Trong quan hệ lao động, hợp đồng lao động là văn bản ghi nhận sự thỏa thuận của các bên, và là nguồn của chứng cứ để giải quyết tranh chấp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy nếu không có hợp đồng lao động thì có thể khởi kiện hay không?
Mục lục bài viết
1. Không có hợp đồng lao động có thể khởi kiện không?
Trong quan hệ lao động, các bên thường ký kết hợp đồng lao động để đảm bảo quyền và lợi ích của mình. Tuy nhiên có nhiều trường hợp, người sử dụng lao động và người lao động không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Không có hợp đồng lao động thì có thể khởi kiện được hay không? Để trả lời được câu hỏi này thì cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật về hợp đồng lao động và quyền khởi kiện của người lao động. Pháp luật hiện nay cũng đã có quy định cụ thể về những trường hợp người lao động không có quyền khởi kiện. Căn cứ theo quy định tại Điều 2 của Nghị Quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 192 bộ luật tố tụng dân sự 92/2015/QH13 về trả lại đơn kiện, quyền nộp đơn kiện lại vụ án do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành, những trường hợp sau đây người lao động sẽ không có quyền khởi kiện, cụ thể như sau:
– Người lao động không thuộc một trong những chủ thể được quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
– Yêu cầu khởi kiện của người lao động không cần chứng minh và cũng không cần thu thập chứng cứ cũng đủ để làm căn cứ kết luận về việc không có quyền lợi hợp pháp của người lao động bị xâm phạm hoặc cần bảo vệ.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện nay cũng có quy định cụ thể về hình thức của hợp đồng lao động. Căn cứ theo quy định tại Điều 14 của
– Hợp đồng lao động phải được tiến hành giao kết bằng văn bản và sẽ được lập thành hai bản, người lao động sẽ giữ một bản và người sử dụng lao động giữ một bản, chưa trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với trường hợp hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương thức điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử thì hợp đồng đó sẽ có giá trị giống như hợp đồng lao động được ký kết bằng văn bản;
– Hai bên có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói đối với trường hợp hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể nói, nếu công việc mà người lao động làm chỉ là công việc có thời hạn dưới 03 tháng thì có thể tiến hành hoạt động giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói mà không bắt buộc phải lập thành văn bản. tuy nhiên hợp đồng bằng lời nói sẽ phát sinh nhiều rủi ro trên thực tế cho các bên ký kết. Rủi ro phát sinh ở đây là khi thực hiện xong công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng thì người sử dụng lao động đã không thanh toán đủ khoản tiền đó cho người lao động và bỏ trốn. Khi đó thì tranh chấp xoay quanh vấn đề hợp đồng lao động xảy ra. Để bảo vệ quyền lợi của mình thì người lao động sẽ phải tiến hành hoạt động khởi kiện người sử dụng lao động ra cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án nhân dân cấp huyện nơi người sử dụng lao động cư trú, và việc có hợp đồng lao động hay không có hợp đồng lao động không phải là điều kiện để xác định người lao động có quyền khởi kiện hay không. Việc có hợp đồng lao động chỉ là chứng cứ chứng minh có xảy ra quan hệ lao động giữa các bên chủ thể và hợp đồng lao động chính là bằng chứng có giá trị pháp lý mạnh mẽ trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc quyền lợi hợp pháp của mình bị vi phạm. Nếu như không có hợp đồng bằng văn bản thì các bên hoàn toàn có thể xuất trình các chứng cứ để chứng minh việc 02 bên đã có thỏa thuận về việc sử dụng lao động nhưng sau đó một bên đã vi phạm thỏa thuận ban đầu.
Vì vậy có thể nói, không có hợp đồng lao động vẫn có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.
