Kinh doanh vận tải biển là một loại hình kinh doanh rất có tiềm năng. Vậy kinh doanh vận tải biển là gì? Điều kiện kinh doanh vận tải biển?
Mục lục bài viết
1. Kinh doanh vận tải biển là gì?
Trước hết, phải hiểu vận tải biển là như thế nào. Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể như thế nào là vận tải biển. Nhưng qua về mặt ngữ nghĩa cũng như từ thực tế thì có thể thấy vận tải đường biển được hiểu là việc sử dụng tàu biển để kinh doanh vận chuyển những mặt hàng hóa, hành khách, hành lý. Gần như các loại hàng hóa không thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hay cấm lưu hành thì đều có thể vận chuyển bằng đường biển.
Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 160/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển có giải thích về kinh doanh vận tải biển, theo quy định này thì kinh doanh vận tải biển là việc sử dụng tàu biển để kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý.
Kinh doanh vận tải biển bao gồm có kinh doanh vận tải biển quốc tế và kinh doanh vận tải biển nội địa, cụ thể:
– Kinh doanh vận tải biển quốc tế là việc sử dụng tàu biển để kinh doanh vận chuyển những mặt hàng hóa, hành khách, hành lý giữa cảng biển Việt Nam và cảng biển nước ngoài hoặc giữa các cảng biển nước ngoài;
– Kinh doanh vận tải biển nội địa là việc vận chuyển những mặt hàng hóa, hành khách, hành lý bằng tàu biển mà điểm nhận và điểm trả hàng hóa, hành khách, hành lý thuộc vùng biển của Việt Nam.
Kinh doanh vận tải biển có những đặc điểm sau đây:
– Vận tải biển giúp con người giải quyết được vấn đề đối với các hàng hóa cồng kềnh, có trọng tải lớn, quá khổ;
– Vận tải đường biển cũng không bị hạn chế về không gian, có thể sử dụng những công cụ hỗ trợ vận chuyển mà không có khó khăn gì;
– Vận tải đường biển có giá thành rẻ hơn so với vận tải bằng đường bộ và đường hàng không;
– Các tuyến đường vận tải đường biển không gặp nhiều trở ngại như vận chuyển bằng đường bộ, đảm bảo được thời gian vận chuyển;
– Góp phần mở rộng giao thương quốc tế thông qua đường biển.
2. Điều kiện kinh doanh vận tải biển:
Như đã nêu ở mục trên, kinh doanh vận tải biển bao gồm có kinh doanh vận tải biển quốc tế và kinh doanh vận tải biển nội địa.
Điều kiện chung để kinh doanh vận tải biển đó chính là doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải biển phải được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài điều kiện này, thì để kinh doanh vận tải biển, doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện sau:
– Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải quốc tế:
+ Điều kiện về tài chính: doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế phải có bảo lãnh theo quy định của pháp luật với mức tiền tối thiểu là 05 (năm) tỷ Đồng Việt Nam hoặc là mua bảo hiểm để bảo đảm nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên theo quy định.
+ Điều kiện về tàu thuyền: doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế phải có quyền sử dụng hợp pháp tối thiểu 01 tàu biển. Nếu như tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
+ Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế phải thiết lập hoặc thuê tổ chức bộ máy và nhân lực như sau:
++ Về tổ chức bộ máy, gồm: Bộ phận quản lý an toàn theo các quy định của Bộ luật quốc tế về quản lý an toàn (hay còn được gọi là ISM Code). Bộ phận quản lý an ninh hàng hải theo các quy định của Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và bến cảng (hay còn được gọi là ISPS Code).
