếu là đối với hộ nghèo, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; đất đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn; Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi đăng ký thay đổi quyền sử dụng đất (lần đầu) do thay đổi địa giới đơn vị hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 653/2019/UBTV14 ngày 12 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Việc xây dựng lệ phí được trao cho các tỉnh là đều rất phù hợp nhằm đáp ứng được các điều kiện nhất định của địa phương, giúp họ tự chủ hơn trong công tác thu lệ phí, đáp ứng được đúng mục tiêu đặt ra về lệ phí.