Kinh doanh vận tải liên vận quốc tế giữa Việt Nam - Lào - Campuchia. Quy định của Pháp luật về kinh doanh vận tải liên vận quốc tế CLV.
Kinh doanh vận tải liên vận quốc tế giữa Việt Nam – Lào – Campuchia. Quy định của Pháp luật về kinh doanh vận tải liên vận quốc tế CLV.
Thay mặt Chính phủ ba nước: Campuchia, Lào , Việt Nam, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ba nước đã ký bản ghi nhớ về vận tải đường bộ với mục tiêu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, giao lưu thương mại, du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho người và tất cả phương tiện cơ giới phi thương mại, thương mại vận chuyển hàng hóa, qua lại biên giới giữa ba nước.
Căn cứ theo Bản ghi nhớ, ngày 31 tháng 12 năm 2013, Bộ Giao thông vận tải đã có Thông tư 63/2013/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện một số Điều của Bản ghi nhớ giữa Chính phủ các nước Vương quốc Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vận tải đường bộ; áp dụng đối với các phương tiện cơ giới thương mại, phi thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo đó, mỗi chuyến đi, phương tiện được phép ở lại lãnh thổ của một Bên ký kết không quá 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp quá thời hạn quy định, mà có lý do hợp lý sẽ được gia hạn 01 (một) lần với thời gian tối đa không quá 10 (mười) ngày.
Giấy phép vận tải qua biên giới Campuchia – Lào – Việt Nam (sau đây gọi tắt là Giấy phép liên vận CLV) cấp cho xe thương mại có giá trị 01 (một) năm được đi lại nhiều lần. Phương tiện phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Giấy phép liên vận CLV cấp cho xe phi thương mại có thời hạn 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày cấp.
Riêng đối với xe công vụ hoặc xe của các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, xe của các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động vận tải để phục vụ cho các công trình, dự án hoặc hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp, hợp tác xã đó trên lãnh thổ Lào, Campuchia được cấp Giấy phép theo thời gian, mục đích chuyến đi nhưng không vượt quá 01 (một) năm.
Cơ quan cấp Giấy phép được thu hồi Giấy phép đã cấp nếu phương tiện không thực hiện đúng các nội dung ghi trong Giấy phép hoặc phương tiện không hoạt động trong vòng 03 (ba) tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép.
Hết thời hạn của Giấy phép hoặc Giấy phép bị hư hỏng hoặc bị mất Giấy phép, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép theo quy định, tại Điều 8, Điều 9 của Thông tư này. Giấy phép cũ hoặc Giấy phép hư hỏng nộp về cơ quan cấp Giấy phép; trường hợp mất Giấy phép phải có công văn báo cáo và cam kết về việc mất Giấy phép.
Thông tư này cũng chỉ rõ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức quản lý và hướng dẫn hoạt động đối với các phương tiện qua lại biên giới đường bộ giữa Campuchia – Lào – Việt Nam; chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc kiểm tra và xử lý phương tiện thương mại và phi thương mại của Campuchia, Lào và Việt Nam hoạt động qua lại biên giới giữa ba nước; tổ chức hội nghị thường niên với Cục Vận tải Lào và Tổng cục Vận tải Campuchia để đàm phán giải quyết các vấn đề có liên quan đến vận tải đường bộ giữa ba nước; in ấn và phát hành Biển ký hiệu phân biệt quốc gia của Việt Nam, Giấy phép liên vận CLV.
Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức phổ biến và triển khai thực hiện Thông tư này tới các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn; định kỳ hàng năm báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tình hình tổ chức và quản lý hoạt động vận tải liên vận Campuchia – Lào – Việt Nam để theo dõi, tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Mối quan hệ láng giềng, hữu nghị giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia những năm qua không ngừng được củng cố và phát triển. Quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ba nước đã có những bước phát triển tích cực, đặc biệt là về thương mại. Do có chung đường biên giới cùng với hợp tác song phương giữa: Việt Nam – Campuchia, Việt Nam – Lào được triển khai ký kết qua các Hiệp định, Nghị định thư về vận tải đường bộ, đã góp phần thúc đẩy phát triển giao lưu về kinh tế, thương mại, du lịch của nhân dân ba nước.