HIện nay, lấn chiếm đất đai diễn ra ngày càng phổ biến bởi giá trị đất, nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao, đồng thời việc này cũng phản ánh quá trình quản lý đất đai cũng chưa thật sự chặt chẽ. Vậy, làm thế nào để lấy lại phần đất bị lấn chiếm? Cách xử lý? Người có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng mức phạt nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật đất đai về hành vi lấn, chiếm đất:
Căn cứ vào Khoản 1,2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung tại Nghị định 04/2022/NĐ-CP) quy định về khái niệm hành vi lấn, chiếm đất đai như sau:
Lấn đất được hiểu là hành vi của người sử dụng đất cố tình tác động lên ranh giới phân chia quyền sử dụng đất của bất động sản kế bên. Việc chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất với mục đích để mở rộng diện tích đất sử dụng của mình, giành lợi ích mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
Hành vi lấn đất thể hiện rõ được mục đích là để Chiếm đất, muốn diện tích đã lấn sẽ thuộc sở hữu của gia đình mình. Biểu hiện của hành vi chiếm đất được thể hiện như sau:
– Cá nhân, tổ chức tự ý sử dụng đất không quan tâm đến việc đất này có nằm trong sự quản lý của cơ quan, tổ chức nào. Hoặc biết đất không thuộc sự quản lý của mình nhưng vẫn ngang nhiên sử dụng mà không cần cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;
– Đất thuộc sở hữu của người khác nhưng tự ý sử dụng đất này vì mục đích cá nhân, không có sự thông báo và cho phép từ tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp;
– Một số loại đất Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong khoảng thời gian nhất định nhưng khi hết thời hạn sử dụng đất không đủ điều kiện để Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất được công bố, tổ chức thực hiện nhưng cá nhân sử dụng đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);
– Thủ tục giao đất, cho thuê đất chưa được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật mà đã sử dụng đất trên thực địa.
– Ngoài ra, hành vi lấn chiếm đất đai còn nằm trong một những hành vi bị nghiêm cấm tuyệt đối tại tại khoản 1 Điều 12
2. Làm thế nào để lấy lại phần đất bị lấn chiếm?
Căn cứ theo ĐIều 202, Điều 203 Luật Đất đai hiện hành, khi bị hàng xóm lấn chiếm đất, người bị lấn chiếm giải quyết như sau:
– Hiện nay, Nhà nước luôn khuyến khích giải quyết tranh chấp dân sự cụ thể là tranh chấp đất đai thông qua thương lượng, hòa giải với người có hành vi lấn chiếm đề đòi lại phần diện tích bị lấn chiếm;
– Trong trường hợp không thể tự giải quyết được với nhau thì một trong các bên có thể gửi đơn lên Ủy ban nhân dân cấp xã để tiến hành hòa giải nếu không thể tự hòa giải.
– Xét thấy, mâu thuẫn không thể nào giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải thì người có đất bị lấn chiếm tiến hành khởi kiện đến Tòa án theo quy định trong trường hợp các bên hòa giải không thành.
2.1. Thương lượng, hòa giải đòi lại phần diện tích đất bị lấn chiếm:
Căn cứ khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì thủ tục hòa giải là bước giải quyết cơ bản nên được các bên lựa chọn. Khi muốn nhờ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để tiến hành hòa giải thì phải chuẩn bị một đơn yêu cầu hòa giải.
– Trách nhiệm tổ chức hòa giải: Sau khi tiếp nhận đơn, thông tin về việc tranh chấp đất đai thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị tranh chấp có thể phối hợp với những cơ quan ban ngành khác để hỗ trợ giải quyết vấn đề này, có thể kể đến: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.
– Thời hạn giải quyết: Cán bộ phụ trách hòa giải thực hiện công việc không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Đáng lưu ý:
+ Việc hòa giải phải được lập thành biên bản bắt buộc phải có chữ ký xác nhận nội dung, kết quả hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã.
+ Khi Uỷ ban xã đã lập biên bản thì phải gửi đến các bên tranh chấp để mỗi bên có thể nắm bắt được tình hình giải quyết vụ việc và ngoài ra xã cũng phải lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp một bản để làm căn cứ.
