Kiểm sát hoạt động tư pháp là việc Viện kiểm sát sử dụng tổng hợp các quyền năng pháp lý để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm cho hoạt động tư pháp được thực hiện đúng đắn.
Mục lục bài viết
1. Kiểm sát hoạt động tư pháp là gì:
Khoa học luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay chưa có một định nghĩa thống nhất nào về khái niệm “kiểm sát”, theo Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học thì “kiểm sát là kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của Nhà nước”. Theo đó, nội dung khái niệm “kiểm sát” là hoạt động kiểm tra, giám sát, với đối tượng kiểm tra, giám sát là việc chấp hành pháp luật.
Theo quy định của pháp luật hiện hành “Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bất kỳ ở đâu và khi nào có hoạt động tư pháp thì đó có trách nhiệm kiểm sát của VKSND, trách nhiệm này xuất hiện từ khi bắt đầu và luôn song hành với việc thực hiện hoạt động tư pháp. Đây là một phương thức kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp, mà VKSND là chủ thể kiểm soát nhằm đảm bảo cho hoạt động của các cơ quan tư pháp được thực hiện một cách đúng đắn, nghiêm chỉnh, hạn chế việc lạm quyền từ phía các cơ quan này. Như vậy, kiểm sát hoạt động tư pháp là một phương thức kiểm soát, giám sát hiệu quả, có vai trò quan trọng trong phòng ngừa vi phạm pháp luật, khả năng lạm quyền trong hoạt động tư pháp. Trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nếu VKSND phát hiện vi phạm thì có quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, cá nhân khắc phục vi phạm. Đây là sự khác biệt so với các phương thức kiểm tra, giám sát của cơ quan thanh tra (chủ yếu là kiến nghị về các biện pháp xử lý). Bên cạnh đó, so với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm đảm bảo pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh và thống nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Pháp luật tố tụng hình sự hiện hành nước ta quy định VKS là cơ quan thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều được xử lý kịp thời; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Như vậy, trước hết cần khẳng định “kiểm sát” là một loại quyền lực của Nhà nước, do VKS thực hiện với đối tượng kiểm tra, giám sát là việc chấp hành pháp luật của Nhà nước nói chung và của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong lĩnh vực tố tụng hình sự nói riêng.
Kiểm sát các hoạt động tư pháp còn được hiểu là kiểm tra, giám sát, theo dõi việc tuân theo pháp luật đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, giam giữ, cải tạo của các cơ quan tiến hành tố tụng và giải quyết các hành vi phạm pháp, kiện tụng trong nhân dân nhằm đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Theo khái niệm này thì đối tượng của kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực tố tụng hình sự là hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong lĩnh vực tố tụng hình sự.
Nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành thì hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự của VKS nhằm kịp thời phát hiện vi phạm của pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, áp dụng những biện pháp theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành để loại trừ việc vi phạm pháp luật của những cơ quan hoặc cá nhân này. Theo quy định này, đối tượng của hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự không chỉ là hoạt động của các cơ quan tiến hành tố, mà còn bao gồm hoạt động của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.
Khái niệm “Tuân theo pháp luật” là một thuật ngữ pháp lý thống nhất mang tính chỉnh thể để chỉ một trong bốn hình thức thực hiện pháp luật. Theo lý luận chung về pháp luật, bốn hình thức thực hiện pháp luật bao gồm: Tuân thủ pháp luật (tuân theo pháp luật) là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật kiềm chế, không tiến hành những hoạt động mà pháp luật cấm, các quy phạm pháp luật cấm được thực hiện ở hình thức này; Thi hành pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực; Sử dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền tự do pháp lý của mình (những hành vi mà pháp luật cho phép chủ thể tiến hành); Áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước hoặc nhà chức trách có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những quy định của pháp luật hoặc tự mình căn cứ vào các quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể.
Từ sự phân tích trên chúng ta có thể hiểu: Kiểm sát hoạt động tư pháp là một chức năng hiến định của VKSND, cũng là việc VKSND sử dụng tổng hợp các quyền năng pháp lý để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm cho hoạt động tư pháp được thực hiện đúng đắn
2. Kiểm sát điều tra là gì:
Theo Từ điển Luật học, kiểm sát điều tra là “công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”.
Theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực hình sự, VKS thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp bằng các công tác khác nhau gắn với các giai đoạn tố tụng khác nhau: thực hành quyền công tố và kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của cơ quan điều tra ; thực hành quyền công tố và kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành các bản án hình sự và các quyết định của Tòa án nhân dân. Ứng với mỗi công tác này, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định một chương riêng biệt. Trong đó, quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong điều tra các vụ án hình sự của cơ quan điều tra với tiêu đề “Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự”.
Sau khi vụ án được khởi tố, giữa các chủ thể tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng phát sinh những quan hệ tố tụng, các quan hệ này tồn tại trong suốt cả quá trình giải quyết vụ án hình sự. Trong hoạt động điều tra thì đó là mối quan hệ giữa cơ quan điều tra và VKS, là các hoạt động của cơ quan điều tra được thực hiện bởi Điều tra viên, là các hành vi của Điều tra viên , là các quyết định của cơ quan điều tra , là hành vi của những người tham gia tố tụng... Đồng thời với sự xuất hiện của các hoạt động tố tụng cũng xuất hiện đòi hỏi có sự giám sát việc tuân theo pháp luật nhằm đảm bảo cho pháp luật được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh.
Nội dung của kiểm sát điều tra chính là các nhiệm vụ và quyền hạn mà pháp luật tố tụng hình sự quy định khi kiểm sát điều tra . Theo Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự , nội dung của kiểm sát điều tra là: Kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra ; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp luật; yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục các vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan điều tra xử lý nghiêm minh Điều tra viên có vi phạm khi tiến hành điều tra...
Từ sự phân tích nêu trên có thể đưa ra khái niệm: Kiểm sát điều tra là hoạt động thực hiện quyền lực Nhà nước của VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hình sự phát sinh trong giai đoạn điều tra, nhằm đảm bảo cho quá trình điều tra vụ án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm việc điều tra phải khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, những vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra phải được phát hiện, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm minh.