Không thỏa thuận chấp hành án được thì có bị kê biên tài sản không? Kê biên tài sản thuộc sở hữu chung vợ chồng để trả nợ.
Không thỏa thuận chấp hành án được thì có bị kê biên tài sản không? Kê biên tài sản thuộc sở hữu chung vợ chồng để trả nợ.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin luật sư tư vấn, khi đưa ra thi hành án mặc dù tôi có thành ý trả nợ nhưng không phải trả 1 lần mà trả hàng tháng theo khả năng, nhưng không được chấp nhận thì chấp hành viên có tiến hành kê biên tài sản của tôi không, tài sản chung nhưng nợ là của riêng tôi chồng tôi không có trách nhiệm liên đới chồng tôi có quyền không cho kê biên tài sản chung đó không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, Điều 6 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định:
“1. Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận…”
Như vậy, bạn và người cho vay nợ có thể thỏa thuận với nhau về việc thi hành án miễn là thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Trong trường hợp không có thỏa thuận giữa các bên, biện pháp kê biên tài sản cũng có thể bị áp dụng do là một trong các biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại Điều 71 Luật thi hành án dân sự 2008.
“Điều 71. Biện pháp cưỡng chế thi hành án
1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.”
Tuy nhiên, Điều 13 Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điêu của Luật thi hành án dân sự 2008 quy định nguyên tắc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án như sau:
“1. Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; quyết định thi hành án; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; yêu cầu bằng văn bản của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp. Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án trong trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 130 Luật Thi hành án dân sự.
Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 24 Nghị định này. Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án.”
Việc kê biên tài sản chỉ đặt ra nếu như có quyết định hoặc bản án của tòa án về việc thi hành án, các bên không có thỏa thuận khác và Chấp hành viên lựa chọn hình thức kê biên tài sản để thi hành án. Do đó, bạn có thể căn cứ vào những quy định nêu trên vè thực tế vụ việc của bạn để xác định việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với bạn có đúng với quy định của pháp luật hay không?
Thứ hai, khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định về Kê biên tài sản chung để thi hành án như sau:
“2. Việc kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành với người khác được thực hiện như sau:
a) Cơ quan thi hành án dân sự chỉ kê biên, xử lý đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi các tài sản khác không đủ để thi hành án hoặc khi có đề nghị của đương sự theo quy định tại Khoản 4 Điều này;
b) Trường hợp người phải thi hành án có chung tài sản với người khác mà đã xác định được phần tài sản, quyền tài sản của từng người thì Chấp hành viên kê biên phần tài sản, quyền tài sản của người phải thi hành án để thi hành án theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự; trường hợp chưa xác định được phần quyền của người phải thi hành án thì thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản này;
c) Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.
Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết.
Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, trong trường hợp biện pháp kê biên tài sản được tiến hành thì sẽ được thực hiện đối với tài sản chung như sau:
+ Chỉ kê biên tài sản chung khi không có hoặc giá trị tài sản riêng không đủ để thực hiện nghĩa vụ.
+ Phần tài sản bị kê biên được xác định dựa trên quy định về tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”
Nếu đương sự không đồng ý với cách phân chia tài sản chung của chấp hành viên có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền phân chia tài sản chung.