– Giai đoạn sau khi tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã:
+ Nếu hòa giải thành: Các bên phải tuân thủ theo đúng biên bản hòa giải mà các bên đã thống nhất và có sự chứng kiến của người đứng ra hòa giải tại Uỷ ban nhân dân xã. Trường hợp lấy lại được đất bị lấn chiếm và có thay đổi hiện trạng về ranh giới đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường để sửa lại ranh giới;
+ Nếu hòa giải không thành: Sau khi hòa giải mà có một bên không đồng ý với nội dung hòa giải thì người bị lấn chiếm đất có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang tranh chấp để giải quyết (theo khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013) để nhờ Tòa giải quyết.
2.2. Khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp:
Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:
– Chuẩn bị một mẫu đơn khởi kiện theo mẫu sẵn mà Nhà nước ban hành;
– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất của chủ sở hữu;
– Biên bản hòa giải cũng phải nộp tại bộ hồ sơ này vì nó là căn cứ để Tòa án chấp nhận đơn khởi kiện của đương sự. Biên bản này phải đảm bảo tính pháp lý khi có đầy đủ sự chứng nhận của Uỷ ban nhân dân xã và có chữ ký của các bên tranh chấp;
– Giấy tờ tùy thân của người khởi kiện như Thẻ căn cước công dân;
– Các giấy tờ chứng minh khác theo yêu cầu khởi kiện của bên khởi kiện (ví dụ như văn bản đo đạc, trích lục hồ sơ địa chính…)
3. Mức phạt hành vi lấn chiếm đất:
Như đã biết, Khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013 đã khẳng định bất kỳ ai có hành vi lấn, chiếm đất đai là đang vi phạm pháp luật. Do đó, việc lấn chiếm đất của người khác sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
3.1. Xử phạt hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất:
Căn cứ theo Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với hành vi lấn, chiếm đất phụ thuộc vào loại đất bị lấn chiếm, diện tích, khu vực và người thực hiện hành vi. Cụ thể:
Diện tích lấn chiếm | Mức phạt tiền | |
Khu vực nông thôn | Khu vực đô thị | |
Lấn, chiếm đất chưa sử dụng | ||
Dưới 0,05 héc ta | 02 – 03 triệu đồng | Mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng tại khu vực nông thôn và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 01 tỷ đồng đối với tổ chức |
Từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta | 03 – 05 triệu đồng | |
Từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta | 05 – 15 triệu đồng | |
Từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta | 15 – 30 triệu đồng | |
Từ 01 héc ta trở lên | 30 – 70 triệu đồng | |
Lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất | ||
Dưới 0,05 héc ta | 03 – 05 triệu đồng | Mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng tại khu vực nông thôn và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 01 tỷ đồng đối với tổ chức |
Từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta | 05 – 10 triệu đồng | |
Từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta | 10 – 30 triệu đồng | |
Từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta | 30 – 50 triệu đồng | |
Từ 01 héc ta trở lên | 50 – 120 triệu đồng | |
Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất | ||
Dưới 0,02 héc ta | 03 – 05 triệu đồng | Mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng tại khu vực nông thôn và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 01 tỷ đồng đối với tổ chức. |
Từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta | 05 – 07 triệu đồng | |
Từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta | 07 – 15 triệu đồng | |
Từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta | 15 – 40 triệu đồng | |
Từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta | 40 – 60 triệu đồng | |
Từ 01 héc ta trở lên | 60 – 150 triệu đồng | |
Lấn, chiếm đất phi nông nghiệp | ||
Dưới 0,05 héc ta | 10 – 20 triệu đồng | Mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng tại khu vực nông thôn và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 01 tỷ đồng đối với tổ chức |
Từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta; | 20 – 40 triệu đồng | |
Từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta | 40 – 100 triệu đồng | |
Từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta | 100 – 200 triệu đồng | |
Từ 01 héc ta trở lên. | 200 – 500 triệu đồng |
3.2. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi lấn chiếm đất:
Các cá nhân khi có hành vi lấn chiếm đất đai, xâm hại đến quyền lợi của cá nhân tổ chức khác, không chỉ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền mà còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau:
– Bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm;
– Cưỡng chế việc trả lại đất đã lấn, chiếm nếu cố tình chống đối;
– Với những trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất thì phải thực hiện nghĩa vụ là đăng ký đất đai theo quy định;
– Trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện xong thủ tục giao đất, thuê đất sẽ bị buộc thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định;
– Khi hành vi lấn chiếm đất của người khác đem lại số lợi bất chính thì bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.