++ Về nhân lực: Người mà được giao phụ trách lĩnh vực quản lý an toàn, an ninh hàng hải phải được qua đào tạo, huấn luyện và được cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
– Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển nội địa: phải có quyền sử dụng hợp pháp tối thiểu là 01 tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phù hợp với những Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
3. Những trường hợp vận tải biển nội địa không được thực hiện bằng tàu biển của Việt Nam:
Tại Điều 8 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định về quyền vận tải biển nội địa, theo quy định này thì hàng hóa, hành khách và hành lý vận chuyển nội địa bằng đường biển phải được chuyên chở bằng tàu biển Việt Nam. Những tổ chức, cá nhân tham gia vận chuyển nội địa bằng đường biển sẽ phải đáp ứng những điều kiện do Chính phủ quy định. Ngoài ra, Điều này cũng quy định việc vận chuyển nội địa không thuộc trường hợp vừa nêu thì được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
– Vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng hoặc những loại hàng hóa khác bằng tàu biển chuyên dùng; giải tỏa các mặt hàng hóa, hành khách và hành lý bị ách tắc tại cảng khi mà tàu biển Việt Nam thuộc quy định trên không có đủ khả năng vận chuyển;
– Vận chuyển những hành khách và hành lý từ tàu khách du lịch vào đất liền và ngược lại bằng phương tiện trung chuyển của tàu khách đó;
– Để phòng chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh hoặc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.
Theo đó, việc vận chuyển nội địa không được thực hiện bằng tàu biển Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
– Vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng hoặc những loại hàng hóa khác bằng tàu biển chuyên dùng; giải tỏa các mặt hàng hóa, hành khách và hành lý bị ách tắc tại cảng khi mà tàu biển Việt Nam thuộc quy định trên không có đủ khả năng vận chuyển;
– Vận chuyển hành khách và hành lý từ tàu khách du lịch vào đất liền và ngược lại bằng phương tiện trung chuyển của tàu khách đó;
– Để phòng chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh hoặc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.
4. Những hành vi bị nghiêm cấm khi kinh doanh vận tải biển:
Những hành vi bị nghiêm cấm khi kinh doanh vận tải biển bao gồm có:
– Kinh doanh vận tải biển mà gây phương hại hoặc đe dọa gây phương hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia;
– Vận chuyển người, hàng hóa, hành lý, vũ khí, chất phóng xạ, chất phế thải độc hại, chất ma túy trái với quy định của pháp luật. Đây chính là những mặt hàng hóa mà doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển không được phép vận chuyển. Còn lại, những mặt hàng hóa khác mà pháp luật không cấm thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển hoàn toàn được quyền vận chuyển theo đúng quy định của pháp luật;
– Cố ý tạo chướng ngại vật gây nguy hiểm hoặc làm cản trở giao thông hàng hải;
– Sử dụng, khai thác tàu biển không đăng ký, đăng kiểm hoặc quá hạn đăng ký, đăng kiểm; giả mạo đăng ký, đăng kiểm;
– Từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép;
– Gây ô nhiễm môi trường;
– Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm người trên tàu biển; chiếm đoạt, cố ý làm hư hỏng hoặc là hủy hoại tài sản trên tàu biển; bỏ trốn sau khi gây tai nạn;
– Gây mất trật tự công cộng, cản trở hoặc chống lại việc thực hiện các nhiệm vụ của người thi hành công vụ trên tàu biển và tại cảng biển;
– Phá hủy, làm hư hỏng, tháo gỡ, trộm cắp cấu kiện, phụ kiện, vật tư, vật liệu xây dựng và các thiết bị của công trình hàng hải;
– Làm hư hỏng, phá hủy, tự ý di chuyển hoặc làm giảm hiệu lực của báo hiệu hàng hải;
– Nổ mìn hoặc các vật liệu nổ khác trong phạm vi cảng biển, vùng nước cảng biển, luồng hàng hải khi mà chưa được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Xây dựng và khai thác trái phép các công trình cảng biển, công trình khác trong phạm vi quy hoạch tổng thể phát triển của hệ thống cảng biển, quy hoạch chi tiết của nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước, quy hoạch chi tiết về phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển, quy hoạch phát triển của hệ thống cảng cạn và các quy hoạch khác có liên quan theo các quy định của pháp luật về quy hoạch, trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ các công trình hàng hải;
– Xây dựng công trình làm giảm hoặc mất tác dụng của công trình hàng hải;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về quản lý hàng hải; dung túng, bao che cho những người có hành vi vi phạm pháp luật về hàng hải.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015;
– Nghị định 160/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển;
– Nghị định 147/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 160/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải.