Vấn đề sử dụng ảnh nóng, clip nhạy cảm của người khác để tống tiền đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. Nhiều đối tượng lợi dụng sự sợ hãi của người bị hại để đe doạ, yêu cầu người bị hại phải cung cấp tiền để "bịt miệng". Vậy Lấy ảnh nóng, clip của người khác tống tiền thì xử lý thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là tống tiền?
Tống tiền được hiểu là việc một người hay một nhóm người có hành vi sử dụng các phương tiện, cách thức khác nhau để đe doạ, uỷ hiếp tinh thân của người có trách nhiệm về tài sản hoặc sử dụng vũ lực, thủ đoạn để làm cho người có trách nhiệm về tài sản đó lo sợ và phải giao tài sản cho bên tống tiền.
Trong bài viết này, phạm vi tống tiền là việc sử dụng ảnh nóng, clip nóng của người khác để đe doạ người đó để cho người bị đe doạ sợ hãi và phải giao tiền cho bên có hành vi tống tiền.
Hiện nay, hành vi tống tiền được xác định là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân được pháp luật và Nhà nước bảo vệ. Do đó, hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Mức xử phạt sẽ tuỳ vào tính chất cũng như là mức độ thiệt hại mà bên tống tiền gây nên.
2. Lấy ảnh nóng, clip của người khác tống tiền thì xử lý thế nào?
Như đã phân tích tại mục 1 của bài viết này thì tuỳ vào tính chất cũng như mức độ vi phạm và thiệt hại gây ra thì người có hành vi lấy ảnh nóng, clip nóng của người khác để tống tiền có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể mức xử lý người có hành vi tống tiền được quy định như sau:
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấy ảnh nóng, clip của người khác để tống tiền:
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của cá nhân, tổ chức khác:
Đối với hành vi lấy ảnh nóng, clip của người khác để tống tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền với mức tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản cho mình. Ở trong trường hợp này, người vi phạm đã có hành vi dùng thủ đoạn đê hèn, sử dụng hình ảnh nhạy cảm, clip nóng đe doạ đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác để buộc người đó phải đưa tiền cho mình.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này cũng có quy định về hình thức xử phạt bổ sung đối với người có hành vi nêu trên. Cụ thể như sau:
– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm;
– Đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm thì sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam để ngăn chặn hành vi vi phạm.
Thứ hai, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội:
Trong trường hợp người vi phạm lấy ảnh nóng, clip nhạy cảm của người bị hại đăng tải lên mạng xã hội để tống tiền thì được xác định là hành vi vi phạm các quy định về trach nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Căn cứ theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định số 14/2022/NĐ-CP thì người có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều luật này cũng quy định người có hành vi vi phạm nêu trên sẽ buộc phải gỡ bỏ thông tin như hình ảnh, clip đã đăng tải lên mạng xã hội.
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi lấy ảnh nóng, clip của người khác để tống tiền:
Khi hành vi lấy ảnh nóng, clip nóng của người khác để tống tiền gây ra hậu quả nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hoặc tội Truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự hiện hành. Tuỳ vào mức độ hay kết quả của hành vi vi phạm thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét và kết luận tội danh cụ thể đối với người vi phạm. Mức xử phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự với người vi phạm được quy định cụ thể như sau:
Thứ nhất, truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:
Tội cưỡng đoạt tài sản được nhận diện bởi 02 điểm đặc trưng trong mặt khách quan của tội phạm đó là:
+ Lỗi cố ý trực tiếp;
+ Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc. Mục đích chiếm đoạt tài sản luôn phải xuất hiện trước hoặc muộn nhất là đồng thời với thời điểm thực hiện hành vi khách quan.
Theo quy định trên thì người vi phạm sẽ bị xử lý như sau:
– Khung 1: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác để chiếm đoạt tài sản;
– Khung 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với người vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Khung 3: Phạt từ từ 07 năm đến 15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
– Khung 4: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Như vậy, Tội cưỡng đoạt tài sản là nhóm tội có cấu thành hình thức. Tức là khi người phạm tội có hành vi mà điều luật mô tả thì tội phạm đã hoàn thành. Tội này có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 5 Điều luật này cũng quy định thì người vi phạm sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
Truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ được thực hiện với mục đích phổ biến sách, báo, tranh, ảnh,… có nội dung khiêu dâm, đồi truỵ. Khi người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này thì sẽ bị xử lý theo một trong các khung sau:
– Khung 1: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với hành vi người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển…. nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 BG – dưới 05 GB;
+ Ảnh có số lượng từ 100 – dưới 200 ảnh;
+ Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 – dưới 100 đơn vị;
+ Phổ biến cho từ 10 – 20 người;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Khung 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có tổ chức;
+ Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 GB – dưới 10 GB;
+ Ảnh có số lượng từ 200 – dưới 500 ảnh;
+ Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 – dưới 200 đơn vị;
+ Phổ biến cho từ 21 – 100 người;
+ Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Khung 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 10 GB trở lên;
+ Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;
+ Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;
+ Phổ biến cho 101 người trở lên.
Như vậy, hình phạt nặng nhất đối với hành vi vi phạm truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ là 15 năm tù giam. Ngoài ra người phạm tội còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm một số công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;
– Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 03/2/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dich điện tử;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/12/2021 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;
– Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27/1/2022 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.