Không giao kết hợp đồng lao động khi làm việc xảy ra tai nạn xử lý thế nào? Mức bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn lao động.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư, tôi đang băn khoăn muốn được luật sư tư vấn về việc Cậu tôi có làm trộn bê tông cho anh A trong quá trình làm việc có bị điện giật dẫn đến cháy mất một bên cánh tay và ngón chân của cả 2 bàn chân , hiện vẫn đang chữa trị tại bệnh viện bỏng hà nội,.Nhưng khi làm việc 2 bên ko có giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản. vậy xin luật sư tư vấn cho tôi biết được gia đình tôi có được hưởng bồi thường gì ko ạ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật An toàn vệ sinh lao động 2015
2. Hướng giải quyết:
Trước tiên là về việc giữa cậu bạn và anh A không ký kết hợp đồng lao động; theo Điều 16 “Bộ luật lao động 2019” quy định:
“Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”
Theo đó, có thể xác định công việc giữa cậu bạn và anh A được giao kết dưới hình thức hợp đồng lao động bằng lời nói trong trường hợp công việc có thời hạn dưới 03 tháng; trong trường hợp cậu của bạn đã thực hiện công việc trên 03 tháng mà hai bên chưa ký kết hợp đồng lao động thì anh A đã vi phạm nguyên tắc của Bộ luật này và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP:
“Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;…”
Từ các căn cứ trên có thể kết luận cậu bạn đủ điều kiện được bồi thường thiệt hại theo quy định của “Bộ luật lao động 2019”, ngoài ra cậu của bạn cũng thuộc đối tượng đủ điều kiện tham gia Bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 2
Tiếp theo là về vấn đề bồi thường thiệt hại cho cậu của bạn khi đang làm việc, trong trường hợp cậu của bạn không tham gia bảo hiểm xã hội; căn cứ vào Điều 144 “Bộ luật lao động 2019”; các khoản 2, 3 Điều 5 Nghị định 44/2013/NĐ-CP và khoản 4,5 Điều 145 “Bộ luật lao động 2019” quy định mức bồi thường khi xảy ra tai nạn lao động như sau:
“Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.
………
Điều 145. Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
….3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.”
Từ các quy định trên, có thể khẳng định rằng cậu của bạn dù không ký kết hợp đồng lao động dưới dạng văn bản với anh A nhưng vẫn đủ điều kiện được bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn lao đồng kể cả trong trường hợp tai nạn xảy ra có phần lỗi của cậu bạn. Ngoài ra, trong trường hợp tai nạn xảy ra do anh A không đảm bảo được an toàn lao động trong thời gian làm việc thì anh A sẽ còn bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Với trường hợp cậu bạn thuộc trường hợp phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu đã được anh A đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì khi xảy ra tai nạn lao động, cậu của bạn sẽ còn được hỗ trợ thêm nhiều khoản chi phí theo các quy định tại
Nếu cậu bạn bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần theo Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động:
“Điều 48. Trợ cấp một lần
1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.”
Nếu cậu bạn bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng căn cứ theo Điều 49 Luật An toàn vệ sinh lao động 2014:
“Điều 49. Trợ cấp hằng tháng
1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.”
Việc giám định khả năng suy giảm lao động của cậu bạn thuộc thẩm quyền của các cơ sở y tế đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cậu của bạn cũng sẽ được hỗ trợ về chi phí mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt hoặc dụng cụ chỉnh hình; được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật; hưởng chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc… theo quy định của Luật này.