Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành thực hiện khởi tố bị can. Vậy khởi tố bị can là gì? Quy định về khởi tố bị can trong tố tụng hình sự như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Khởi tố bị can là gì?
Khởi tố bị can là hoạt động điều tra do cơ quan có thẩm quyền tiến hành khi có căn cứ xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi phạm tội. Nếu bị can bị khởi tố về nhiều tội khác nhau thì trong quyết định khởi tố bị can, phải ghi rõ từng tội danh và điều khoản của BLHS được áp dụng.
2. Nội dung cơ bản và thời điểm ra quyết định khởi tố bị can:
Theo quy định của Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về việc khởi tố bị can và các nội dung cơ bản trong quyết định khởi tố bị can như sau
1. Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
2. Quyết định khởi tố bị can ghi rõ: thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình của bị can; bị can bị khởi tố về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự; thời gian, địa điểm phạm tội và những tình tiết khác của tội phạm.
Nếu bị can bị khởi tố về nhiều tội khác nhau thì trong quyết định khởi tố bị can phải ghi rõ từng tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng.
3. Sau khi khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải chụp ảnh, lập danh chỉ bản của bị can và đưa vào hồ sơ vụ án.
4. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can đó cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn việc khởi tố. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và gửi ngay cho Cơ quan điều tra.
5. Trong trường hợp phát hiện có người đã thực hiện hành vi phạm tội chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
Sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra mà Viện kiểm sát phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
6. Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định khởi tố bị can của mình hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát và giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị can quy định tại Điều 49 của Bộ luật này. Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn hoặc quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay cho người đã bị khởi tố. Việc giao nhận các quyết định nói trên phải lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.
3. Quy định về việc thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can:
Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can? Khi thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung cần lưu ý những vấn đề gì?
Điều 127 Bộ luật tố tụng Hình sự quy định về việc thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can
1. Khi tiến hành điều tra, nếu có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố hoặc còn hành vi phạm tội khác thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can.
2. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi các quyết định này và tài liệu có liên quan đến việc thay đổi hoặc bổ sung đó cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can.
Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
3. Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can của mình hoặc quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát và giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị can quy định tại Điều 49 của Bộ luật này. Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn hoặc quyết định huỷ bỏ quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay cho người đã bị khởi tố. Việc giao nhận các quyết định nói trên phải lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.
4. Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có quyền ra quyết định khởi tố bị can hay không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi muốn hỏi là Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra có quyền ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không?
Luật sư tư vấn:
Theo khoản 3 Điều 34 Bộ luật Tố tụng Hình sự, khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có những nhiệm vụ và quyền hạn như Thủ trưởng Cơ quan điều tra như: Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; quyết định không khởi tố vụ án; quyết định nhập hoặc tách vụ án; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn; quyết định truy nã bị can, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, xử lý vật chứng v.v…
Theo Điều 104 Bộ luật Tố tụng Hình sự, khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định khởi tố đó phải ghi rõ thời gian, căn cứ khởi tố, điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng và họ tên, chức vụ người ra quyết định. Phụ thuộc vào quá trình khi thực hiện việc điều tra vụ án hình sự mà việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ do Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định.
Theo Điều 126 Bộ luật Tố tụng Hình sự, khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can. Quyết định khởi tố bị can ghi rõ: thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình của bị can; bị can bị khởi tố về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự; thời gian, địa điểm phạm tội và những tình tiết khác của tội phạm. Quyết định khởi tố bị can có thể là Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Như vậy, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có quyền ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và họ sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình.
5. Viện kiểm sát có quyền khởi tố bị can không?
Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra quy đinh như sau: “ Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra , Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: 1. Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quy định của bộ luật này”
Như vậy có thể thấy Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định ngoài cơ quan điều tra, viện kiểm sát và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có quyền ra quyết định khởi tố bị can vì đây là những cơ quan thực hiện chức năng buộc tội (công tố) đối với người phạm tội và việc khởi tố bị can không chỉ phục vụ cho việc làm rõ hành vi phạm tội mà còn có ý nghĩa ngăn chặn tội phạm không cho họ tiếp tục phạm tội mới gây nguy hại cho xã hội đây chính là mục đích nhà làm luật muốn quy định như vậy ,mở rộng thẩm quyền khởi tố bị can trong đó có Viện Kiểm sát. Có thể nhận thấy thẩm quyền khởi tố bị can trước hết thuộc về cơ quan điều tra sau đó là viện kiểm sát.
Tuy nhiên quyền khởi tố bị can của Viện Kiểm sát vẫn còn hạn chế, để cụ thể các trường hợp mà Viện Kiểm sát có thẩm quyền khởi tố bị can khoản 5 điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự quy định cụ thể như sau :
“ Trong trường hợp phát hiện có người đã thực hiện hành vi phạm tội chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
Sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra mà viện kiểm sát phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án chưa bị khởi tố thì Viện Kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải gửi cho cơ quan điều tra để tiến hành điều tra .”
Với mục đích không bỏ lọt tội phạm, phát hiện nhanh chóng kịp thời các hành vi phạm tội đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tố tụng tiếp theo Bộ luật tố tụng hình sự đã mở rộng thẩm quyền khởi tố bị can cho Viện kiểm sát trong một số trường hợp: Sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra mà Viện kiểm sát phát hiện có người khác thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can.
Qua quy định đó của nhà làm luật cho thấy sự đề cao của pháp luật đối với vai trò của Viện Kiểm sát trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp ở giai đoạn điều tra vụ án hình sự góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra. Như vậy có thể thấy Viện kiểm sát đang tiến dần đến giữa vai trò của cơ quan công tố không chỉ chịu trách nhiệm về truy tố mà còn là khởi tố.