Làm sao để xác định doanh nghiệp nợ đọng đã nộp đơn xin tuyên bố phá sản. Gửi giấy đòi nợ như thế nào khi doanh nghiệp đã nộp đơn xin tuyên bố phá sản.
Làm sao để xác định doanh nghiệp nợ đọng đã nộp đơn xin tuyên bố phá sản. Gửi giấy đòi nợ như thế nào khi doanh nghiệp đã nộp đơn xin tuyên bố phá sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi Luật sư, Em muốn hỏi rõ hơn về vấn đề phá sản:
1. Làm sao để biết doanh nghiệp đang nợ đọng đã/đang nộp đơn ra Tòa xin tuyên bố phá sản?
2. Điều 66 luật phá sản: "chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản". Trên công văn đòi nợ em chỉ gửi cho mỗi Tòa án có được không? Vì em không biết ai là quản tài viên. Mong Luật sư giúp đỡ. Em cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ Điều 42 Luật phá sản 2014 quy định như sau:
“Điều 42. Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, trừ trường hợp quy định tại Điều 105 của Luật này.
2. Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
3. Trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có thể triệu tập phiên họp với sự tham gia của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức có liên quan để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
4. Quyết định mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm;
b) Tên của Tòa án nhân dân; họ và tên Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản;
c) Ngày và số thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; tên, địa chỉ của người làm đơn yêu cầu;
d) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;
đ) Thời gian, địa điểm khai báo của các chủ nợ và hậu quả pháp lý của việc không khai báo.
5. Tòa án nhân dân ra quyết định không mở thủ tục phá sản nếu xét thấy doanh nghiệp, hợp tác xã không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Trong trường hợp này, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được trả lại tiền tạm ứng chi phí phá sản; yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thực hiện nghĩa vụ về tài sản đã bị tạm đình chỉ theo quy định tại Điều 41 của Luật này được tiếp tục giải quyết.
6. Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản có hiệu lực thi hành kể từ ngày ra quyết định.”
Như vậy, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp, Thẩm phán ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản. Trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có thể triệu tập phiên họp với sự tham gia của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc đại hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức có liên quan để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Và khi có quyết định mở thủ tục phá sản thì Tòa án phải thông báo gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính và đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và 02 số báo địa phương liên tiếp nơi doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán có trụ sở chính. Quyết định không mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Thời hạn gửi và thông báo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản là 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định.
Như vậy, khi có quyết định mở thủ tục phá sản thì Tòa án sẽ thông báo cho bạn và bạn có thể tra cứu trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ Điều 66 Luật phá sản 2014 quy định như sau:
“Điều 66. Gửi giấy đòi nợ
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
2. Giấy đòi nợ phải có các nội dung sau:
a) Tên, địa chỉ, quốc tịch, căn cước của chủ nợ hoặc đại diện chủ nợ;
b) Tổng số nợ phải trả, bao gồm khoản nợ, số nợ đến hạn và khoản tiền lãi đến hạn nhưng chưa thanh toán; số nợ chưa đến hạn; số nợ có bảo đảm và phương thức bảo đảm; số nợ không có bảo đảm mà doanh nghiệp, hợp tác xã phải trả; khoản tiền bồi thường theo hợp đồng (nếu có).
3. Kèm theo giấy đòi nợ là tài liệu, chứng cứ chứng minh về khoản nợ đó. Giấy đòi nợ phải do chủ nợ hoặc người đại diện hợp pháp của chủ nợ ký tên.
4. Trường hợp bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan không tính vào thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.”
Như vậy, theo quy định thì bắt buộc trên giấy đòi nợ bạn phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Ví dụ trên giấy đòi nợ bạn chỉ cần ghi gửi: Quản tài viên của Doanh nghiệp A.