Hội đồng trọng tài là một trong những chủ thể giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Vậy quy định về khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là gì?
Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi chính phủ do những đương sự thỏa thuận lựa chọn để giải quyết về tranh chấp thương mại. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài thương mại chính là phương thức giải quyết thông qua các hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm để chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện.
2. Khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định của hội đồng trọng tài:
2.1. Khiếu nại quyết định của hội đồng trọng tài trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 44 Luật Trọng tài thương mại 2010 và Điều 10
– Không có thỏa thuận trọng tài;
– Thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
– Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được;
– Thẩm quyền của hội đồng trọng tài.
2.2. Quy trình khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài:
Khi thực hiện khiếu nại về các việc đã nêu ở mục trên thì người khiếu nại thực hiện các bước sau:
Bước 1: chuẩn bị hồ sơ: người khiếu nại chuẩn bị hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:
– Đơn khiếu nại. Lưu ý rằng, trong đơn khiếu nại phải có các nội dung chủ yếu sau:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn khiếu nại;
+ Tên và địa chỉ của bên khiếu nại;
+ Nội dung yêu cầu.
– Đơn khởi kiện;
– Thoả thuận trọng tài;
– Quyết định của hội đồng trọng tài;
– Những tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nếu như trong trường hợp Hội đồng trọng tài không ban hành quyết định riêng về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.
Trường hợp giấy tờ kèm theo bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt và được chứng thực hợp lệ.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người khiếu nại nộp hồ sơ tới tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài. Nơi có thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài là một trong hai nơi sau:
– Trường hợp các bên đã có thỏa thuận lựa chọn một Tòa án cụ thể thì Tòa án có thẩm quyền chính là Tòa án được các bên lựa chọn;
– Tòa án nơi Hội đồng trọng tài ra quyết định nếu như các bên không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án nào giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài.
Lưu ý:
– Thời hạn nộp hồ sơ khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài là 05 ngày làm việc, kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định của Hội đồng trọng tài;
– Khi gửi đơn khiếu nại lên tòa án có thẩm quyền để giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài thì người khiếu nại cũng phải thông báo việc khiếu nại đó cho Hội đồng trọng tài.
Bước 3: Giải quyết khiếu nại
– Chánh án Toà án có thẩm quyền nơi người khiếu nại nộp hồ sơ phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khiếu nại trong thời hạn là 05 ngày làm việc bắt đầu kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại và Tòa án phải thông báo cho Hội đồng trọng tài biết về việc Tòa án đang tiến hành thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại trong khoảng thời gian này.
– Thẩm phán căn cứ vào đơn khiếu nại, các tài liệu, chứng cứ được gửi kèm theo đơn và quy định về điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài; tòa án từ chối thụ lý trong trường hợp có thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài vô hiệu để xác định khiếu nại về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hay thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài là có căn cứ hay là không có căn cứ. Trong trường hợp cần thiết thì Thẩm phán có thể đề nghị Hội đồng trọng tài trình bày về ý kiến của họ về nội dung khiếu nại.
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày đã được phân công thì Thẩm phán phải xem xét, ra quyết định giải quyết về khiếu nại. Quyết định của Toà án là cuối cùng.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày đã ra Quyết định giải quyết khiếu nại thì Tòa án gửi quyết định cho các bên, Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Bước 4: cách thức giải quyết của Hội đồng trọng tài sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án
– Trường hợp 1: Trường hợp Tòa án xác định vụ tranh chấp là không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài hay thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng trọng tài tiến hành xử lý như sau:
+ Trong trường hợp Hội đồng trọng tài đã ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ việc thì các bên đều có quyền thỏa thuận, lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp;
+ Trong trường hợp vụ việc đang được Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp thì trong thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày đã nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án, Hội đồng trọng tài sẽ phải ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp;
+ Trong trường hợp Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết trọng tài thì một hoặc các bên đều có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài theo thủ tục chung.
– Trường hợp 2: Trường hợp Tòa án xác định vụ tranh chấp là thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, có thỏa thuận trọng tài hay thỏa thuận trọng tài không vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài thực hiện được thì sẽ xử lý như sau:
+ Trong trường hợp Hội đồng trọng tài đã ra quyết định đình chỉ giải quyết về vụ việc thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày mà nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án, Hội đồng trọng tài tiến hành tiếp tục thụ lý, giải quyết tranh chấp theo thủ tục chung;
+ Trong trường hợp Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết trọng tài thì một hoặc các bên đều có quyền yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài, thực hiện đăng ký phán quyết trọng tài hoặc yêu cầu Tòa án thực hiện hủy phán quyết trọng tài theo thủ tục chung;
+ Trong trường hợp vụ việc đang được Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp thì Hội đồng trọng tài sẽ tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung.
3. Đặc điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại:
– Thứ nhất, Trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp thương mại khi mà có yêu cầu của các bên tranh chấp và tranh chấp đó sẽ phải thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. Khi tranh chấp phát sinh, các bên đều có quyền yêu cầu giải quyết vụ tranh chấp bằng trọng tài. Đây là một trong các quy định đảm bảo quyền định đoạt của các bên trong việc thực hiện lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Việc yêu cầu giải quyết tranh chấp của các bên sẽ được ghi nhận bằng thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài sẽ có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
– Thứ hai, chủ thể giải quyết tranh chấp thương mại là những Trọng tài viên thực hiện thông qua Hội đồng trọng tài bao gồm một Trọng tài viên độc lập hoặc hội đồng gồm có nhiều Trọng tài viên. Trọng tài là một tổ chức phi chính phủ, không nằm ở trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước. Bản thân những Trọng tài viên cũng không phải là cán bộ, công chức, viên chức.
– Thứ ba, giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài thương mại đảm bảo được sự kết hợp hai yếu tố đó là: thỏa thuận và phán quyết. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là phương thức đảm bảo được quyền tự định đoạt cao nhất của các bên. Các bên tranh chấp đều có thể thống nhất, thỏa thuận lựa chọn Trung tâm trọng tài, Trọng tài viên, lựa chọn địa điểm giải quyết hay luật áp dụng … Các bên có thể thực hiện thỏa thuận trọng tài về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.
– Thứ tư, trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp đảm bảo được tính bí mật. Trọng tài là một tiến trình giải quyết tranh chấp mang tính riêng biệt. Hầu hết pháp luật về trọng tài của các nước đều thừa nhận về nguyên tắc trọng tài xử kín nếu các bên không quy định khác.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Trọng tài thương mại 2010;
– Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành Quy định Luật Trọng tài thương mại do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.