Khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong hoạt động thi hành án hình sự là gì? Khiếu nại trong hoạt động thi hành án hình sự? Giải quyết khiếu nại trong hoạt động thi hành án hình sự?
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong hoạt động thi hành án hình sự góp phần bảo đảm các bản án, quyết định của
Thi hành án là giai đoạn cuối cùng trong quá trình tố tụng và liên quan trực tiếp đến quyền, tài sản của đương sự. Do vậy việc khiếu nại là điều khó tránh khỏi trong quá trình thi hành án. Thậm chí, có nhiều trường hợp đương sự cố tình kéo dài thời gian thi hành án nên gửi đơn thư đến các cơ quan từ Trung ương đến địa phương hoặc vụ việc đã được giải quyết xong đúng quy định mà vẫn cố tình khiếu nại, chống đối…
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ tới bạn đọc về Khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong hoạt động thi hành án hình sự.
1. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong hoạt động thi hành án hình sự là gì?
Căn cứ pháp lý:
– Khiếu nại là hoạt động diễn ra khá thường xuyên và phổ biến, do đó cụm từ khiếu nại được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Theo nghĩa chung nhất, khiếu nại là việc cá nhân hay tổ chức yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sửa chữa một việc làm mà họ cho là không đúng, đã, đang hoặc sẽ gây thiệt hại đến quyền, lợi ích chính đáng của họ.
– Cụ thể, căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại có ghi: “Khiếu nại là việc mà cá nhân công dân, hay các cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do pháp luật quy định có đơn thư yêu cầu đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại về các quyết định kỷ luật cán bộ, công chức hoặc quyết định hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước khi có đầy đủ căn cứ để chứng minh các quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật và đang xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”
– Các quy định pháp luật hiện hành không đưa ra khái niệm chung nhất về khiếu nại trong hoạt động thi hành án hình sự mà tùy vào từng loại khiếu nại, luật và các văn bản hướng dẫn tương ứng sẽ đưa ra các khái niệm khác nhau về khiếu nại. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định của pháp luật về khiếu nại, có thể khái quát chung như sau: Khiếu nại trong hoạt động thi hành án hình sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức theo thủ tục do pháp luật quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Khiếu nại là công việc hay quyền lợi của các cá nhân công dân, hay cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức trong việc có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải giải thích xem xét lại các quyết định kỷ luật trước đó.
– Giải quyết khiếu nại là Xem xét, xác minh, kết luận và ra quyết định theo trình tự và thủ tục do luật định các khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, để nghị xem xét lại cơ quan quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi hành chính đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người (hoặc cơ quan, tổ chức) đưa đơn khiếu nại.
2. Khiếu nại trong hoạt động thi hành án hình sự
Căn cứ pháp lý: Luật Thi hành án hình sự 2019
2.1. Quyền khiếu nại trong thi hành án hình sự
Theo Điều 176 Luật Thi hành án hình sự 2019, quyền khiếu nại trong thi hành án hình sự được quy định như sau:
– Người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan (sau đây gọi là người khiếu nại) có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền thi hành án hình sự nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc khiếu nại của pháp nhân thương mại chấp hành án được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại.
– Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 30 ngày kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, hành vi thi hành án hình sự mà người khiếu nại cho rằng có vi phạm pháp luật. Thời hiệu khiếu nại lần hai là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
2.2. Những trường hợp khiếu nại về thi hành án hình sự không được thụ lý giải quyết
Theo Điều 177 Luật Thi hành án hình sự 2019, những trường hợp khiếu nại về thi hành án hình sự không được thụ lý giải quyết bao gồm các trường hợp sau:
– Quyết định, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
– Người khiếu nại là cá nhân không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Người đại diện không có giấy tờ chứng minh về việc đại diện hợp pháp của mình.
– Thời hiệu khiếu nại đã hết.
– Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành.
Như vậy, chủ thể có quyền khiếu nại trong hoạt động thi hành án hình sự là người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, phải chịu hình phạt theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại.
3. Giải quyết khiếu nại trong hoạt động thi hành án hình sự
Căn cứ pháp lý: Luật Thi hành án hình sự 2019
3.1. Thời hạn giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự
Điều 183 Luật thi hành án hình sự quy định:
– Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày kể từ ngày thụ lý khiếu nại.
– Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai là 30 ngày kể từ ngày thụ lý khiếu nại.
– Trường hợp cần thiết, đối với những vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có thể kéo dài thêm nhưng không quá 30ngày.
3.2. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự được quy định tại Điều 178 Luật Thi hành án hình sự 2019, cụ thể như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có liên quan trong quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn.
– Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây:
a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Phó thủ trưởng, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này;
b) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã được Tòa án giao giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án;
c) Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được Tòa án giao giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án.
– Trưởng Công an cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây:
a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;
b) Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
– Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây:
a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 8Điều này;
b) Quyết định, hành vi trái pháp luật của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.
– Giám đốc Công an cấp tỉnh giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây:
a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh;
b) Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện.
– Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này.
– Bộ trưởng Bộ Công an giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này:
a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an;
b) Quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.
– Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật trong quản lý, giáo dục phạm nhân của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu. Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có hiệu lực thi hành.
Như vậy, quyết định giải quyết khiếu nại thi hành án hình sự có hiệu lực pháp luật là hoạt động của các chủ thể có liên quan nhằm bảo đảm nội dung quyết định đó được thực hiện trên thực tế. Xét ở góc độ thủ tục, từ khi cơ quan nhà nước tiến hành thụ lý, xác minh, kết luận, ra quyết định giải quyết khiếu nại thi hành án hình sự thì thi hành quyết định đó được coi là giai đoạn kết thúc thủ tục. Về nguyên tắc, quyết định giải quyết khiếu nại thi hành án hình sự là quyết định hình sự nên nó mang tính chất mệnh lệnh, thể hiện tính quyền lực nhà nước và có tính chất bắt buộc thực hiện. Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại thi hành án hình sự có hiệu lực pháp luật là một khâu quan trọng trong quá trình giải quyết khiếu nại trong hoạt động thi hành án hình sự. Việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động thi hành án hình sự đánh dấu kết thúc quá trình giải quyết nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm việc giải quyết khiếu nại được thực hiện triệt để, khắc phục tình trạng khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài…