Không có chứng cứ có xác định được tội phạm? Quy định về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Không có chứng cứ có xác định được tội phạm? Quy định về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư. Luật sư cho e hỏi anh trai em bị công an bắt vì tội mua bán trái phép chất ma túy nhưng không có tang chứng, vật chứng , không bắt được quả tang ,cũng không ai nhìn thấy là anh trai em bán ma túy cả. Nhưng có một số người bị bắt khai rằng họ mua của anh trai em nên công an đến bắt anh trai em. Luật sư cho em hỏi như vậy anh trai em có bị phạm tội không ? Em chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Trước hết với những dữ liệu bạn đề cập ở trên chúng tôi chưa thể xác định được đối với trường hợp anh trai bạn có hành vi đáp ứng được những dấu hiệu trong cấu thành tội phạm quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự 1999 hay không. Chúng ta cần dựa vào những chứng cứ cụ thể bên cơ quan điều tra đã kiểm tra và xác nhận được.
Theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự 1999 đã quy định như sau về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy :
“1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
e) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội hoặc bán ma tuý cho trẻ em;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm trăm gam đến dưới một kilôgam;
h) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam;
i) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi lăm kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới hai trăm kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới năm mươi kilôgam;
m) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ hai mươi gam đến dưới một trăm gam;
n) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ một trăm mililít đến dưới hai trăm năm mươi mililít;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật căn cứ xác định tội phạm: 1900.6568
o) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản 2 Điều này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ một kilôgam đến dưới năm kilôgam;
b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ ba mươi gam đến dưới một trăm gam;
c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ hai mươi lăm kilôgam đến dưới bảy mươi lăm kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ hai trăm kilôgam đến dưới sáu trăm kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới một trăm năm mươi kilôgam;
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ một trăm gam đến dưới ba trăm gam;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ hai trăm năm mươi mililít đến dưới bảy trăm năm mươi mililít;
h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 3 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm kilôgam trở lên;
b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ một trăm gam trở lên;
c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ bảy mươi lăm kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ sáu trăm kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ một trăm năm mươi kilôgam trở lên;
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ ba trăm gam trở lên;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ bảy trăm năm mươi mililít trở lên;
h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 4 Điều này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Để đáp ứng các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm tại Điều 194 thì chủ thể cần có đầy đủ các yếu tố về các mặt chủ thể, khách thể, mặt chủ quan, khách quan. Đặc biệt là về chủ thể và mặt khách quan. Cụ thể:
+ Về mặt chủ thể : Đối với khoản 1. Điều 194 Bộ luật hình sự 1999, chủ thể là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Đối với khoản 2, 3, và 4. Điều 194 Bộ luật hình sự 1999 ,chủ thể là người từ đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
+ Mặt khách quan: Ta sẽ quan tâm đến hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Đây là hành vi bán trái phép chất ma túy cho người khác (không phụ thuộc vào nguồn gốc ma túy là do đâu mà có) bao gồm cả việc bán hộ chất ma túy cho người khác để hưởng tiền công hoặc các lợi ích khác. Hành vi mua bán này có thể trao đổi dưới bất kì hình thức nào như: Mua bán thông thường, xin để bán, cất giữ, vận chuyển để bán hoặc trao đổi, thanh toán tiền mua bán chất ma túy…
Việc bạn nói không có chứng cứ ở đây chỉ là một bên, khi có người khai báo về việc anh trai bạn có tham gia vào mua bán trái phép chất ma túy thì bên cơ quan diều tra sẽ tiến hành lấy lời khai của anh trai bạn. Cũng như sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để đưa ra được kết luận chính xác. Khi nhận thấy có dấu hiệu của tội phạm trong trường hợp của anh trai bạn thì cơ quan điều tra có quyền bắt bị can để khởi tố. Đồng thời với việc bắt đó chính là khởi tố anh trai bạn trước pháp luật. Việc khởi tố bị can được quy định cụ thể tại Điều 126, Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Cụ thể:
“1. Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
2. Quyết định khởi tố bị can ghi rõ: thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình của bị can; bị can bị khởi tố về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự; thời gian, địa điểm phạm tội và những tình tiết khác của tội phạm.
Nếu bị can bị khởi tố về nhiều tội khác nhau thì trong quyết định khởi tố bị can phải ghi rõ từng tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng.
3. Sau khi khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải chụp ảnh, lập danh chỉ bản của bị can và đưa vào hồ sơ vụ án.
4. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can đó cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn việc khởi tố. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết ịnh phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và gửi ngay cho Cơ quan điều tra.
5. Trong trường hợp phát hiện có người đã thực hiện hành vi phạm tội chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
Sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra mà Viện kiểm sát phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
6. Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định khởi tố bị can của mình hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát và giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị can quy định tại Điều 49 của Bộ luật này. Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn hoặc quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay cho người đã bị khởi tố. Việc giao nhận các quyết định nói trên phải lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này”.