Để tăng cường hiệu quả và đạt được mục tiêu đơn giản hóa, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của thủ tục hành chính thì phải làm tốt hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính. Vậy như thế nào là kiểm soát thủ tục hành chính?
Mục lục bài viết
1. Kiểm soát thủ tục hành chính là gì?
Trước khi tìm hiểu thuật ngữ kiểm soát thủ tục hành chính là gì, ta phải biết được khái niệm “thủ tục hành chính” và “kiểm soát” là gì?
Kiểm soát là một quá trình để xác định thành quả đạt được trên thực tế và so sánh với những tiêu chuẩn nhằm phát hiện sự sai lệch và nguyên nhân sự sai lệch để từ đó đưa ra biện pháp điều chỉnh sự sai lệch để đảm bảo đạt được mục tiêu đã đề ra. Như vậy, có thể hiểu kiểm soát chính là hoạt động xem xét với mục đích là phát hiện, ngăn chặn những gì trái với quy định.
Thủ tục hành chính là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức
- Trình tự thực hiện ở đây được hiểu là thứ tự các bước tiến hành của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính trong giải quyết một công việc cụ thể cho cá nhân, tổ chức.
- Hồ sơ trong thủ tục hành chính được hiểu là những loại giấy tờ mà đối tượng thực hiện thủ tục hành chính cần phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính trước khi cơ quan thực hiện thủ tục hành chính giải quyết một công việc cụ thể cho cá nhân, tổ chức.
- Yêu cầu, điều kiện được hiểu là những đòi hỏi mà đối tượng thực hiện thủ tục hành chính phải đáp ứng hoặc phải làm khi thực hiện một thủ tục hành chính cụ thể.
Như vậy, ta có thể hiểu tổng quát của thuật ngữ kiểm soát thủ tục hành chính là việc xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính. Kiểm soát thủ tục hành chính là một chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tư pháp và tổ chức pháp chế cơ quan, địa phương.
Kiểm soát thủ tục hành chính là một quy trình chặt chẽ, toàn diện bắt đầu từ kiểm soát quy định về thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đến tổ chức thực hiện thủ tục hành chính này trên thực tế, trong đó bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Hướng dẫn thực hiện và thực hiện đánh giá tác động trong dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở các tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp và tính hiệu quả;
- Phối hợp tham gia ý kiến về quy định thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;
- Phối hợp thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở xem xét, đánh giá cụ thể về quy định thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
2. Tại sao phải kiểm soát thủ tục hành chính?
Nếu làm tốt trong công tác hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính thì sẽ đem lại rất nhiều lợi ích trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức nhưng đồng thời không để sơ hở trong công tác quản lý nhà nước. Thông qua việc kiểm soát thủ tục hành chính, mọi thủ tục hành chính sẽ được công khai hóa và thường xuyên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, tránh tình trạng tùy tiện, thiếu công khai, minh bạch trong việc ban hành và thực hiện thủ tục hành chính tại nhiều cơ quan hành chính, điển hình như các lợi ích sau:
- Tăng cường hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính.
Trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính không thể tránh khỏi trường hợp các hồ sơ cần giải quyết bị tồn đọng, quá hạn, chính vì thế nếu làm tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính thì sẽ giúp giảm tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết quá hạn hoặc sẽ giúp tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính hay sẽ tăng cường trách nhiệm của các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính trong việc giải quyết, giải thích thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức doanh nghiệp trong địa bàn tránh những trường hợp những cán bộ, công chức có thái độ phục vụ nhân dân không tốt, chuyên quyền, hách dịch, đòi hỏi
- Phát hiện kịp thời những sai sót hoặc những quy định không phù hợp trong các thủ tục hành chính để sớm sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ cho phù hợp với tình hình thực tế.
3. Quy định về kiểm soát thủ tục hành chính?
3.1. Nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính:
Kiểm soát thủ tục hành chính có những nhiệm vụ chính sau đây:
- Kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính.
+ Công bố thủ tục hành chính;
+ Công khai thủ tục hành chính;
+ Giải quyết thủ tục hành chính và đôn đốc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức;
+ Kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính.
- Rà soát, đánh giá, đơn giản hóa thủ tục hành chính để đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ quy định thủ tục hành chính.
- Tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính của cá nhân, tổ chức.
3.2. Nguyên tắc kiểm soát thủ tục hành chính:
– Kiểm soát thủ tục hành chính phải bảo đảm:
+ Thực hiện các mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, cải cách hành chính để đạt hiệu quả cao;
+ Điều phối, tích cực tham gia kiểm soát thủ tục hành chính của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Kịp thời phát hiện để:
+ Loại bỏ hoặc chỉnh sửa thủ tục hành chính không phù hợp;
+ Bổ sung thủ tục hành chính cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế;
+ Bảo đảm quy định thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức.
– Kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện ngay từ khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và được tiến hành thường xuyên, liên tục trong khi thực hiện thủ tục hành chính.
3.3. Cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính:
Cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính được tổ chức như sau:
- Cục kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Bộ Tư pháp;
- Phòng kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ; Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam;
- Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Cán bộ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính ở các đơn vị, địa phương từ trung ương đến địa phương.
Các cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính có các chức năng, nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
- Xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm và tổ chức thực hiện kế hoạch về kiểm soát thủ tục hành chính;
- Đánh giá tác động thủ tục hành chính trong dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật theo các tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp và tính hiệu quả;
- Tham gia ý kiến phản biện để nâng cao chất lượng các quy định, loại bỏ những thủ tục hành chính gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp;
- Công bố, công khai minh bạch thủ tục hành chính; cập nhật và kiểm soát chất lượng thủ tục hành chính và các văn bản liên quan;
- Kiểm soát tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại các cấp chính quyền;
- Kiểm tra định kỳ, đột xuất tổng hợp báo cáo người đứng đầu cơ quan hành chính để có biện pháp chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời;
- Tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính;
- Đề xuất các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đôn đốc việc thực hiện các sáng kiến, phương án này khi được thông qua;
- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo của cơ quan, người có thẩm quyền về kiểm soát thủ tục hành chính.
3.4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong thủ tục hành chính đối với cán bộ, công chức:
Trong kiểm soát thủ tục hành chính, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm những hành vi sau đây:
- Nghiêm cấm cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính thực hiện các hành vi sau đây:
+ Tiết lộ thông tin về hồ sơ tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân của đối tượng thực hiện thủ tục hành chính mà mình biết được khi thực hiện thủ tục hành chính, trừ trường hợp được đối tượng thực hiện thủ tục hành chính đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sử dụng thông tin đó để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
+ Từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện hoặc tự ý yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định mà không nêu rõ lý do bằng văn bản;
+ Hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, gây khó khăn cho đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; lợi dụng các quy định, các vướng mắc về thủ tục hành chính để trục lợi;
+ Đùn đẩy trách nhiệm, thiếu hợp tác, chậm trễ, gây cản trở trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Nghiêm cấm đối tượng thực hiện thủ tục hành chính cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền;
- Nghiêm cấm đưa hối lộ hoặc dùng các thủ đoạn khác để lừa dối cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong thực hiện thủ tục hành chính
- Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính có ý nghĩa quan trọng là nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp và hiệu quả, bảo đảm quy định thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, giảm thiểu thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, bình đẳng, minh bạch cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.