Quy hoạch là việc sắp xếp, thực hiện phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với việc phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định. Vậy lập quy hoạch có cần phải lấy ý kiến của người dân không?
Mục lục bài viết
1. Lập quy hoạch có cần phải lấy ý kiến của người dân không?
Khoản 1 Điều 3 Luật Quy hoạch 2017 có giải thích Quy hoạch là việc sắp xếp, thực hiện phân bố không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với việc phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng cho hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định. Điều 19 Luật Quy hoạch 2017 quy định về lấy ý kiến về quy hoạch, Điều này quy định lấy ý kiến về quy hoạch như sau:
– Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương mà có liên quan và cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về vấn đề quy hoạch, trừ quy hoạch ngành quốc gia thì sẽ do cơ quan tổ chức lập quy hoạch lấy ý kiến. Đối với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thì cơ quan lập quy hoạch sẽ phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các địa phương liền kề.
– Việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện bằng hình thức là gửi hồ sơ, tài liệu và đăng tải lên trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch. Cơ quan, tổ chức mà được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.
– Việc lấy ý kiến cộng đồng về quy hoạch được thực hiện bằng hình thức là đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch, niêm yết và trưng bày tại nơi công cộng, phát phiếu Điều tra phỏng vấn, tổ chức cuộc hội nghị, hội thảo và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
– Ý kiến đóng góp phải được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi thực hiện thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch. Cơ quan lập quy hoạch phải có trách nhiệm công bố, công khai ý kiến đóng góp và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp.
Theo đó, Cơ quan lập quy hoạch phải có trách nhiệm lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương mà có liên quan và cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch. Đối với các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thì cơ quan lập quy hoạch phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các địa phương liền kề, mà theo quy định của pháp luật về lấy ý kiến về quy hoạch vùng và ý kiến về quy hoạch tỉnh được quy định tại Nghị định 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quy hoạch được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 58/2023/NĐ-CP như sau:
– Đối tượng lấy ý kiến về quy hoạch vùng gồm có Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; những bộ, cơ quan ngang bộ liên quan; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của các địa phương trong vùng, các địa phương liền kề vùng và những địa phương nằm trong lưu vực sông có liên quan tới quy hoạch vùng; cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy hoạch vùng.
– Đối tượng lấy ý kiến quy hoạch tỉnh gồm có các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh những địa phương trong vùng và những địa phương liền kề; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và những cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy hoạch tỉnh.
Như vậy, qua các quy định trên có thể khẳng định được rằng khi lập quy hoạch thì cơ quan lập quy hoạch phải có trách nhiệm lấy ý kiến của người dân mà có liên quan đến quy hoạch.
2. Quy định về lấy ý kiến của người dân về quy hoạch:
Khoản 3 Điều 19 Luật Quy hoạch 2017 quy định việc lấy ý kiến cộng đồng về quy hoạch được thực hiện bằng hình thức là đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch, niêm yết, trưng bày ở tại nơi công cộng, phát phiếu Điều tra phỏng vấn, tổ chức cuộc hội nghị, hội thảo và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Quy định về lấy ý kiến của người dân về quy hoạch được quy định cụ thể tại Nghị định 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quy hoạch được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 58/2023/NĐ-CP như sau:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo tới cho Ủy ban nhân dân cấp huyện việc lấy ý kiến về quy hoạch;
– Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thông báo việc lấy ý kiến về quy hoạch đến Ủy ban nhân dân cấp xã và những cơ quan, tổ chức đóng tại địa bàn;
– Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông tin về việc lấy ý kiến về quy hoạch đến cộng đồng dân cư và cá nhân có liên quan;
– Cộng đồng dân cư, tổ chức và cá nhân góp ý quy hoạch trực tiếp ở trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch hoặc là gửi văn bản góp ý tới cơ quan lập quy hoạch. Trường hợp cần thiết thì cơ quan lập quy hoạch có thể lấy ý kiến về quy hoạch thông qua việc niêm yết, trưng bày ở tại nơi công cộng, tổ chức cuộc hội nghị, hội thảo, phát phiếu điều tra, phỏng vấn thông qua đại diện cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư và cá nhân;
– Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm tổng hợp các ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến, công bố công khai ở trên trang thông tin điện tử của cơ quan trước khi trình thẩm định quy hoạch.
Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quy hoạch vừa nêu được áp dụng đối với:
– Lấy ý kiến về các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
– Lấy ý kiến về các quy hoạch ngành quốc gia.
– Lấy ý kiến về các quy hoạch vùng.
– Lấy ý kiến về các quy hoạch tỉnh.
3. Các yêu cầu về nội dung quy hoạch:
– Bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ quốc gia, hướng đến mục tiêu là phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với các biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả về nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử – văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên cho những thế hệ hiện tại và tương lai.
– Việc phân bố phát triển không gian trong quá trình lập quy hoạch phải bảo đảm được thống nhất giữa kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai và bảo vệ môi trường, dịch vụ hệ sinh thái.
– Bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa những ngành và những vùng trong cả nước, giữa những địa phương trong vùng và khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm được an sinh xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
– Bảo đảm sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường ở trong quá trình lập quy hoạch.
– Bảo đảm giảm thiểu những tác động tiêu cực do kinh tế – xã hội, môi trường gây ra đối với sinh kế của cộng đồng, của người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em. Quá trình lập quy hoạch sẽ phải được kết hợp với những chính sách khác thúc đẩy phát triển những khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn và bảo đảm sinh kế bền vững của các người dân trong khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn.
– Bảo đảm kết hợp hài hòa giữa những lợi ích của nhà nước và lợi ích của cộng đồng; giữa lợi ích của các vùng, các địa phương.
– Bảo đảm quyền tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân ở trong quá trình lập quy hoạch.
– Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại ở trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
– Nội dung của từng loại quy hoạch phải thống nhất, liên kết với nhau và phải được thể hiện bằng báo cáo quy hoạch và hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về quy hoạch.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Quy hoạch 2017.
– Nghị định 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quy hoạch được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 58/2023/NĐ-CP.