Tôi không biết có được thỏa thuận hay không, và nếu như thỏa thuận trọng tài giải quyết thì ưu điểm mà khi giải quyết là gì? Chúng tôi có thể tìm trung tâm trọng tài nào để giải quyết được?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có một hợp đồng mua bán hàng hóa với một bên công ty khác. Từ trước đến giờ khi diễn ra hoạt động này thì tôi vẫn thỏa thuận với bên mua nơi giải quyết khi có tranh chấp là tại Tòa án. Tuy nhiên trong hợp đồng mới thì bên mua có yêu cầu là chọn trọng tài giải quyết. Tôi không biết có được thỏa thuận hay không, và nếu như thỏa thuận trọng tài giải quyết thì ưu điểm mà khi giải quyết là gì? Chúng tôi có thể tìm trung tâm trọng tài nào để giải quyết được. Tôi xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định của Luật thương mại 2005
“1. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
2. Hàng hóa bao gồm:
a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;
b) Những vật gắn liền với đất đai.”
Như vậy, hoạt động của bạn là mua bán hàng hóa thì thuộc lĩnh vực điều chỉnh của thương mại.
Theo quy định của Luật trọng tài thương mại 2010
“Điều 2. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài
1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.”
Theo đó hai bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận về việc lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.
Về ưu điểm, nhìn chung khi lựa chọn trọng tài giải quyết thì sẽ có một số ưu điểm so với Tòa án như sau:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
+ Thứ nhất, việc tự do lựa chọn trọng tài viên: đối với những tranh chấp có tính chuyên môn cao, các bên có thể lựa chọn trọng tài viên có trình độ chuyên môn đúng với lĩnh vực tranh chấp.
+ Thứ hai, thời gian nhanh chóng, thủ tục linh hoạt: thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài nhanh hơn kiện tụng tại tòa án.
+ Thứ ba, phán quyết trọng tài được công nhận rộng rãi: cho đến nay đã có nhiều Công ước quốc tế về trọng tài thương mại được ký kết và phê chuẩn bởi nhiều quốc gia như Công ước New York 1958, Công ước Washington 1965, Công ước Liên Mỹ về trọng tài thương mại quốc tế; do đó, các phán quyết của trọng tài được công nhận rộng rãi hơn và dễ thực thi hơn so với các phán quyết ở tòa án.
+Thứ tư, tính chung thẩm: nhìn chung, phán quyết của trọng tài mang tính chung thẩm, các bên tham gia tranh chấp không có quyền kháng cáo đối với phán quyết của trọng tài (tuy nhiên, tòa án vẫn có quyền hạn nhất định đối với việc ra quyết định hủy phán quyết trọng tài hoặc tuyên bố phán quyết của trọng tài vô hiệu).
+Thứ năm, tính bảo mật: nội dung tranh chấp được giữ bí mật, phán quyết của trọng tài không được công bố rộng rãi. Điều này rất có lợi khi công ty muốn giữ uy tín của mình.
Về địa điểm lựa chọn: Hiện nay tại Việt nam có các trung tâm trọng tài sau
+ Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)
+ Trung tâm trọng tài thương mại Quốc tế Á Châu (ACIAC)
+ Trung tâm trọng tài thương mại Hà Nội (HCAC)
+ Trung tâm trọng tài thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (TRACENT)
+ Trung tâm trọng tài thương mại Cần Thơ
+ Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương (PIAC)
+ Trung tâm trọng tài Viễn Đông
Bạn có thể dựa vào địa điểm giao kết hợp đồng hoặc nơi thực hiện hợp đồng và có trường hợp các bên có thể thỏa thuận lựa chọn trọng tài viên của tổ chức trọng tài nào giải quyết.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.