Việc duy trì sức khoẻ tốt là trách nhiệm hàng đầu của cá nhân và tổ chức quân sự. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng lực lượng quân đội mạnh mẽ, tinh nhuệ. Vậy khám phúc tra sức khoẻ nghĩa vụ quân sự là gì?
Mục lục bài viết
1. Khám phúc tra sức khoẻ khi thực hiện nghĩa vụ quân sự là gì?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 105/2023/TT-BQP, khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự do Hội đồng khám, phúc tra sức khỏe của đơn vị nhận quân thực hiện ngay sau khi công dân nhập ngũ nhằm đánh giá lại sức khỏe công dân theo tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.
2. Hội đồng khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự:
Hội đồng khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự được quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 105/2023/TT-BQP, là Hội đồng chuyên môn, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Thủ trưởng đơn vị nhận quân (từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên) thành lập theo đề nghị của Chủ nhiệm quân y (phụ trách quân y).
– Thành viên Hội đồng khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự được quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 105/2023/TT-BQP bao gồm:
+ Chủ nhiệm quân y (phụ trách quân y) đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên là Chủ tịch Hội đồng;
+ Bác sĩ khám nội khoa hoặc ngoại khoa là Phó Chủ tịch Hội đồng;
+ Bác sĩ hoặc nhân viên quân y của đơn vị nhận quân là Ủy viên Thường trực kiêm Thư ký Hội đồng;
+ Cán bộ nhân viên quân y tăng cường; cán bộ, nhân viên quân y đơn vị nhận quân; cán bộ nhân viên quân y hoặc dân y thuộc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn đóng quân của đơn vị nhận quân là các uỷ viên;
+ Thành viên Hội đồng đảm bảo đủ chuyên khoa, bộ phận theo quy định tại khoản 5 Điều 11 và có giấy phép hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề phù hợp với nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
– Nhiệm vụ của Hội đồng khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự
+ Chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị nhận quân về tổ chức khám phúc tra sức khỏe, phân loại và kết luận sức khỏe đối với từng chiến sĩ mới nhập ngũ nhận về đơn vị;
+ Tổng hợp kết quả khám phúc tra sức khỏe, báo cáo Thủ trưởng đơn vị nhận quân và cơ quan quân y cấp trên.
– Nhiệm vụ của các thành viên trong Hội đồng khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự
+ Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị nhận quân về kết luận sức khỏe chiến sĩ mới nhập ngũ; điều hành hoạt động của Hội đồng, gồm: Xây dựng, phổ biến kế hoạch khám phúc tra sức khỏe; chức trách, nhiệm vụ, nguyên tắc làm việc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng; báo cáo Thủ trưởng đơn vị nhận quân và cơ quan quân y cấp trên; hướng dẫn các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe; phân loại sức khỏe và ký phiếu phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự; tổ chức hội chẩn và gửi chiến sĩ mới nhập ngũ đi kiểm tra ở cơ sở y tế khi cần thiết; tổ chức họp rút kinh nghiệm công tác khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự;
+ Phó Chủ tịch Hội đồng thay thế Chủ tịch Hội đồng khi vắng mặt; tổ chức họp Hội đồng khi được ủy quyền; tham gia khám sức khỏe, hội chẩn;
+ Ủy viên Thường trực, kiêm Thư ký Hội đồng có trách nhiệm lập dự trù, tổng hợp và quyết toán, kinh phí, vật tư, thuốc tiêu hao phục vụ cộng tác khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự; phối hợp, chủ trì với các ủy viên Hội đồng chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, hồ sơ sức khỏe, lực lượng hỗ trợ và các tài liệu cho Hội đồng thực hiện nhiệm vụ; tham gia khám sức khỏe, hội chẩn, họp Hội đồng; đăng ký, thống kê báo cáo theo Mẫu 2i Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP;
+ Ủy viên Hội động trực tiếp khám; chịu trách nhiệm về chất lượng khám và kết luận sức khỏe theo nhiệm vụ được giao; tham gia hội chẩn và họp Hội đồng khi được triệu tập; đề xuất với chủ tịch Hội đồng chỉ định thêm xét nghiệm theo yêu cầu chuyên môn để kết luận sức khỏe chính xác.
– Nguyên tắc làm việc của Hội đồng khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 105/2023/TT-BQP:
+ Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định các vấn đề theo đa số;
+ Chủ tịch Hội đồng ghi kết luận vào phiếu sức khỏe theo ý kiến của đa số trong trường hợp các thành viên của Hội đồng không thống nhất về phân loại sức khỏe. Quyết định theo bên có biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng trong trường hợp biểu quyết ngang nhau. Những ý kiến không thống nhất phải được ghi đầy đủ vào biên bản, có chữ ký của từng thành viên Hội đồng.
3. Quy trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự:
3.1. Nội dung khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự:
Nội dung khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự được quy định tại khoản 5 Điều 11 như sau:
– Khám về thể lực; lâm sàng theo các chuyên khoa: răng hàm mặt, tai mũi họng, mắt, nội khoa, tâm thần, thần kinh, da liễu, ngoại khoa, đối với nữ khám thêm sản phụ khoa;
– Khám cận lâm sàng: Công thức máu; chức năng gan (AST, ALT); nhóm máu (ABO); đường máu; chức năng thận (Ure, Creatinin); virus viêm gan B (HBsAg); HTV; virus viêm gan C (Anti-HCV); siêu âm ổ bụng tổng quát; xét nghiệm nước tiểu phát hiện ma túy; điện tim; X-quang tim phổi thẳng; nước tiểu toàn bộ (10 thông số). Chủ tịch Hội đồng chỉ định thêm các xét nghiệm khác theo yêu cầu chuyên môn để kết luận sức khỏe được chính xác.
3.2. Quy trình khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự:
Quy trình khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Thông tư 105/2023/TT-BQP;
– Bước 1: Lập danh sách công dân khám;
– Bước 2: Thông báo thời gian, địa điểm tổ chức khám sức khỏe (Ra lệnh gọi khám sức khỏe);
– Bước 3: Tổ chức khám sức khỏe theo các nội dung quy định tại khoản 5 Điều Điều 8 và thực hiện theo 2 vòng: vòng 1: Khám thể lực, lâm sàng và vòng 2: khám cận lâm sàng, sàng lọc HIV, ma túy. Khi khám thể lực và lâm sàng, nếu công dân không đạt một trong các tiêu chuẩn sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 105/2023/TT-BQP thì ủy viên Hội đồng trực tiếp khám báo cáo Chủ tịch Hội đồng quyết định dừng khám. Chỉ tiến hành xét nghiệm nước tiểu, máu; xét nghiệm ma tuý, HIV cho công dân đạt tiêu chuẩn sức khỏe sau khám thể lực, siêu âm, lâm sàng, chụp X-quang phổi thẳng, điện tim.
Tổ chức tư vấn và xét nghiệm HIV theo quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS đối với trường hợp đạt tiêu chuẩn sức khỏe;
– Bước 4: Hoàn chỉnh Phiếu phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo Mẫu 4 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP;
– Bước 5: Tổng hợp, báo cáo kết quả khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo Mẫu 2i Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP.
Thời gian khám phúc tra sức khỏe: Hoàn thành trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày giao nhận quân.
3.3. Phân loại sức khoẻ khám phúc tra nghĩa vụ quân sự:
Phân loại sức khỏe khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Thông tư 105/2023/TT-BQP và thực hiện theo Điều 5, Điều 6 Thông tư 105/2023/TT-BQP:
– Tiêu chuẩn phân loại sức khỏe:
+ Tiêu chuẩn phân loại theo thể lực thực hiện theo quy định tại Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP.
+ Tiêu chuẩn phân loại theo bệnh tật và các vấn đề sức khỏe thực hiện theo quy định tại Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP.
– Phương pháp phân loại sức khỏe:
+ Phương pháp cho điểm: Mỗi chỉ tiêu, sau khi khám được cho điểm chẵn từ 1 – 6 vào cột “Điểm”, cụ thể:
a) Điểm 1: Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt;
b) Điểm 2: Chỉ tình trạng sức khỏe tốt;
c) Điểm 3: Chỉ tình trạng sức khỏe khá;
d) Điểm 4: Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình;
đ) Điểm 5: Chỉ tình trạng sức khỏe kém;
e) Điểm 6: Chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.
+ Phương pháp phân loại sức khỏe: Căn cứ số điểm cho các chỉ tiêu khi khám để phân loại sức khỏe, cụ thể như sau:
a) Loại 1: Tất cả các chỉ tiêu đều đạt điểm 1;
b) Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2;
c) Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3;
d) Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4;
đ) Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5;
e) Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.
– Cách ghi phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự:
+ Thành viên Hội đồng sau khi khám mỗi chuyên khoa, ghi điểm nội dung khám vào cột “Điểm”; ghi tóm tắt lý do cho số điểm đó ở cột “Lý do”; ký và ghi rõ họ tên ở cột “Ký”;
+ Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự căn cứ vào điểm tại từng chỉ tiêu để kết luận phân loại sức khỏe, ghi bằng số và chữ (phần bằng chữ trong ngoặc đơn) ở “Phần kết luận”.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định tiêu chuẩn sức khoẻ, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.