Người sở hữu thẻ đi lại doanh nhân APEC sẽ có các quyền lợi vô cùng to lớn, trong đó có quyền lợi miễn thị thực khi nhập cảnh tại các nền kinh tế thành viên APEC. Vậy lệ phí cấp thẻ đi lại doanh nhân APEC hiện nay đang được quy định là bao nhiêu tiền?
Mục lục bài viết
1. Lệ phí cấp thẻ đi lại doanh nhân APEC là bao nhiêu tiền?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Quyết định 09/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC, có quy định cụ thể về thẻ đi lại doanh nhân APEC. Thẻ này có giá trị sử dụng trong khoảng thời gian 03 năm được tính kể từ ngày cấp và sẽ không được phép gia hạn, tức là khi thẻ này hết thời hạn sử dụng, nếu người được cấp thẻ vẫn còn có nhu cầu đi lại trong khối các nước thành viên APEC thì sẽ phải làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thẻ mới.
Theo đó, thẻ đi lại doanh nhân APEC (APEC Business Travel Card viết tắt ABTC) là khái niệm để chỉ một loại thẻ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nền kinh tế thành viên APEC cung cấp cho các doanh nhân của mình sau khi nhận được sự đồng tình và phê duyệt cho phép nhập cảnh từ các nền kinh tế thành viên khác trong APEC. Cụ thể, doanh nhân Việt Nam được xác định là những người có quốc tịch của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, doanh nhân đó thường trú trên lãnh thổ của nước Việt Nam và đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp hoặc tổ chức được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nhân nước ngoài được xem là các cá nhân thuộc nền kinh tế thành viên trong khối APEC, đang trong quá trình được xem xét nhân sự hoặc có thẻ ABTC nhập cảnh vào lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam.
Về vấn đề lệ phí trong quá trình cấp thẻ đi lại doanh nhân APEC, căn cứ theo quy định tại tiểu mục 1 Mục A Phần II thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ công an, ban hành kèm theo Quyết định 6968/QĐ-BCA của Bộ Công an về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an, có quy định cụ thể như sau:
Thủ tục cấp mới thẻ đi lại doanh nhân APEC (trong đó bao gồm cấp lần đầu, cấp lại khi thẻ ABTC hết hạn) cho các đối tượng được xác định là doanh nhân Việt Nam tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Cục quản lý xuất nhập cảnh và Bộ công an. Cụ thể như sau:
– Lệ phí trong quá trình cấp thẻ đi lại doanh nhân APEC hiện nay được xác định là 1.200.000 đồng/thẻ;
– Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Tờ khai đề nghị cấp hoặc cấp lại thẻ đi lại doanh nhân APEC (mẫu X05) ban hành kèm theo Thông tư số 28/2016/TT-BCA ngày 05/7/2016 của Bộ Công an;
– Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Doanh nhân Việt Nam đang ở trong nước, đồng thời doanh nhân đó không thuộc các trường hợp chưa được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Theo đó, cá nhân và tổ chức sẽ phải nộp lệ phí 1.200.000 đồng đối với mỗi thẻ đi lại doanh nhân APEC.
2. Có mấy hình thức thẻ đi lại doanh nhân APEC hiện nay?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Quyết định 09/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC, có quy định về các hình thức của thẻ đi lại doanh nhân APEC. Theo đó, thẻ đi lại doanh nhân APEC sẽ được thể hiện dưới những hình thức cơ bản sau đây:
– Thẻ đi lại doanh nhân có hai dạng đó là thẻ cứng và thẻ điện tử. Trong đó, thẻ cứng và thẻ điện tử sẽ có giá trị pháp lý tương đương nhau;
– Thẻ cứng được xác định là một dạng thẻ có kích thước hình chữ nhật, được in trên chất liệu đặc biệt theo công nghệ chung của các nền kinh tế thành viên trong APEC, và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của cơ quan có thẩm quyền đó là Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế;
– Thẻ điện tử được xác định là một dạng thẻ được cấp trên giao diện phương tiện điện tử thông qua ứng dụng ABTC trên các thiết bị điện tử thông minh có kết nối với mạng internet, quá trình có thẻ điện tử cũng phù hợp với quy định của pháp luật;
– Doanh nhân Việt Nam sẽ có quyền lựa chọn được cấp thẻ cứng hoặc thẻ điện tử phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Theo đó thì có thể nói, thẻ đi lại doanh nhân hiện nay có hai dạng, đó là thẻ cứng và thẻ điện từ. Bên cạnh đó, theo cứng và thẻ điện tử là những loại thẻ có giá trị pháp lý tương tự nhau, tức là có giá trị pháp lý tương đương.
3. Những thông tin trên thẻ đi lại doanh nhân APEC:
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Quyết định 09/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC, có quy định về thông tin trên thẻ đi lại APEC. Theo đó, trên thẻ đi lại doanh nhân sẽ có các thông tin cơ bản sau:
– Ảnh chân dung;
– Họ và tên;
– Ngày tháng năm sinh;
– Giới tính và quốc tịch;
– Số thẻ, ngày hết hạn của thẻ đi lại doanh nhân;
– Chữ ký, số hộ chiếu;
– Thông tin các nền kinh tế thành viên đồng tình và chấp thuận cho nhập cảnh.
Theo đó thì có thể nói, trên thẻ đi lại doanh nhân APEC sẽ bao gồm đầy đủ các thông tin cơ bản nêu trên. Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Quyết định 09/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC, có quy định về vấn đề trách nhiệm sử dụng thẻ đi lại doanh nhân APEC. Cụ thể như sau:
– Doanh nhân Việt Nam được cấp thẻ đi lại sẽ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ sử dụng thẻ trong quá trình đi lại, để thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, hợp tác thương mại, hợp tác đầu tư, hợp tác dịch vụ hoặc trong quá trình tham dự các hội nghị, hội thảo vào các mục đích kinh tế khác tại các nền kinh tế thành viên, sẽ phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo quản thẻ trên thực tế, không được tự ý có hành vi tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch hình thức hoặc các thông tin được quy định trên thẻ, không được dùng thẻ để sử dụng vào các hành vi vi phạm quy định của pháp luật;
– Doanh nhân Việt Nam khi được cấp thẻ đi lại doanh nhân sẽ phải có thái độ tôn trọng và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và các quy định khác có liên quan đến hoạt động của doanh nhân tại các nền kinh tế của các nước thành viên khác;
– Doanh nhân nước ngoài trong quá trình sử dụng thẻ đi lại doanh nhân cũng sẽ cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Số hộ chiếu được quy định trên thẻ sẽ phải phù hợp với số hộ chiếu mà doanh nhân đó đang sử dụng trên thực tế;
– Doanh nhân Việt Nam nếu không còn làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức hoặc không còn giữ các chức vụ được quy định tại Điều 9 của Quyết định 09/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC, thì sẽ phải có nghĩa vụ và có trách nhiệm trả lại thẻ đi lại doanh nhân APEC cho các cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Quyết định 09/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC;
– Quyết định 6968/QĐ-BCA của Bộ Công an về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an.