Quy định về khai sinh cho con có yếu tố nước ngoài? Khai sinh cho con của người nước ngoài tại Việt Nam? Bố định cư nước ngoài, đặt tên con bằng Tiếng Anh được không? Đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú có yếu tố nước ngoài? Thủ tục đăng ký khai sinh cho con có bố là người nước ngoài?
Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về khai sinh cho con có yếu tố nước ngoài theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật hộ tịch khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!
Ngày nay, quan điểm của mọi người trong việc kết hôn không còn khắt khe như trước. Mọi người tiếp nhận phong tục, văn hóa của người nước ngoài, hơn thế nữa họ còn chấp thuận việc lai tạo nòi giống của mình. Điều đó được thể hiện ở việc có rất nhiều cặp vợ chồng lấy nhau mà một trong hai người là người nước ngoài. Mặt khác, pháp luật Việt Nam cũng không ngăn cấm việc kết hôn có yếu tố nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp đỡ các cặp vợ chồng này từ việc kết hôn đến khi có con. Tuy nhiên, có nhiều thắc mắc về việc để đảm bảo tốt nhất trong việc sinh con có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam thì cần lưu ý những gì? Với đội ngũ chuyên viên tư vấn, luật sư giàu kinh nghiệm của Luật Dương Gia sẽ giúp bạn hiểu và nắm rõ những lưu ý đó.
Sinh con có yếu tố nước ngoài được hiểu là đứa trẻ có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người không có quốc tịch, còn người kia là công dân Việt Nam.
Tư vấn những vấn đề cần lưu ý khi khai sinh cho con có yếu tố nước ngoài: 1900.6568
Để đảm bảo các thủ tục sau khi sinh con có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam được thực hiện một cách thuận lợi nhất thì cần chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cha mẹ của đứa trẻ có thực hiện đúng quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài về việc kết hôn không?
– Đối với pháp luật Việt Nam về điều kiện cũng như quy định kết hôn theo Luật hôn nhân gia đình 2014:
- Nữ từ đủ 18 tuổi, nam từ đủ 20 tuổi
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định.
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định
– Đối với người định cư nước ngoài hoặc người nước ngoài thì cần phải tuân thủ theo quy định pháp luật, tôn giáo, đặc tính riêng của nước đó về điều kiện kết hôn
– Nếu bố mẹ đứa trẻ sinh con ra trong trường hợp hai người đã đủ điều kiện kết hôn mà không kết hôn thì phải hoàn thành thủ tục đăng kí kết hôn trước khi làm thủ tục khai sinh cho con để hợp pháp hóa quan hệ cha mẹ con trong giấy khai sinh
– Trường hợp cha mẹ đứa trẻ chưa đăng kí kết hôn được thì phải có giấy tờ chứng minh quan hệ huyết thống: Giấy xét nghiệm ADN.
Thứ hai, khi sinh con có yếu tố nước ngoài thì việc làm thủ tục khai sinh cho con cũng cần chú ý một số vấn đề sau:
– Trường hợp sinh con ở nước ngoài và làm khai sinh cho con ở nước ngoài được quy định tại Điều 7 Luật hộ tịch 2014 thì hồ sơ thủ tục gồm.
- Giấy chứng sinh của con do cơ sở y tế, bệnh viện nơi đứa trẻ sinh ra cấp. Hoặc giấy xác nhận của người làm chứng. Nếu không có hai loại giấy này thì khi đi làm giấy khai sinh cho đứa trẻ, người khai báo phải cam kết về việc sinh con là thật
- Giấy đăng kí kết hôn của cha mẹ đứa trẻ hoặc bản sao công chứng, chứng thực.
- Hộ chiếu của cha mẹ đứa trẻ
- Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ trên thì người đi làm khai sinh cho đứa trẻ sẽ làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài
– Trường hợp sinh con ở nước ngoài chưa có giấy khai sinh và về Việt Nam cư trú theo quy định tại Điều 29 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì hồ sơ thủ tục gồm:
- