Hiện nay vấn đề thụ lí giải quyết tranh chấp đất đai được người dân ngày càng quan tâm, mỗi địa phương thì có những văn bản quy định điều kiện thụ lí khác nhau. Tại Hồ Chí Minh, nhiều người thắc mắc rằng: Khi nào đơn tranh chấp đất đai tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được thụ lý?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thụ lý đơn giải quyết tranh chấp đất đai được hiểu như thế nào?
- 2 2. Khi nào đơn tranh chấp đất đai tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ được thụ lý?
- 3 3. Trình tự và thủ tục thụ lí đơn tranh chấp đất đai tại thành phố Hồ Chí Minh:
- 4 4. Ý nghĩa của việc thụ lí đơn tranh chấp đất đai tại thành phố Hồ Chí Minh:
1. Thụ lý đơn giải quyết tranh chấp đất đai được hiểu như thế nào?
Theo từ điển luật học, thụ lý vụ án là bắt đầu tiếp nhận một việc để xem xét và giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành không đưa ra khái niệm thụ lý vụ án nhưng tinh thần của điều luật thể hiện thụ lý vụ án là việc tòa án chấp nhận đơn khởi kiện và tiến hành các thủ tục để vào sổ thụ lý vụ án. Như vậy theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì thụ lý vụ án bao gồm hai hoạt động cơ bản, là tiếp nhận đơn khởi kiện để xem xét và vào sổ thụ lý để giải quyết nội dung đơn khởi kiện đó. Thụ lý vụ án về bản chất là việc tòa án nhận đơn khởi kiện để xem xét giải quyết.
Nhìn chung thì thụ lý tranh chấp đất đai là một dạng của thụ lý vụ án dân sự, thực chất là việc tòa án chấp nhận đơn khởi kiện tranh chấp đất đai để xem xét giải quyết nội dung đơn khởi kiện đó. Việc tòa án chấp nhận tiến hành thụ lý vụ án tranh chấp đất đai đồng nghĩa với việc tòa án đã xác nhận trách nhiệm giải quyết vụ án thuộc về mình và không phải thuộc về một cơ quan nhà nước nào khác. Từ đây thì các mối quan hệ pháp luật tố tụng sẽ được phát sinh. Trong mối quan hệ này thì tòa án là chủ thể thực hiện quyền lực nhà nước thông qua việc thụ lý giải quyết tranh chấp và quyết định thụ lý của tòa án có tính bắt buộc đối với các bên. Thụ lý tranh chấp đất đai là một trong những thẩm quyền của tòa án nhân dân nhằm thực hiện chức năng xét xử các loại án trong đó có án dân sự về tranh chấp đất đai. Thông qua hoạt động giải quyết các vụ án thì tòa án sẽ xác lập trật tự về quyền và lợi ích mà các ngành luật nội dung đã quy định, từ đó góp phần quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của các chủ thể và gìn giữ trật tự kỷ cương xã hội.
Như vậy có thể hiểu rằng thụ lý đơn giải quyết tranh chấp đất đai là một dạng của thụ lý vụ án dân sự do tòa án tiến hành, là việc tòa án chấp nhận đơn khởi kiện tranh chấp đất đai của người khởi kiện khi đã thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định và vào sổ thụ lý để giải quyết vụ án tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
2. Khi nào đơn tranh chấp đất đai tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ được thụ lý?
Ngày 19/5/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 20/2023/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân, sửa đổi bổ sung quy định về giải quyết tranh chấp đất đai và cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực thi hành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, kèm theo Quyết định 06/2018/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân, theo đó thì một tranh chấp đất đai được cơ quan nhà nước thụ lý giải quyết khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, các chủ thể là cá nhân và tổ chức tranh chấp đất đai phải có căn cứ chứng minh cho quyền lợi của mình bị xâm phạm, tức là:
– Đã tiến hành thủ tục hòa giải tiền tố tụng trước đó nhưng không thành;
– Phần bất động sản tranh chấp thuộc quyền sử dụng của mình hoặc có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến Ủy ban nhân dân các cấp;
– Có căn cứ rõ ràng cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, người gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành.
Thứ ba, việc yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai của các chủ thể được thực hiện bằng đơn gửi đến đúng cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trong thời hạn mà pháp luật quy định.
Thứ tư, việc yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai dựa trên yêu cầu của các chủ thể này chưa được tòa án thụ lý để giải quyết và chưa có bản án nào đã giải quyết về việc đó.
