Pháp luật hình sự hiện nay quy định nhiều loại tội phạm khác nhau, mỗi loại có một khung hình phạt riêng. Vậy khung hình phạt là gì? Quy định hiện nay của phạt luật hình sự về cách xác định tội danh và khung hình phạt như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Hình phạt là gì?
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự và do toà án áp dụng đối với người phạm tội (Điều 26 Bộ luật hình sự).
Từ khái niệm trên cho thấy, hình phạt có những đặc điểm sau:
– Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất, bởi vì hình phạt tước bỏ người bị kết án những quyền và lợi ích thiết thân của họ. Đó là quyền chính trị, quyền kinh tế, quyền tự do về thân thể, thậm chí cả quyền sống của người phạm tội.
– Mặt khác, hình phạt bao giờ cũng để lại cho người bị kết án một hậu quả pháp lý – đó là án tích trong một thời gian nhất định.
– Hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự ở phần chung và các phần các tội phạm cụ thể.
– Hình phạt chỉ do Toà án nhân danh Nhà nước áp dụng trên cơ sở của bản án.
Tuy nhiên, đối với bị cáo bị kết án tử hình thì trong vòng 7 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật có quyền gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước, nếu được chấp thuận (tức là Chủ tịch nước ra quyết định ân giảm thì người bị kết án tử hình được chuyển xuống tù chung thân), thì quyết định ân giảm của Chủ tịch nước như một bản án thậm chí có giá trị pháp lý cao nhất. Như vậy, trường hợp này có thể hiểu ngoài Toà án thì Chủ tịch nước có quyền ra bản án đối với người phạm tội.
Hình phạt chỉ áp dụng đối với người có hành vi phạm tội.
Nếu so sánh TNHS và hình phạt thì giữa chúng đều là trách nhiệm pháp lý- là một trong các biện pháp cưỡng chế hình sự áp dụng đối với người phạm tội. TNHS có thể được áp dụng từ giai đoạn khởi tố, truy tố bởi các cơ quan có thẩm quyền là cơ quan điều tra, cơ quan Viện kiểm sát, cơ quan Toà án, nội dung rộng hơn bao gồm cả các hình phạt, các biện pháp tư pháp, án treo… Hình phạt chỉ do Toà án áp dụng ở giai đoạn xét xử.
2. Khung hình phạt là gì?
Khung hình phạt là giới hạn phạm vi các loại cũng như mức hình phạt được luật quy định cho phép
Đối với mỗi tội phạm luật có thể chỉ quy định một khung hình phạt nhưng thông thường quy định nhiều khung hình phạt để áp dụng cho những loại trường hợp phạm tội khác nhau của tội đó.
Khung hình phạt cơ bản là khung hình phạt được quy định cho trường hợp phạm tội thông thường của một loại tội. Mỗi tội phạm đều phải có một khung hình phạt cơ bản. Thông thường khung hình phạt cơ bản được quy định tại khoản 1 của điều luật quy định về tội phạm cụ thể.
Khung hình phạt giảm nhẹ là khung hình phạt được quy định cho trường hợp vì có tình tiết nhất định mà tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm giảm xuống một cách khác hẳn so với trường hợp thông thường của một loại tội. Đối với một tội phạm có thể không có, có một hoặc có nhiều khung hình phạt giảm nhẹ
Hình phạt tăng nặng là khung hình phạt trường hợp vì có tình tiết nhất định mà tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm tăng lên một cách khác thông thường của một loại tội. Đỗi với mỗi tội phạm có thể không có, có một hoặc có nhiều khung hình phạt tăng nặng.
3. Cách xác định tội danh:
Để xác định đúng tội danh trong vụ án hình sự, trước tiên chúng ta phải nắm chắc các khái niệm như:
Tội danh: là một danh từ dùng để chỉ hành vi phạm pháp đã được quy định trong Bộ luật hình sự (Bộ luật hình sự).
Tội phạm: là danh từ dùng để chỉ hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự.
Như vậy, mọi hành vi nguy hiểm cho xã hội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự đều phải xác định đúng tên của hành vi phạm tội gọi là tội danh.
Để duy trì trật tự xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân nên Quốc hội đã thông qua Bộ luật hình sự để điều chỉnh và trừng trị mọi hành vi nguy hiểm cho xã hội đối với pháp nhân và cá nhân phạm tội.
