Gas hiện nay được xem là mặt hàng thiết yếu hằng ngày, hoạt động kinh doanh gas hiện đang là “cơn sốt” bởi nhu cầu sử dụng và lợi nhuận siêu “khủng” của nó. Vậy hành vi kinh doanh, tàng trữ gas trái phép bị xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Kinh doanh, tàng trữ gas trái phép bị xử phạt như thế nào?
Kinh doanh gas là một loại hình kinh doanh có điều kiện. Bởi vì gas là một nguyên liệu không thể thiếu trong nhu cầu và đời sống hằng ngày của con người. Chính vì nhu cầu sử dụng khí gas ngày càng lớn vì vậy cho nên nhiều cá nhân và tổ chức đã mong muốn kinh doanh khí gas tuy nhiên đã không nắm được đầy đủ điều kiện và thủ tục để thực hiện hoạt động xin cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh chất khí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhiều trường hợp vì lợi nhuận và bất chấp pháp luật đã tiến hành nhiều hoạt động kinh doanh và tàng trữ gas trái quy định của pháp luật. Đây được xem là hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Pháp luật có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh và tàng trữ gas. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 32 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trong quá trình quản lý bảo quản và sử dụng chất, quản lý và bảo quản hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ. Hành vi kinh doanh và tàng trữ gas sẽ bị xử phạt với mức như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với những đối tượng có hành vi không có sổ sách, và không có hồ sơ theo dõi quản lý đối với chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ;
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm quy định về bảo quản và bố trí hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ, sắp xếp các loại hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ không đúng nơi quy định, vượt quá số lượng và khối lượng theo quy định của pháp luật, có hành vi sắp xếp không đảm bảo khoảng cách và không theo từng loại khác nhau phù hợp với quy định của pháp luật;
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các chủ thể có hành vi sử dụng thiết bị và phương tiện chứa các loại hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ mà không có giấy chứng nhận về kết quả kiểm định được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với những đối tượng có hành vi tàng trữ, kinh doanh trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ;
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các chủ thể có hành vi mang chất hoặc hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ trái phép vào nơi tập trung đông người và nơi đông dân cư có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người;
– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với các chủ thể có hành vi sử dụng trái phép chất và các loại hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ;
– Hình thức xử phạt bổ sung có thể được áp dụng trong trường hợp này đó là tịch thu tang vật và tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm hành chính, nếu như các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm nêu trên là người nước ngoài thì sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là trục xuất;
– Biện pháp khắc phục hậu quả có thể được áp dụng trong trường hợp này đó là buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật mà có.
Như vậy có thể nói, người nào có hành vi kinh doanh hoặc tàng trữ gas trái quy định của pháp luật thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng theo như phân tích nêu trên, ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình thức khắc phục hậu quả đó là buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật mà có.
2. Kinh doanh, tàng trữ gas trái phép có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Các đối tượng có hành vi kinh doanh hoặc tàng trữ gas hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo hoặc tàng trữ, vận chuyển hoặc sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ căn cứ theo quy định tại Điều 305 của Bộ luật hình sự năm 2015. Đối tượng tác động của loại tội phạm này đó là vật liệu nổ. Khí gas cũng được xác định là một trong những loại hỗn hợp có khả năng tạo ra tác động kích thích và làm nổ trên thực tế. Hành vi tàng trữ gas có thể hiểu là hành vi cất giữ hoặc cất giấu ở bất kỳ vị trí nào đó, còn hành vi kinh doanh được xác định là hành vi mua hoặc bán gas trái quy định của pháp luật. Lỗi của người phạm tội trong trường hợp này được xác định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết tính chất của đối tượng là nguy hiểm và người phạm tội cũng biết mình không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép kinh doanh và tàng trữ gas, có khả năng thấy trước được hậu quả nhưng có thái độ để mặc cho hậu quả đó xảy ra. Mức phạt cao nhất đối với loại tội phạm này có thể lên đến 20 năm tù giam hoặc thậm chí là tù chung thân. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 05 năm.
3. Muốn kinh doanh khí gas hợp pháp cần đáp ứng những điều kiện gì?
Theo Nghị định số 17/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, kinh doanh khí gas là một trong những lĩnh vực và ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Vì vậy để có thể kinh doanh và mua bán khí gas các thương nhân cần phải đáp ứng được những điều kiện cơ bản sau đây:
– Là thương nhân được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật;
– Phải có bồn chứa khí và hợp đồng thuê bốn chứa khí với các chủ thể khác trong xã hội;
– Phải đáp ứng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;
– Phải đảm bảo thành phần hồ sơ hợp lệ trong quá trình thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sau khi nhận thấy đáp ứng được đầy đủ các điều kiện nêu trên thì các chủ thể có nhu cầu kinh doanh sẽ nộp hồ sơ đề nghị xin cấp giấy phép tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này được xác định là Sở công thương theo quy định của pháp luật. Và trong khoảng thời hạn 15 ngày được tính kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm xem xét và cấp giấy chứng nhận đầy đủ điều kiện kinh doanh cho thương nhân nộp hồ sơ. Và trong trường hợp từ chối thì cần phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do chính đáng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;
– Nghị định số 17/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.