Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe ưu tiên. Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, mọi người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên. Vậy, không nhường đường cho xe ưu tiên bị phạt bao nhiêu?
Mục lục bài viết
1. Các loại xe ưu tiên:
Căn cứ Điều 22 Văn bản hợp nhất 15/VBHN-VPQH ngày 05 tháng 07 năm 2019 hợp nhất
– Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:
+ Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
+ Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
+ Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
+ Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
+ Đoàn xe tang.
– Các xe khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
– Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Như vậy, theo quy định trên thì có 5 loại xe được ưu tiên đi trước các xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới và theo thứ tự sau: xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đường có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật và đoàn xe tang.
Trong đó, tại Điều 3 Nghị định 109/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2009 Quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên quy định về xe khi đi làm nhiệm vụ khẩn cấp như sau:
- Xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, gồm: các xe quân sự đi thực hiện nhiệm vụ chỉ huy chữa cháy, chỉ huy cứu hộ, cứu nạn, chỉ huy tác chiến, thông tin làm nhiệm vụ hỏa tốc, chỉ huy đoàn hành quân, xe làm nhiệm vụ kiểm soát quân sự, kiểm tra xe quân sự, bảo vệ đoàn; xe thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc thực hiện các hoạt động điều tra, dẫn giải tội phạm, tham gia phòng, chống khủng bố.
- Xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, gồm: các xe đi thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc tiến hành các hoạt động điều tra, dẫn giải người phạm tội, chống biểu tình, bạo loạn, giải tán đám đông gây rối trật tự công cộng, xe làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông, chỉ huy tác chiến chống khủng bố, thông tin làm nhiệm vụ hỏa tốc, chỉ huy đoàn hành quân.
- Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu.
- Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp là xe đi thi hành các biện pháp đặc biệt khi có tình trạng đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội hoặc khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.
2. Mức phạt không nhường đường cho xe ưu tiên:
Căn cứ theo Điều 5, 6
* Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau;
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ;
– Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe.
Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
– Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau;
– Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ;
– Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe.
Như vậy, người điều khiển phương tiện giao thông không nhường đường cho xe ưu tiên có thể bị phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tùy vào trường hợp cụ thể.
3. Thẩm quyền xử lý đối với trường hợp không nhường xe ưu tiên:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt trong phạm vi quản lý của địa phương.
– Cảnh sát giao thông.
– Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
– Trưởng Công an cấp xã.
– Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ.
– Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa.
– Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường sắt.
– Thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường.
4. Một số quy định pháp luật khác có liên quan đến xe ưu tiên:
Ngoài ra, để nhận biết xe được quyền ưu tiên ta căn cứ vào các quy định sau của Nghị định 109/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2009 Quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên cụ thể:
* Tín hiệu của xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ
Xe chữa cháy có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ hoặc xanh gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.
* Tín hiệu của xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp
– Xe ô tô có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu quân sự cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; có còi phát tín hiệu ưu tiên.
– Xe mô tô có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau; cờ hiệu quân sự cắm ở đầu xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.
* Tín hiệu của xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp
– Xe ô tô có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu Công an cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; có còi phát tín hiệu ưu tiên.
– Xe mô tô có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau, cờ hiệu Công an cắm ở đầu xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.
* Tín hiệu của xe Cảnh sát giao thông dẫn đường
– Xe ô tô có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh – đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu Công an cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; có còi phát tín hiệu ưu tiên.
– Xe mô tô có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau; cờ hiệu Công an cắm ở đầu xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.
* Tín hiệu của xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu
Xe cứu thương có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.
* Tín hiệu của xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật
– Xe làm nhiệm vụ cứu hộ đê có cờ hiệu “HỘ ĐÊ” cắm ở đầu xe phía bên trái người lái.
– Xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật thực hiện như sau:
+ Xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh có biển hiệu riêng.
+ Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật có cờ hiệu “TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP” cắm ở đầu xe phía bên trái người lái.
Căn cứ pháp lý
- Văn bản hợp nhất 15/VBHN-VPQH ngày 05 tháng 07 năm 2019 hợp nhất Luật Giao thông đường bộ năm 2008 do Văn phòng quốc hội ban hành;
- Nghị định 109/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2009 Quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên;
- Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.