Cách thức kiện đòi tài sản khi bên phải bồi thường không thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho bên được bồi thường.
Tóm tắt câu hỏi:
Ngày 9/3/2015 do người quen giới thiệu, em trai em có mua 01 chiếc xe máy ở 1 hiệu cầm đồ với giá 25 triệu đồng, giấy tờ mua bán gồm có: 01 giấy đăng ký xe bản gốc, viết mua bán viết tay (người bán không phải bên cầm đồ mà là người mang tài sản đến hiệu cầm đồ để bán). Sau này khi sự cố xảy ra em biết em trai em đã sơ suất trong quá trình mua bán, nhưng bên em có người làm chứng là mua xe ở hiệu cầm đồ đó, và hiệu cầm đồ đó cũng xác nhận là có bán xe cho em trai em. Đến ngày 28/5/2015 tình cơ thì chiếc xe bị phát hiện là tài sản có liên quan đến 1 vụ trộm cắp, bên công an đã gọi các bên liên quan đến để làm việc, công an có điều tra ra là người mang xe đến hiệu cầm đồ bán đã chết vào thời điểm tháng 4/2015, đồng thời bên cầm đồ cũng đã đồng ý bồi thường toàn bộ số tiền nói trên cho em trai em, thời điểm lập biên bản tại công an phường là ngày 7/6/2015, theo như biên bản ghi thì ngày 9/6/2015 bên cầm đồ phải có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ số tiền cho em trai em, nhưng bên cầm đồ đến ngày hẹn đã không trả và có dấu hiệu cò quay, em có thương lượng và tạo điều kiện để bên cầm đồ có thời gian thu xếp về mặt tài chính nên đã lùi lịch bồi hoàn đến ngày 30/6/2015, nay đã đến thời điểm 30/6/2015 nhưng bên cầm đồ vẫn chưa có ý định trả tiền, vậy em muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp em cách giải quyết, và cho em hỏi thêm nếu đưa ra kiện dân sự thì sự việc sẽ được giải quyết theo trình tự như nào, và khả năng lấy lại được tiền là bao nhiêu ạ, thời gian kéo dài vụ kiện là bao lâu ạ, và án phí khi bắt đầu khời kiện thì sẽ như thế nào ạ, em cảm ơn Luật sư nhiều!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định về thời hiệu khởi kiện như sau:
“Điều 159. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu
1. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Thời hiệu yêu cầu là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được quy định như sau:
a) Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm;
b) Thời hiệu yêu cầu để Toà án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.”
Trong trường hợp của bạn, bên tiệm cầm đồ đã không thực hiện nghĩa vụ trả tiền bồi thường cho bạn theo biên bản mà công an đã lập – trong biên bản ghi rõ nội dung hai bên thoả thuận về việc trả tiền. Thời điểm mà bên tiệm cầm đồ vi phạm đó là 30/6/2015, nay nếu bạn khởi kiện thì vẫn đang trong thời hiệu được khởi kiện, do đó, bạn hoàn toàn có thể làm đơn khởi kiện đòi tài sản, ở đây là số tiền mà hai bên đã thoả thuận ở trong biên bản.
Nội dung đơn khởi kiện, bạn phải nêu rõ hành vi của bên tiệm cầm đồ cũng như thái độ từ chối, không có ý muốn hợp tác để trả tiền cho bạn. Sau đó bạn nộp đơn khởi kiện lên
Khi bạn nộp đủ những bằng chứng liên quan, toà án sẽ tiến hành thụ lý vụ án này và tiến hành gặp người bị kiện, cùng những người có liên quan đến vụ việc, xác minh chứng cứ có xác đáng hay không. Đây là thời gian chuẩn bị xét xử. Nếu những nội dung trong đơn khởi kiện của chị sau khi xác minh được là hoàn toàn đúng sự thật thì Toà án sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án dân sự này.
>>> Luật sư
Khoản 1 Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự quy định Thời hạn chuẩn bị xét xử như sau:
“1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:
a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này, thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật này, thời hạn là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.”
Như vậy, đối với vụ án của bạn, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm sẽ là bốn tháng kể từ ngày toà án thụ lý vụ án. Ngoài ra, nếu vụ án của bạn có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng.
Về án phí, bạn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí khi tiến hành khởi kiện.
Điều 130 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí:
“1. Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
2. Người nộp đơn yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự phải nộp tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự đó, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí”.
Về mức đóng tiền tạm ứng án phí được quy định tại Khoản 4 Điều 25 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 về án phí, lệ phí tòa án như sau:
“Người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí trong vụ án dân sự không có giá ngạch phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng mức án phí dân sự sơ thẩm; trong vụ án dân sự có giá ngạch phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp mà đương sự yêu cầu giải quyết”.
Vụ án của bạn là kiện đòi tài sản, thuộc loại tranh chấp dân sự có giá ngạch, giá trị cụ thể là 25 triệu đồng nên theo quy định tại Pháp lệnh 10/2009/UBTVQH12 mức án phí sơ thẩm sẽ là 5% giá trị tài sản có tranh chấp. Như vậy án phí sơ thẩm trong vụ án của bạn sẽ là 1.250.000 đồng.
Do đó, khi bạn nộp đơn khởi kiện, bạn phải nộp tiền tạm ứng án phí là: 625.000 đồng.
Về Nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm, được quy định tại Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12:
1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.
3. Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.
4. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.
5. Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận.
6. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận. Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận.
7. Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản, phần di sản mà họ được hưởng, được chia trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản mà mình được hưởng trong khối di sản thừa kế và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó.
8. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
9. Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Pháp lệnh này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.
10. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ theo quyết định của Tòa án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.
11. Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí quy định.
12. Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó.
13. Trong vụ án có người không phải nộp hoặc được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều này.
Như vậy, khi nộp đơn khởi kiện thì bạn sẽ phải có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, sau khi giải quyết xong tranh chấp, căn cứ vào quyết định của Tòa án để xác định nghĩa vụ nộp tiền án phí của đương sự theo quy định nêu trên.