Mỗi hành vi nguy hiểm cho xã hội khi hội tụ đủ các yếu tố về mặt khách thể của tội phạm; mặt khách quan của tội phạm; chủ thể của tội phạm; mặt chủ quan của tội phạm thì đủ yếu tố cấu thành một tội phạm. Nếu các hành vi nguy hiểm cho xã hội đó đan xen, nối tiếp nhau trong một vụ án hình sự thì có thể cấu thành một tội phạm hay các tội phạm độc lập tương ứng với hành vi nguy hiểm mà người phạm tội đã gây ra.
Hành vi nguy hiểm cho xã hội có thể thực hiện trực tiếp (tội phạm) và cũng có thể thực hiện gián tiếp gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội (đồng phạm).
Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của mỗi tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định một hình phạt tương ứng với mức độ nguy hiểm của tội phạm đó. Do đó, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà điều luật chia thành các khoản 1, 2, 3… để quy định về hình phạt cho phù hợp.
Như vậy, căn cứ vào đâu để định tội danh đối với hành vi phạm tội cho chính xác?
Thông thường, căn cứ vào 4 yếu tố, đó là: Khách thể của tội phạm; Mặt khách quan của tội phạm; chủ thể của tội phạm; Mặt chủ quan của tội phạm để xác định tội phạm. Thế nhưng, căn cứ về mặt khách quan của tội phạm để xác định tội danh thường hay có sự nhầm lẫn, vì có những hành vi na ná giống nhau, khó phân biệt nhưng căn cứ theo cấu thành cơ bản của tội phạm (khoản 1 điều luật) để xác định tội danh thì dễ hơn và chính xác hơn, vì mỗi cấu thành cơ bản của điều luật quy định có một đặc điểm riêng biệt (động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại).
Theo Bộ luật hình sự, một điều luật quy định một hành vi phạm tội, song cũng có một số trường hợp một điều luật lại quy định nhiều hành vi phạm tội nhưng đối với những tội phạm được quy định trong một điều luật lại có cấu thành cơ bản giống nhau.
Ví dụ: Điều 253 Bộ luật hình sự quy định 4 tội danh, đó là: Tội tàng trữ, tội vận chuyển, tội mua bán hoặc tội chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.
Tương tự, Điều 134 Bộ luật hình sự quy định 2 tội danh, đó là: Tội cố ý gây thương tích hoặc tội gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Theo đó, cấu thành cơ bản của tội danh (nhóm tội danh) được quy định tại khoản 1 của mỗi điều trong Bộ luật hình sự.
Để xác định đúng tội danh nhằm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì chúng ta nên căn cứ vào cấu thành cơ bản của điều luật để xác định tội danh, vì mỗi cấu thành cơ bản của tội phạm thể hiện một đặc điểm (yếu tố) riêng của tội phạm. Căn cứ vào đặc điểm riêng đó mà chúng ta xác định được tội danh của từng hành vi phạm tội. Chính nhờ đặc điểm riêng đó mà chúng ta tránh được sự nhầm lẫn giữa tội phạm này và tội phạm khác.
Ví dụ: Ngày 01/02/2018, A đi làm ngoài đồng về thì phát hiện 9 chỉ vàng 24K của A cất trong tủ đứng ở phòng buồng bị mất. Hành vi của kẻ gian chiếm đoạt tài sản của A là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xác định tội danh đó là tội trộm cắp tài sản, cướp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản… quy định tại các Điều 173, 168, 172 Bộ luật hình sự. Như vậy, để xác định tội danh của kẻ gian trong vụ chiếm đoạt 9 chỉ vàng 24 K của A là tội danh gì chúng ta nên căn cứ vào đặc điểm riêng của nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu để xác định tội danh. Chẳng hạn, xác định hành vi đó phạm tội trộm cắp tài sản, vì tội trộm cắp tài sản là có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản, mức thiệt hại có giá trị định lượng là 2.000.000 đồng trở lên (dưới 2 triệu đồng phải có điều kiện khác) nên nếu không có hành vi lén lút, không đủ định lượng thì không cấu thành tội trộm cắp tài sản mà có thể phạm tội khác. Trước tiên, cần xác định hành vi của kẻ gian phạm tội trộm cắp tài sản. Vậy tội trộm cắp tài sản có đặc điểm riêng như thế nào?
Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta phân tích từ “Trộm cắp” để tìm ra đặc điểm riêng, từ đó xác định tội danh cho chính xác. Trộm cắp là động từ, có ý nghĩa dùng để chỉ hành vi lấy tài sản của người khác một cách lén lút, nhân lúc đêm hôm hoặc lúc vắng người. Nói cách khác, trộm cắp là chiếm đoạt tài sản một cách lén lút. Do đó, căn cứ vào cấu thành cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…” để xác định hành vi của “người nào” (chủ thể phạm tội) có lén lút chiếm đoạt tài sản của “người khác” (A) hay công khai chiếm đoạt. Trước tiên, xác định A đi làm có ai trông coi nhà hay không?. Nếu không có ai trông coi nhà thì “người nào” (chủ thể phạm tội) sẽ có hành vi lén lút chiếm đoạt 9 chỉ vàng 24K của A, nên đã phạm tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật hình sự.
Sở dĩ, cấu thành cơ bản của Điều 173 Bộ luật hình sự không nêu rõ “người nào lén lút trộm cắp tài sản của người khác” mà chỉ quy định: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác” là vì nghĩa của từ “trộm cắp” đã chứa đựng hành vi lén lút rồi, nếu thêm từ “lén lút trộm cắp” thì sẽ dư từ, trùng nghĩa, chẳng khác gì nói: Chúc đôi bạn trăm năm bách niên giai lão” (trăm năm đồng nghĩa với bách niên). Do đó, tội trộm cắp tài sản là phải có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đủ định lượng thì mới cấu thành tội trộm cắp tài sản. Nếu “người nào” không có hành vi lén lút mà chiếm đoạt tài sản của “người khác” thì hành vi đó không cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật hình sự mà có thể phạm tội khác như tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 Bộ luật hình sự…..
Tương tự, cấu thành cơ bản của tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” thì đặc điểm riêng của tội này là “người nào” có hành vi tác động vào cơ thể của “người khác” với mục đích gây thương tích cho người đó như đánh, chém, đâm, tông, bắn… và phải có tỷ lệ tổn thương cơ thể đủ định lượng thì mới cấu thành tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự. Nhưng nếu “người nào” có hành vi tác động vào cơ thể người khác với mục đích tước đoạt sinh mạng của người đó như đánh, chém, đâm, tông, bắn… và có tỷ lệ tổn thương cơ thể hoặc không có tỷ lệ tổn thương cơ thể thì vẫn không cấu thành tội phạm theo Điều 134 Bộ luật hình sự mà cấu thành tội phạm giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự: “Người nào giết người… thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:…”, vì ý chí của chủ thể phạm tội có hành vi tác động vào người khác với mục đích nhằm tước đoạt mạng sống chứ không phải ý chí của chủ thể phạm tội tác động vào người khác nhằm gây thương tích. Trong trường hợp này tổn thương cơ thể hay không tổn thương cơ thể là ngoài ý chí chủ quan của chủ thể phạm tội.
Mặt khác, cũng có trường hợp tội phạm chuyển hóa từ tội danh này sang tội danh khác là do tội phạm đã thay đổi đặc điểm riêng đó. Chẳng hạn, A lén lút đột nhập vào nhà B lấy 10 triệu đồng bỏ vào túi, đang lúc đi trở ra thì bị B phát hiện và tung hô, sợ bị bắt giữ nên A dùng cây đánh B bị thương tích rồi nhanh chóng tẩu thoát. Như vậy, ban đầu hành vi của A có đặc điểm riêng là “lén lút chiếm đoạt 10 triệu đồng” nên hành vi của A phạm tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật hình sự nhưng sau đó hành vi của A đã có sự chuyển hóa từ đặc điểm riêng là “lén lút” sang đặc điểm riêng là “dùng vũ lực làm cho B lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản” và nhanh chóng tẩu thoát, nên hành vi của A đã chuyển hóa từ tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật hình sự thành tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật hình sự.
Cũng có trường hợp các hành vi nguy hiểm đan xen, liên tiếp nhau trong cùng một vụ án sẽ cấu thành tội phạm độc lập (riêng) nhưng có hành vi nguy hiểm cho xã hội đan xen, liên tiếp nhau nhưng không cấu thành tội độc lập.
