Theo quy định của pháp luật trong việc di chuyển từ quốc gia này sang địa phận của quốc gia khác thì một điều cần lưu ý đó là phải có đầy đủ các giấy tờ pháp lý liên quan như hộ chiếu, thị thực,.... Khu vực quá cảnh là gì? Thủ tục quá cảnh cho người nước ngoài.
Mục lục bài viết
1. Khu vực quá cảnh là gì?
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2019 đã quy định trường hợp quá cảnh được áp dụng đối với quá cảnh đường hàng không và quá cảnh đường biển.
Căn cứ pháp lý: Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982
Theo nội dung được quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển thì có khái niệm về quá cảnh được hiểu là sự đi qua một nước hay nhiều nước để đi tới một nước thứ ba, ở nước đi qua không bị khám xét gì hết bởi lẽ sự tự do quá cảnh được thiết lập năm 1921 với Hiệp ước Băcxelơn (Baccelone).
Tại Điều 38 – Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 quy định: quá cảnh là việc thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không với mục đích duy nhất là đi qua liên tục và nhanh chóng qua eo biển giữa một bộ phận khác về kinh tế và một vùng đặc quyền về kinh tế và một bộ phận khác của biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế.
Trong đó, sự tự do quá cảnh được áp dụng đối với cả con người và hàng hóa.
Một điểm cần lưu ý đối với việc xin thị thực quá cảnh đó chính là trường hợp chỉ được xem là quá cảnh nếu như đảm bảo được mục đích đi qua liên tục và nhanh chóng. Về thời gian diễn ra quá cảnh còn tùy thuộc vào cách sắp xếp, thời gian di chuyển, hãng dịch vụ mà hành khách đăng ký, quy định pháp luật của quốc gia quá cảnh… mà thời gian quá cảnh trong mỗi trường hợp là khác nhau. Tuy nhiên, có thể coi là quá cảnh khi phương tiện vận chuyển đó dừng lại để tiếp nhiên liệu hoặc nhận thêm hàng hóa hay hành khách.
Về thời gian quá cảnh:
– Thời gian quá cảnh tối đa đối với hàng hóa là 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, trừ trường hợp lưu kho tại Việt Nam. Trong trường hợp lưu kho do hàng hóa hư hỏng, thiệt hại thì thời gian quá cảnh được gia hạn tương ứng với thời gian để khắc phục, sửa chữa các sự cố đó và phải được sự đồng ý của chủ thể có thẩm quyền.
– Thời gian quá cảnh của hành khách kèm theo với thời gian chuyến bay hạn cánh và cất cánh cũng như thời gian tàu biển dừng lại để cấp nguyên liệu, thời gian này phụ thuộc vào phương tiện đi lại.
Xét dưới góc độ pháp lý quy định về khu vực quá cảnh trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (văn bản hợp nhất năm 2019) giải thích quá cảnh như sau: “Khu vực quá cảnh là khu vực thuộc cửa khẩu quốc tế, nơi người nước ngoài được lưu lại để đi nước thứ ba. Khu vực quá cảnh do cơ quan có thẩm quyền quản lý cửa khẩu quốc tế quyết định.”.
Như vậy, từ nội dung trên có thể thấy quá cảnh là việc hàng hóa và khách hàng di chuyển từ nước này qua nước khác bằng hai hình thức khác nhau là đường biển và đường hàng không. Trong thời gian di chuyển với đường đi quá dài thì buộc tàu, máy bay phải dừng lại một nước nào đó để cấp nhiên liệu thì người và hàng hóa dừng xuống cũng sẽ được quá cảnh hoặc trong trường hợp phải đổi chuyến bay thì phải đăng ký thị thực quá cảnh trước.
2. Thủ tục quá cảnh cho người nước ngoài:
Quá cảnh được đưa vào pháp luật Việt Nam nhằm giải quyết những khó khăn nhất định trong vận tải hành khách. Tuy nhiên, để có thể bảo đảm tính ổn định, an ninh tốt thì cần đến sự quản lý một cách chặt chẽ nhất, pháp luật Việt Nam cũng đã có quy định về điều kiện để được quá cảnh vào Việt Nam cụ thể tại Điều 23 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nêu rõ:
Người nước ngoài được quá cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
2. Vé phương tiện phù hợp với hành trình đi nước thứ ba;
3. Thị thực của nước thứ ba, trừ trường hợp được miễn thị thực.
Trên cơ sở điều luật này, chúng ta có thể phân tích một số nội dung như sau:
Thứ nhất là Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế
Trong đó, hộ chiếu là giấy tờ bắt buộc được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân cho phép cá nhân đó có thể xuất cảnh ra nước ngoài và được quyền nhập cảnh trở lại sau khi chuyến du lịch, công tác hay việc học kết thúc. Hộ chiếu cũng là giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài.
Giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của một nước cấp cho người không quốc tịch đang cư trú tại nước đó và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.
hai loại giấy tờ này cũng là điều kiện cần thiết trong việc xin cấp thị thực khi di chuyển.
Thứ hai là Vé phương tiện phù hợp với hành trình đi nước thứ ba. Tức là ngoài điều kiện về giấy tờ đi lại như hộ chiếu thì hành khách nếu đi đường hàng không đến nước thứ ba thì người nước ngoài phải có vé máy bay, đi bằng đường biển thì phải có vé tàu biển. Bởi lẽ dựa vào vé máy bay để họ kiểm tra, thu phí và kiểm soát được lượng người đăng ký trên một chuyến đi.
Thứ ba là Thị thực của nước thứ ba, trừ trường hợp được miễn thị thực.
Thị thực được quy định là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Còn tị thực của nước thứ ba thì được hiểu là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước thư ba cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào nước đó. Thị thực được cấp vào hộ chiếu, cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử. Nếu thị thực cấp qua giao dịch điện tử là thị thực điện tử. Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần tùy vào điều kiện, mục đích sử dụng.
Thực tế, pháp luật mỗi quốc gia sẽ có các quy định về thị thực khác nhau, tuy nhiên không phải ai cũng biết và nắm rõ được nội dung đó. Trong trường hợp được miễn thị thực theo quy định của pháp luật Việt Nam như sau:
3. Các trường hợp được miễn thị thực:
Thứ nhất, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ hai, sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định của Luật này.
Ba là, vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Bốn là, vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Năm là, đơn phương miễn thị thức.
Sáu là, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.
Thực tế có thể thấy việc các trường hợp được miễn thị thực là các trường hợp đặc biệt, áp dụng trong mối tương quan giữa lợi ích của Việt Nam và người nước ngoài cũng như giữa Việt Nam với các nước mà Việt Nam cùng tham gia điều ước quốc tế với mục đích nhằm đẩy mạnh giao lưu, hỗ trợ và phát triển kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh – quốc phòng đối với cá trường hợp được miễn thị thực này.
4. Về trình tự thủ tục đối với hàng hóa quá cảnh:
– Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh phải được thực hiện tại trụ sở hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khẩu xuất cuối cùng.
– Hàng hóa quá cảnh không qua lãnh thổ đất liền được lưu kho trong khu vực cửa khẩu.
– Hàng hóa quá cảnh có lưu kho ngoài khu vực cửa khẩu hoặc đi qua lãnh thổ đất liền thì phải xin phép Bộ thương mại.
– Hàng hóa quá cảnh phải được vận chuyển theo tuyến đường vận chuyển hàng quá cảnh mà pháp luật Việt Nam quy định. Nếu có sự thay đổi, phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
5. Về trình tự thủ tục đối với hành khách quá cảnh:
Nộp hồ sơ xin thị thực: Nộp hồ sơ ít nhất bốn tuần trước ngày dự định đi. Điền đầy đủ thông tin vào mẫu đơn có sẵn kèm theo các giấy tờ cần thiết.
+ Tờ khai xin visa đề nghị cấp thị thực theo mẫu quy định đã được điền đầy đủ các thông tin.
+ Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lai quốc tế bản gốc, còn thời hạn trên 6 tháng.
+ Hình kích thước 4×6 cm, nền trắng.
+ Xác nhận đặt vé máy bay.
+ Một số giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam.
Đối với thủ tục quá cảnh thì phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố trước khi thực hiện quá cảnh đó là xác địh được vị trí nơi mình di chuyển và thời gian di chuyển để tiến hành mua vé máy bay, xin cấp thị thực và làm hồ sơ xin quá cảnh trước thời hạn bay. Xác định lại hành khách có đủ điều kiện để quá cảnh như việc đã được cấp đủ hộ chiếu, thị thực, vé máy bay, các giấy tờ có giá trị khác về việc đi lại. và căn cứ xin quá cảnh đối với hàng hóa hay hành khách để làm hồ sơ xin quá cảnh.