Đối với Đảng viên khi thực hiện các hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tương ứng. Nhưng bên cạnh đó, là Đảng viên còn có thể bị xử lý kỷ luật Đảng theo quy định tại Điều lệ Đảng. Vậy trong trường hợp Đảng viên bị xử lý kỷ luật cảnh cáo thì sau bao lâu được xóa kỷ luật?
Mục lục bài viết
1. Các hình thức xử lý kỷ luật Đảng viên:
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam theo quy định tại Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011 quy định gồm chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, sống vì mục tiêu do dân và vì dân, phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân. Thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh những quy chuẩn của Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, Đảng viên phải lao động, luôn cố gắng hoàn thành những nhiệm vụ được giao; sống cần – kiệm – liêm – chính; gắn bó, gần gũi với nhân dân, đoàn kết.
Bên cạnh những thành tích cũng như khen thưởng, Đảng viên nếu có hành vi vi phạm vẫn có những chế tài xử lý kỷ luật được quy định nghiêm minh trong Điều lệ Đảng. Cụ thể căn cứ theo Điều 35 Điều lệ Đảng năm 2011 có quy định như sau:
Hình thức xử lý kỷ luật bao gồm:
– Đối với tổ chức đảng: khiển trách, cảnh cáo, giải tán.
– Đối với đảng viên dự bị: khiển trách, cảnh cáo.
– Đối với đảng viên chính thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ khỏi Đảng; không áp dụng biện pháp xóa tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng. Đối với cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không để thôi giữ chức.
Và về nguyên tắc xử lý kỷ luật phải được đảm bảo một cách công minh, chính xác, kịp thời.
– Nếu như Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức có dấu hiệu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì khi đó tổ chức Đảng phải chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không được xử lý nội bộ.
Trường hợp làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi hoàn.
– Sau này Đảng viên có chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức đảng mới, nếu phát hiện hoặc bị tố cáo có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì do tổ chức đảng cấp trên của các đảng bộ nơi quản lý đảng viên trước đây và hiện nay xem xét, xử lý.
Việc diễn ra quy trình xem xét, kiểm tra và xử lý kỷ luật với Đảng viên sẽ được tiến hành tại nơi tổ chức đảng hiện đang quản lý đảng viên đó.
– Để tiến hành xử lý một cách kịp thời, công minh thì phải căn cứ dựa trên mức độ, tính chất, nội dung, nguyên nhân và hậu quả của hành vi vi phạm; đồng thời xem xét cả những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để làm căn cứ đưa ra hình thức xử lý kỷ luật sao cho công bằng và phù hợp.
– Khi xử lý, cần kết hợp cả kết quả tự phê bình của người Đảng viên vi phạm; bên cạnh đó làm rõ nguyên nhân sai lầm do trình độ năng lực hay thực hiện hành vi vi phạm với lỗi cố ý vì động cơ trục lợi cá nhân.
– Trường hợp Đảng viên nằm trong đối tượng là người dân tộc thiểu số công tác, sinh hoạt ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đảng viên theo tôn giáo vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì căn cứ tình hình thực tế vận dụng xử lý cho phù hợp.
– Lưu ý kỷ luật Đảng viên không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc các hình thức xử lý kỷ luật đúng pháp luật.
– Nếu có trường hợp kỷ luật oan sai đối với Đảng viên thì tổ chức Đảng phải thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định đó, đồng thời tự phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên xem xét, quyết định.
Với Đảng viên bị kỷ luật oan sai sẽ được xin lỗi và phục hồi được quyền lợi.
2. Áp dụng biện pháp kỷ luật cảnh cáo đối với Đảng viên trong trường hợp nào?
Đảng viên sẽ bị áp dụng biện pháp kỷ luật cảnh cáo khi vi phạm những nội dung sau:
– Vi phạm về quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ.
– Vi phạm về quan hệ với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
– Vi phạm tổ chức, hoạt động của Đảng; quan điểm chính trị, chính trị nội bộ; bầu cử; tuyên truyền, phát ngôn; công tác tổ chức, cán bộ; chống chạy chức chạy quyền; chức trách, nhiệm vụ, công vụ; lãnh đạo, quản lý, điều hành, bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước.
– Vi phạm trong kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; phòng, chống tội phạm; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
– Vi phạm bảo vệ môi trường; khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ; trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở; lĩnh vực y tế; quản lý tài nguyên.
– Vi phạm về tín ngưỡng, tôn giáo; lập hội và hoạt động của hội; tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự.
2. Kỷ luật cảnh cáo Đảng viên sau bao lâu thì được xóa kỷ luật?
Theo căn cứ tại Khoản 6 Điều 39 Điều lệ Đảng có quy định rõ kỷ luật Đảng viên vi phạm sẽ có hiệu lực ngay sau khi công bố quyết định.
Đồng thời theo quy định tại Điều 16 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021 quy định quyết định cảnh cáo Đảng viên vi phạm có hiệu lực ngay sau khi chi bộ công bố kết quả biểu quyết quyết định kỷ luật (ngoại trừ trường hợp quyết định kỷ luật thuộc thẩm quyền của chi bộ).
Bên cạnh đó, căn cứ theo Khoản 10 Điều 16 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021 có quy định rằng:
Nếu tổ chức đảng, đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải xử lý kỷ luật thì sau một năm kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật, quyết định kỷ luật sẽ đương nhiên chấm dứt hiệu lực. Trường hợp này không áp dụng với quyết định kỷ luật khai trừ đối với đảng viên hoặc quyết định kỷ luật giải tán đối với tổ chức đảng.
Nguyên tắc xử lý kỷ luật này cũng được áp dụng thống nhất trong Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 như sau: Sau 12 tháng, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (trừ quyết định kỷ luật khai trừ đối với đảng viên hoặc quyết định kỷ luật giải tán đối với tổ chức đảng), nếu tổ chức đảng, đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực.
Như vậy, nếu Đảng viên bị cảnh cáo thì sau 12 tháng (01 năm) sẽ được áp dụng xóa kỷ luật nếu không có khiếu nại, cũng như không thực hiện hành vi tái phạm cũng như không vi phạm mới đến mức độ bị kỷ luật.
3. Thẩm quyền xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm:
Theo quy định tại Điều 36 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011 thì thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm cụ thể như sau:
– Đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao): do chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo.
– Cấp uỷ tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; đưa ra quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên; đưa ra quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên cùng cấp vi phạm nhiệm vụ do cấp uỷ giao.
– Đảng viên vi phạm, kể cả Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Bộ Chính trị: Ban chấp hành Trung ương có thẩm quyền quyết định các hình thức kỷ luật.
– Kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định các hình thức kỷ luật.
– Uỷ ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên. Tuy nhiên ngoại trừ ủy viên cùng cấp; đồng thời được đưa ra quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cùng cấp quản lý và cấp uỷ viên cấp dưới trực tiếp..
– Cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp trên có quyền thay đổi, chuẩn y hoặc xoá bỏ hình thức kỷ luật do cấp dưới quyết định.