Ví dụ: Ngày 01/02/2018, A dùng dao đứng ở Đèo C, khi B đi xe máy qua đèo thì A chặn lại, dùng dao khống chế lấy của B số tiền 1.000.000 đồng. Do B cố giữ tài sản không cho A chiếm đoạt nên A đã chém B bị thương tích, tỷ lệ tổn thương cơ thể 15%. Hành vi của A phạm tội cướp tài sản theo điểm c khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%”. Sở dĩ, A không phạm 2 tội độc lập là: tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật hình sự và tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự là vì trong Điều 168 Bộ luật hình sự đã có cấu thành định khung tăng nặng hình phạt là có tình tiết gây thương tích nên không thể tách hành vi A cố ý gây thương tích cho B, tỷ lệ tổn thương cơ thể 15% thành tội độc lập. Nếu trong Điều 168 Bộ luật hình sự không quy định tình tiết định khung tăng nặng là có thương tích từ 11% đến 30% thì hành vi của A cấu thành 2 tội độc lập theo Điều 168 và Điều 134 Bộ luật hình sự.
Ngược lại, nếu thương tích của B có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% (cộng thêm các tình tiết theo quy định) thì A phạm 2 tội độc lập theo Điều 134 Bộ luật hình sự và Điều 168 Bộ luật hình sự, vì thương tích có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% không phải là tình tiết định khung tăng nặng trong tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật hình sự.
Tương tự, Ngày 01/3/2018, B đi làm không có người trông coi nhà nên A cạy cửa sau, đột nhập vào nhà lấy trộm 3.000.000 đồng B cất giấu trong tủ đứng ở trong phòng buồng. Khi B về phát hiện A đang trong nhà đi ra nên B tung hô, la “trộm, trộm” thì A lấy cây đánh B bị thương tích, tỷ lệ tổn thương cơ thể 14%. Như vậy, hành vi của A đã phạm 2 tội độc lập theo khoản 2 Điều 134 và khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự. Sở dĩ, A phạm 2 tội độc lập là vì Điều 173 Bộ luật hình sự chỉ quy định hành vi trộm cắp tài sản còn tình tiết gây thương tích không cấu thành định khung tăng nặng trong Điều 173 Bộ luật hình sự.
Từ những yếu tố cấu thành tội phạm nêu trên, chúng ta rút ra kinh nghiệm xác định tội danh trong vụ án hình sự như sau:
– Xác định tội danh của tội phạm nên căn cứ vào đặc điểm riêng của hành vi nguy hiểm cho xã hội (hành vi phạm tội). Đặc điểm riêng đó được thể hiện trong cấu thành cơ bản của tội phạm được quy định tại khoản 1 của điều luật trong Bộ luật hình sự.
– Xác định các hành vi phạm tội đan xen, liên tiếp nhau trong một vụ án có cấu thành định khung tăng nặng hình phạt trong cùng một điều luật hay không, nếu các hành vi phạm tội đó đã cấu thành tội phạm và các hành vi đó đã có cấu thành định khung tăng nặng hình phạt trong cùng điều luật thì các hành vi đó chỉ cấu thành một tội phạm theo điều luật mà Bộ luật hình sự đã quy định đối với tội danh đó. Nếu các hành vi phạm tội đan xen, liên tiếp nhau trong một vụ án đã cấu thành tội phạm và các hành vi khác không có cấu thành định khung tăng nặng hình phạt trong cùng một điều luật thì các hành vi đó sẽ cấu thành các tội độc lập nhau tương ứng với điều luật mà Bộ luật hình sự đã quy định đối với tội danh đó.
4. Cách xác định khung hình phạt:
Sau khi đã xác định được hành vi phạm tội thì sử dụng các yếu tố như tính chất, hậu quả, chủ thể, công cụ, phương tiện, động cơ, mục đích v.v.. được quy định trong nội dung các tình tiết tại các khoản của điều luật áp dụng để đối chiếu với các yếu tố tương ứng của hành vi phạm tội đang xem xét, rồi xác định tình tiết áp dụng cụ thể (còn gọi là các tình tiết định khung hình phạt).
Khung hình phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội được quy định tại các khoản của điều luật áp dụng. Do đó, để xác định khung hình phạt áp dụng thì cần xác định hành vi phạm tội của cá nhân đó thuộc khoản nào của điều luật áp dụng, cụ thể như sau:
– Nếu tất cả các tình tiết áp dụng được xác định thuộc cùng một khoản thì lựa chọn khung hình phạt được quy định tại khoản đó là khung hình phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội.
– Nếu các tình tiết định xác định thuộc các khoản khác nhau của điều luật áp dụng, thì lựa chọn khoản có khung hình phạt cao nhất để áp dụng.
Tình tiết còn lại thuộc khung hình phạt nhẹ hơn được sử dụng làm tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp tình tiết đó cũng được quy định tại Điều 52 về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc Điều 51 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của
*Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Bộ luật Hình sự 2015.