Bảo hiểm tiền gửi chính là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả. Vậy không chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi bị xử phạt thế nào?
Mục lục bài viết
1. Không chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi bị xử phạt thế nào?
1.1. Quy định về chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi:
Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 có giải thích bảo hiểm tiền gửi chính là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho những người gửi tiền hoặc phá sản. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi chính là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện các chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống những tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của các hoạt động ngân hàng. Còn Người được bảo hiểm tiền gửi chính là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Điều 11, 13 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định về quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi và của tổ chức bảo hiểm tiền gửi như sau:
– Quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi, bao gồm:
+ Được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012.
+ Được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012.
+ Yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, chế độ về bảo hiểm tiền gửi.
+ Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo các quy định của pháp luật.
+ Có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về tiền gửi theo các yêu cầu của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi khi thực hiện thủ tục trả tiền bảo hiểm.
– Quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, bao gồm:
+ Xây dựng chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
+ Đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành mới hoặc là sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
+ Chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và những cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
+ Cấp và thu hồi về Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.
+ Yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cung cấp các thông tin về tiền gửi được bảo hiểm.
+ Tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012.
+ Quản lý, sử dụng và bảo toàn về nguồn vốn bảo hiểm tiền gửi.
+ Chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012.
+ Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành những quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi;
+ Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.
+ Tổng hợp, phân tích và xử lý các thông tin về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm để phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý kịp thời các vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.
+ Bảo đảm bí mật số liệu tiền gửi và tài liệu liên quan đến bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo đúng quy định của pháp luật.
+ Tiếp nhận hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước theo như quyết định của Thủ tướng Chính phủ
+ Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
+ Tổ chức việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi;
+ Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo hiểm tiền gửi, nghiên cứu về ứng dụng khoa học, công nghệ và phương thức quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Như vậy, qua các quy định trên thì quyền của người được bảo hiểm tiền gửi là được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi là chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi.
1.2. Xử phạt khi không chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi:
Như đã phân tích ở mục trên thì chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi là nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Nếu tổ chức bảo hiểm tiền gửi không chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khoản 5 Điều 38 Văn bản hợp nhất 14/VBHN-NHNN 2023 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định xử phạt vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi, Điều này quy định phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm sau đây:
– Không chi trả hoặc là chi trả không đầy đủ tiền bảo hiểm;
– Cản trở, gây khó khăn, làm thiệt hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, những người được bảo hiểm tiền gửi và cơ quan, tổ chức có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.
Theo đó, hành vi không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền bảo hiểm sẽ bị phạt từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng. Thêm nữa, khoản điểm b khoản 3 Điều 3 Văn bản hợp nhất 14/VBHN-NHNN 2023 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định mức phạt tiền quy định tại Chương II (bao gồm vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi) là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; còn đối với mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, nếu tổ chức bảo hiểm tiền gửi không thực hiện chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi thì sẽ bị xử phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, đồng thời tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể sẽ bị áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc bị miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm các chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại những tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm.
2. Những người có thẩm quyền xử phạt hành vi không chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi:
Căn cứ Văn bản hợp nhất 14/VBHN-NHNN 2023 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì những người sau đây có thẩm quyền xử phạt hành vi không chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi:
– Thanh tra viên ngân hàng đang thi hành công vụ;
– Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh;
– Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng;
– Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;
– Trưởng đoàn thanh tra do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng ra quyết định;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 14/VBHN-NHNN 2023 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng;
– Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012.