2. Cần phải chuẩn bị những chứng cứ gì khi khởi kiện không có hợp đồng lao động?
Trên thực tế có thể thấy, nếu như các bên tranh chấp không có hợp đồng lao động thì rất khó để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành giải quyết theo quy định của pháp luật, vì những tranh chấp không có hợp đồng lao động chủ yếu dựa vào niềm tin của các bên, vì vậy khi xảy ra tranh chấp rất khó chứng minh nội dung giao dịch đã thỏa thuận trước đó của các bên như thế nào để có thể yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp phù hợp. Vì vậy khi tiến hành khởi kiện tranh chấp trong trường hợp không có hợp đồng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ có thể căn cứ vào những tình tiết xoay quanh quan hệ lao động đó, căn cứ vào những sự kiện mà các bên không phải chứng minh phù hợp với quy định tại Điều 92 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như những tình tiết và sự kiện, những tài liệu và văn bản mà các bên đường sự thừa nhận và không có sự phản đối, hay những tình tiết và sự kiện và mọi người đều biết và cũng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận để giải quyết tranh chấp. Cũng vì lý do đó mà người khởi kiện nên chuẩn bị một vài tài liệu và chứng cứ có giá trị chứng minh cho việc quyền lợi của mình bị vi phạm căn cứ theo quy định tại Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để tòa án có thể căn cứ vào cơ sở đó bảo vệ quyền lợi của mình, các tài liệu đó có thể là:
– Thư từ trao đổi giữa hai bên, biên bản thỏa thuận;
– Có thể bằng ghi âm, ghi hình về việc xác lập giao dịch;
– Lời khai của những người làm chứng;
– Các văn bản chứng minh thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng.
3. Trình tự và thủ tục khởi kiện tranh chấp lao động khi không có hợp đồng:
Trình tự và thủ tục khởi kiện tranh chấp lao động khi không có hợp đồng sẽ phải trải qua một số giai đoạn cơ bản sau:
Bước 1: Người khởi kiện sẽ chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ và tài liệu chứng minh về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm. Đơn khởi kiện trong trường hợp này cần phải đắp ứng yêu cầu của pháp luật về hình thức và nội dung căn cứ theo quy định tại Điều 189 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật thì sẽ nộp hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động khi không có hợp đồng thuộc về tòa án.
Bước 2: Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền sẽ tiếp nhận đơn và thụ lý theo quy định của pháp luật. Người khởi kiện có thể nộp đơn trực tiếp tại tòa án hoặc nộp thông qua dịch vụ bưu chính. Trong khoảng thời gian 03 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận đơn khởi kiện thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phân công thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc thì thẩm phán xem xét đơn khởi kiện sẽ phải ra một trong những quyết định sau: Yêu cầu sửa đổi bổ sung trong trường hợp đơn khởi kiện không đầy đủ, tiến hành thủ tục thụ lý theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn, chuyển đơn khởi kiện cho tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện, trả lại đơn khởi kiện nếu bộ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Bước 3: Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho người khởi kiện và người khởi kiện sẽ phải có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đối với bị đơn và người có quyền lợi liên quan thì trong khoảng thời gian 15 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được thông báo thì sẽ phải nộp cho tòa án văn bản ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu chứng cứ kèm theo. Trong trường hợp cần phải gia hạn thì bị đơn và người có quyền lợi liên quan phải có đơn đề nghị gia hạn gửi cho tòa án có thẩm quyền trong đó nêu rõ lý do chính đáng, và thời gian gia hạn sẽ không kéo dài quá 15 ngày.
Bước 4: Căn cứ theo quy định tại Điều 203 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét xử cho các vụ án dân sự về giao dịch và hợp đồng là 04 tháng kể từ ngày thụ lý. Đối với những vụ việc có tính chất phức tạp có thể gia hạn tuy nhiên sẽ không quá 02 tháng. Trong thời gian chuẩn bị xét xử thì tòa án sẽ tiến hành hoạt động hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án đó. Nếu như không đồng tình với bản án sơ thẩm thì những người có quyền lợi liên quan đến vụ án có thể thực hiện hoạt động kháng cáo để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Lao động năm 2019;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
– Nghị Quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 192 bộ luật tố tụng dân sự 92/2015/QH13 về trả lại đơn kiện, quyền nộp đơn kiện lại vụ án do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.