Khu kinh tế là gì? Điều kiện thành lập khu kinh tế. Hồ sơ và thủ tục thành lập khu kinh tế. Các chính sách ưu đãi phát triển của Nhà nước đối với khu kinh tế. Khu kinh tế tiến hành mở rộng được không?
Khu kinh tế là một trong những môi trường thành lập để đảm bảo phát triển kinh tế nhằm mục đích thu hút vốn và đầu tư các nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc đảm bảo phát triển kinh tế còn đảm bảo cho an ninh quốc phòng. Vậy khu kinh tế là gì? Điều kiện, hồ sơ thủ tục thành lập khu kinh tế như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Khu kinh tế là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 12 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, khu kinh tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định, bao gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư nhằm mục đích để phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo cho quốc phòng, an ninh ổn định.
Hiện nay, có các loại khu kinh tế sau:
– Khu kinh tế ven biển: là khu kinh tế được thành lập ở khu vực ven biển và các địa bàn lân cận khu vực ven biển.
– Khu kinh tế cửa khẩu: là khu kinh tế được thành lập ở khu vực biên giới đất liền và địa bàn lân cận ở khu vực biên giới đất liền.
– Khu kinh tế chuyên biệt: là khu kinh tế được thành lập ở vùng kinh tế trọng điểm, hành lang phát triển hay các khu vực có động lực phát triển, các khu vực có vai trò tương tự được xác định trong các quy hoạch vùng.
2. Điều kiện thành lập khu kinh tế?
Tại Điều 14 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về điều kiện thành lập khu kinh tế như sau:
– Việc thành lập khu kinh tế phải đảm bảo có hiệu quả về kinh tế – xã hội.
– Đáp ứng được các điều kiện để bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật về môi trường.
– Việc thành lập khu kinh tế phải phù hợp với các quy hoạch vùng, quy hoạch của tỉnh. Khu kinh tế phải nằm trong Danh mục về các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Phải đảm bảo có khả năng huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu kinh tế và đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh.
– Thành lập khu kinh tế phải đảm bảo quốc phòng, an ninh.
3. Hồ sơ và thủ tục thành lập khu kinh tế:
3.1. Hồ sơ thành lập khu kinh tế:
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, hồ sơ thành lập khu kinh tế bao gồm những giấy tờ sau:
– Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị thành lập khu kinh tế.
– Đề án thành lập khu kinh tế của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong đó thể hiện rõ những nội dung:
+ Căn cứ pháp lý và sự cần thiết của việc thành lập khu kinh tế.
+ Đánh giá các hiện trạng, các yếu tố và điều kiện về vị trí địa lý, tự nhiên, tài nguyên, điều kiện kinh tế – xã hội, các hạn chế và lợi thế của khu vực dự kiến thành lập khu kinh tế so với các khu vực khác trên địa bàn cả nước.
+ Đánh giá và giải trình khả năng có cơ sở đáp ứng được các điều kiện thành lập khu kinh tế hay không.
+ Dự kiến các phương hướng phát triển của khu kinh tế bao gồm: quy mô diện tích, tính chất, chức năng của khu kinh tế, mục tiêu phát triển; định hướng phát triển không gian, các khu chức năng trong khu kinh tế; kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển khu kinh tế; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực.
+Thể hiện phương án thành lập khu kinh tế trên bản đồ tỷ lệ 1:10.000 – 1:25.000.
+ Kiến nghị các giải pháp và tổ chức thực hiện.
3.2. Trình tự, thủ tục thành lập khu kinh tế:
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, quy trình thành lập khu kinh tế như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ:
Chủ thể thành lập khu kinh tế chuẩn bị hồ sơ và lập thành 10 bộ, có ít nhất 02 bộ hồ sơ gốc, 1 bộ hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ, 09 bộ hồ sơ nộp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
– Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan, thời hạn giải quyết trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ theo quy định.
– Nếu như hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ sung, sửa đổi hồ sơ. Thời gian bổ sung, sửa đổi hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định.
– Cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến thẩm định.
– Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm định các nội dung sau:
+ Căn cứ pháp lý và sự cần thiết của việc thành lập khu kinh tế.
+ Đánh giá phương hướng phát triển của khu kinh tế.
+ Đánh giá các giải pháp và tổ chức thực hiện.
+ Đánh giá việc đáp ứng các điều kiện thành lập khu kinh tế.
Thời gian tiến hành thẩm định là trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ một cách hợp lệ và đầy đủ rồi trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập khu kinh tế.
4. Các chính sách ưu đãi phát triển của Nhà nước đối với khu kinh tế:
– Đối tượng áp dụng được hưởng ưu đãi đầu tư là khu kinh tế nằm trong địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư.
– Mức ưu đãi:
Mức ưu đãi được áp dụng theo đúng mức của pháp luật về thuế, pháp luật về đất đai, pháp luật về tín dụng, pháp luật về kế toán và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chức năng trong khu kinh tế và dự án đầu tư trong khu kinh tế.
– Các khoản chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc mua, thuê mua, thuê nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu kinh tế, công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối với khu chức năng của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chức năng trong khu kinh tế, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu kinh tế là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Hưởng các chính sách về xây dựng nhà ở xã hội đối với các trường hợp thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu kinh tế.
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề có liên quan khác trong quá trình triển khai thực hiện dự án khi nhà đầu tư thực hiện có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
5. Khu kinh tế tiến hành mở rộng được không?
Hiện nay, việc mở rộng khu kinh tế được hiểu là làm tăng quy mô diện tích của khu kinh tế đã được thành lập ngay từ đầu. Do nhu cầu phát triển kinh doanh, mở rộng quy mô đầu tư nên các doanh nghiệp, tổ chức thành lập khu kinh tế mong muốn việc mở rộng quy mô khu kinh tế.
Để có thể mở rộng khu kinh tế thì phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Có ít nhất 70% diện tích đất của các khu chức năng trong khu kinh tế đã được giao hoặc cho các tổ chức, cá nhân thuê để thực hiện dự án đầu tư.
– Các hệ thống kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế được đầu tư hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch xây dựng khu kinh tế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Đáp ứng được các điều kiện của khu kinh tế được thành lập gồm:
+ Có khả năng huy động được các nguồn lực đầu tư xây dựng.
+ Phù hợp với các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, nằm trong danh sách các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
+ Thành lập mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội.
+ Bảo đảm quốc phòng, an ninh.
+ Bảo đảm về vấn đề môi trường theo đúng quy định.
Để thực hiện việc mở rộng khu kinh tế, doanh nghiệp cần chuẩn bị các hồ sơ sau:
– Đề án mở rộng khu kinh tế.
– Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị mở rộng khu kinh tế.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trên, tiến hành nộp 01 bộ trình Thủ tướng Chính phủ, 09 bộ hồ sơ nộp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.