Thứ năm, đơn tranh chấp đất đai phải ghi những nội dung mà pháp luật quy định, tức là ghi rõ ngày tháng năm viết đơn, thông tin cơ bản của người làm đơn, lí do viết đơn … Đơn phải do người tranh chấp ký tên hoặc điểm chỉ. Như vậy, đơn tranh chấp đất đai phải đáp ứng các yêu cầu trên để được thụ lý giải quyết.
Thứ sáu, người có nhu cầu giải quyết tranh chấp đất đai sau đó sẽ phải nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để được thụ lí thì hồ sơ đó cũng phải đáp ứng yêu cầu pháp luật, cụ thể là những giấy tờ cơ bản sau:
– Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai hoặc bản ghi lời yêu cầu về giải quyết tranh chấp;
– Biên bản hòa giải của cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu (áp dụng đối với trường hợp nộp đơn khiếu nại quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu);
– Bản vẽ hiện trạng nhà đất, công trình xây dựng cũng như hồ sơ địa chính có liên quan đến phần đất tranh chấp;
– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính;
– Các tài liệu khác phù hợp với quy định của pháp luật mà có liên quan đến việc tranh chấp.
3. Trình tự và thủ tục thụ lí đơn tranh chấp đất đai tại thành phố Hồ Chí Minh:
Bước 1: Người khởi kiện tranh chấp đất đai trực tiếp nộp đơn khởi kiện hoặc gửi đơn qua dịch vụ bưu chính. Tòa án thông qua bộ phận nhận đơn tiếp nhận đơn khởi kiện và ghi vào sổ nhận đơn. Đối với trường hợp người khởi kiện nộp đơn bằng hình thức thư trực tuyến thì tòa án phải in ra giấy và ghi vào sổ nhận đơn. Đối với trường hợp người nộp đơn trực tiếp thì tòa án có trách nhiệm cấp ngày giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp gửi đơn bằng phương thức thu trực tuyến thì tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện biết thông qua cổng thông tin điện tử.
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, chánh án tòa án phải phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày tấn công thì thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và đưa ra quyết định theo quy định của pháp luật, trong đó có quyết định thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn.
Bước 3: Sau khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì tòa án phải thông báo ngay cho người khởi kiện để họ đến tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Thẩm phán phải dự tính số tiền tạm ứng án phí ghi vào phiếu báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng. Trong thời hạn 07 ngày được tính kể từ ngày nhận được giấy báo của tòa án về việc nộp tiền tạm ứng, thì người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai thu tiền tạm ứng cho tòa án.
Bước 4: Xác định thời điểm thụ lý đơn khởi kiện. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì thời điểm thụ lý vụ án được xác định như sau: Đối với trường hợp phải nộp tiền tạm ứng thì thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng. Trong trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo.
Bước 5: Thông báo về việc thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho các chủ thể có nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc tòa án đã thụ lý vụ án. Được thông báo phải được thực hiện dưới hình thức văn bản.
4. Ý nghĩa của việc thụ lí đơn tranh chấp đất đai tại thành phố Hồ Chí Minh:
Việc thụ lý vụ án nói chung và thụ lý vụ án tranh chấp đất đai nói riêng có ý nghĩa pháp lý quan trọng vì nó đặt trách nhiệm của tòa án, cụ thể ở đây là tòa án thành phố Hồ Chí Minh phải giải quyết vụ án trong thời gian luật định. Kể từ thời điểm tòa án thụ lý thì mối quan hệ tốt tụng giữa tòa án và cơ quan nhà nước có thẩm quyền với đương sự trong vụ án và viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phát sinh. Theo đó thì kể từ thời điểm này tòa án sẽ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình khi tiến hành các hoạt động tố tụng để giải quyết vụ án tranh chấp đất đai.
Ngoài ra thì việc thụ lý vụ án tranh chấp không chỉ làm phát sinh trách nhiệm của tòa đối với việc giải quyết yêu cầu tranh chấp của người khởi kiện mà còn làm phát sinh tư cách của các chủ thể trong quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Những người này sẽ có quyền lợi và nghĩa vụ tố tụng do pháp luật tố tụng dân sự quy định. Do đó thụ lý vụ án tranh chấp đất đai còn có ý nghĩa thiết thực bảo đảm việc bảo vệ kịp thời những quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong lĩnh vực đất đai, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn và tranh chấp trong nội bộ nhân dân, đồng thời tạo niềm tin cho người dân vào cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có tòa án.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
– Quyết định 20/2023/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân, sửa đổi bổ sung quy định về giải quyết tranh chấp đất đai và cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực thi hành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.