Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra là hoạt động của VKSND kiểm sát việc thực hiện pháp luật của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hình sự phát sinh trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, đảm bảo đúng luật trong quá trình điều tra vụ án.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự:
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự còn được gọi là hoạt động kiểm sát điều tra của VKSND hay thực tiễn kiểm sát gọi tắt là kiểm sát điều tra (KSĐT). Đây là một trong những bộ phận cấu thành, là nhiệm vụ cụ thể thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. KSĐT với tính chất là một nhiệm vụ thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKS thì nó có bản chất pháp lý là kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật nhằm bảo đảm tính hợp pháp các hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện bởi Cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong quá trình giải quyết vụ án hình sự (sau đây gọi chung là Cơ quan điều tra – CQĐT) bảo đảm việc điều tra đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm đồng thời cũng không làm oan người vô tội. Vì vậy, hoạt động điều tra của CQĐT phải chịu sự chế ước và kiểm sát chặt chẽ của cơ quan VKS. Điều này được thể hiện thông qua việc luật quy định các nhiệm vụ, quyền hạn cho VKS. Tuy nhiên, đối tượng của kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra hiện nay chưa thật sự được xác định rõ nếu so sánh, đánh giá giữa quy định của hiến pháp với luật tố tụng hình sự và Luật Tổ chức VKSND. Theo quy định tại Điều 17 Hiến pháp năm 2013 thì VKSND có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Kiểm sát hoạt động tư pháp với tính chất là một chức năng của VKSND với cách hiểu thứ nhất là kiểm sát hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, lao động... là kiểm sát hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan tư pháp trong quá trình giải quyết các tranh chấp, vi phạm pháp luật và tội phạm. Vậy nhưng, cách hiểu này không phù hợp với luật Tổ chức VKSND. Cụ thể, theo quy định tại Luật Tổ chức VKSND năm 2014 thì:
Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; trong việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật [Điều 4, Khoản 1].
Như vậy, kiểm sát hoạt động tư pháp đã được hiểu là kiểm sát hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp và không chỉ là hoạt động tư pháp của cơ quan tư pháp, không chỉ là hoạt động áp dụng pháp luật mà còn là các dạng hoạt động thực hiện pháp luật khác như tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật. Luật Tố tụng hình sự lại giới hạn kiểm sát hoạt động tư pháp thành kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự (chỉ là hoạt động tuân thủ pháp luật ở mức độ tự giác thấp) nhưng lại mở rộng chủ thể của hoạt động tuân theo pháp luật cho tất cả các chủ thể của tố tụng hình sự (cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng).
Chúng tôi cho rằng, nếu căn cứ vào quy định của hiến pháp, đối tượng và phạm vi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra vừa được mở rộng, vừa bị thu hẹp. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra đã mở rộng đối tượng kiểm sát, bao hàm kiểm sát hoạt động của các chủ thể tố tụng hình sự phát sinh trong giai đoạn điều tra, các chủ thể này có thể là nhà nước hoặc phi nhà nước, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc chỉ là người tham gia tố tụng, có thể là hoạt động áp dụng pháp luật với các quyết định, hành vi tố tụng hoặc chỉ là hoạt động tham gia tố tụng, tuân thủ pháp luật thuần tuý. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra bị thu hẹp nếu coi việc tuân theo pháp luật chỉ là một dạng thực hiện pháp luật ở mức độ thấp (so với dạng thực hiện pháp luật ở mức độ thấp cao – áp dụng pháp luật – hoạt động tư pháp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Như vậy, có thể đưa ra khái niệm Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc thực hiện pháp luật của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hình sự phát sinh trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, nhằm đảm bảo cho quá trình điều tra vụ án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
2. Đặc điểm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự:
Từ định nghĩa trên, có thể thấy kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra có một số đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự là một nội dung của kiểm sát việc tuân theo pháp luật, là một phương thức giám sát đặc biệt với vai trò của cơ quan nhà nước chuyên trách thực hiện việc giám sát là VKS, có quyền, nghĩa vụ, phương tiện và các điều kiện bảo đảm do Nhà nước trang bị để phát hiện các vi phạm trong giai đoạn điều tra. So với các phương thức khác để bảo đảm tính hợp pháp của giai đoạn điều tra, phương thức kiểm sát của VKS mang tính chuyên trách, thường xuyên, liên tục, là quyền và cũng là nghĩa vụ luật định. VKS là chủ thể chịu trách nhiệm chính trong việc phát hiện các vi phạm pháp luật trong tố tụng hình sự nói chung và trong giai đoạn điều tra nói riêng.
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự có nhiệm vụ bảo đảm tính hợp pháp của giai đoạn điều tra, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, bảo đảm cho các mục tiêu, nhiệm vụ của tố tụng hình sự thể hiện qua các quy định cụ thể của pháp luật tố tụng hình sự được tuân thủ trong thực tiễn. Bảo đảm tính hợp pháp của các quyết định, hành vi của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong giai đoạn điều tra góp phần xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, góp phần phát hiện, xử lý nhanh chóng, kịp thời, công minh các vụ việc phạm tội và người thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ hai, chủ thể thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự là VKSND, chỉ do VKSND chịu trách nhiệm và trực tiếp thực hiện. Đây là một hoạt động mang tính quyền lực nhà nước nhằm đảm bảo pháp luật được áp dụng nghiêm chỉnh và thống nhất trong suốt quá trình điều tra.
Thứ ba, đối tượng của hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự là hành vi và quyết định tố tụng của các chủ thể tiến hành hay tham gia vào quá trình điều tra. Trong giai đoạn điều tra, hoạt động của CQĐT cũng như hoạt động của các cơ quan được pháp luật giao tiến hành một số hoạt động điều tra là những hoạt động tố tụng chủ yếu nên đối tượng của kiểm sát điều tra là hành vi và quyết định của CQĐT và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Khi tiến hành, VKSND căn cứ vào pháp luật để theo dõi, xem xét, bảo đảm tính hợp pháp của đối tượng bị kiểm sát và của ngay chính các hoạt động của VKSND trong giai đoạn điều tra, trên cơ sở đó phát hiện vi phạm, yêu cầu xử lý vi phạm nhằm đảm bảo quá trình điều tra vụ án theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Thứ tư, phạm vi của hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra là thời điểm bắt đầu và kết thúc của giai đoạn điều tra. Như vậy, phạm vị hoạt động KSĐT được bắt đầu khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự và kết thúc khi đạt được mục đích, yêu cầu để truy tố hoặc không truy tố người phạm tội ra trước tòa án hoặc khi vụ án được đình chỉ theo qui định của pháp luật tố tụng hình sự.
Thứ năm, Trong giai đoạn điều tra, khi thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật, VKSND thực hiện hai nhóm quyền năng lớn sau đây: Một là, các quyền nhằm phát hiện vi phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền tiến hành hoạt động điều tra nhằm đảm bảo cho VKSND xác định được vi phạm, nguyên nhân và điều kiện dẫn đến vi phạm. Hai là, các quyền yêu cầu khắc phục, xử lý vi phạm của các chủ thể tiến hành hoạt động điều tra, trên cơ sở phát hiện vi phạm sẽ đưa ra các biện pháp để khắc phục vi phạm nhằm đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất.