Quá trình thực thi pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn tồn tại nhiều sai phạm. Cá nhân, tổ chức khi phát hiện sai phạm, có thể làm đơn khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Trường hợp khởi kiện án hành chính mà không có chứng cứ thì phải làm thế nào?
Mục lục bài viết
1. Làm gì khi khởi kiện án hành chính không có chứng cứ?
Chứng cứ là cơ sở để chứng minh hành vi vi phạm, tính hợp lý và thuyết phục của yêu cầu khởi kiện, đồng thời là cơ sở để Tòa án có thể xác định chính xác các sự kiện và tình tiết liên quan, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn nhất về vụ án. Thông thường việc cung cấp chứng cứ khi khởi kiện là trách nhiệm và nghĩa vụ của người khởi kiện để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình có căn cứ và bằng chứng rõ ràng.
Khởi kiện vụ án hành chính là khởi kiện cơ quan hành chính nhà nước có các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính, sai phạm trong quá trình thực thi và áp dụng pháp luật. Do đó, trong các vụ án hành chính, người có trách nhiệm cung cấp bằng chứng để chứng minh các tình tiết và sự kiện liên quan đến vụ án bao gồm: những người tham gia tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Bởi việc giao nộp chứng cứ, tài liệu này là bất lợi đối với cơ quan hành chính nhà nước nên các cơ quan này thường dấu hoặc không giao nộp cho đương sự. Vì vậy, pháp luật có quy định chặt chẽ về trách nhiệm trong việc cung cấp tài liệu chứng cứ đối với các vụ án hành chính.
– Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Văn bản hợp nhất số 30/VBHN-VPQH Luật tố tụng hành chính, quy định về cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính, các đương sự tham gia tố tụng có quyền và nghĩa vụ thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Do đó, việc cung cấp chứng cứ cho yêu cầu khởi kiện hành chính vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của người khởi kiện và các đương sự khác có liên quan.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 9 Văn bản hợp nhất số 30/VBHN-VPQH Luật tố tụng hành chính, Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ các đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án hoặc đương sự theo quy định. Trong trường hợp không thể thu thập chứng cứ tài liệu từ cơ quan có thẩm quyền, nguyên đơn và các đương sự có liên quan có thể gửi đơn nhờ Tòa án hỗ trợ yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định.
– Bên cạnh đó, căn cứ tại khoản 6, khoản 7 Điều 55 Văn bản hợp nhất số 30/VBHN-VPQH Luật tố tụng hành chính quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự trong vụ án hành chính, theo đó đương sự có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Tòa án; Trong trường hợp không thể tự mình thu thập chứng cứ, tài liệu từ cơ quan có thẩm quyền, nguyên đơn và các bên có liên quan có quyền đề nghị Tòa án buộc bên đương sự khác, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý.
– Theo quy định tại Điều 93 Văn bản hợp nhất số 30/VBHN-VPQH Luật tố tụng hành chính, đương sự có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ. Việc thực hiện yêu cầu này, đương sự phải làm thành văn bản và ghi rõ tài liệu, chứng cứ cần cung cấp, lý do yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần cung cấp và gửi đến cơ quan có thẩm quyền.
Trong trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính. Đương sự yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh; chứng cứ cần thu thập; lý do vì sao tự mình không thu thập được.
Như vậy, khi cá nhân, tổ chức khởi kiện vụ án hành chính mà không có chứng cứ thì người khởi kiện có thể thực hiện như sau:
Một là, tự thu thập chứng cứ, tài liệu và giao nộp cho Tòa án để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Hai là, làm đơn yêu cầu cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Tòa án.
Ba là, làm đơn đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính (chỉ lựa chọn hình thức này khi đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được).
2. Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 116 Văn bản hợp nhất số 30/VBHN-VPQH Luật tố tụng hành chính thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính được quy định như sau:
– Đối với trường hợp kỷ luật buộc thôi việc, thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước;
– Đối với hoạt động kiểm toán nhà nước, thời hiệu khởi kiện là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước;
– Đối với việc lập danh sách cử tri bầu cử, thời hiệu khởi kiện hành chính được tính kể từ ngày người khiếu nại nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại đến trước ngày bầu cử 05 ngày.
– Đối với việc khởi kiện hành chính sau khi khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước:
+ Thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
+ Thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại
Lưu ý: Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn pháp luật quy định thì thời hiệu khởi kiện không bao gồm thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.
3. Trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án hành chính:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện.
Bao gồm: đơn khởi kiện (theo quy định) và các tài liệu chứng cứ kèm theo.
Bước 2: Nộp đơn khởi kiện.
Cá nhân, tổ chức có thể nộp đơn khởi kiện (trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc cổng dịch vụ công) tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ.
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Tòa án có trách nhiệm kiểm tra, xem xét hồ sơ khởi kiện.
+ Trường hợp chưa hợp lệ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ gửi thông báo đến người nộp hồ sơ yêu cầu hoàn thiện.
+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Tòa án tiếp nhận hồ sơ khởi kiện và ghi vào sổ nhận đơn, đồng thời thông báo về việc thụ lý hồ sơ khởi kiện cho người nộp đơn.
Bước 4: Thụ lý vụ án.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án có trách nhiệm phân công Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình về yêu cầu của người khởi kiện và nộp tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có)
Bước 5: Chuẩn bị xét xử.
Thời hạn chuẩn bị xét xử được quy định như sau:
Bước 6: Mở phiên tòa xét xử.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 30/VBHN-VPQH Luật tố tụng hành chính ban hành ngày 16 tháng 12 năm 2019.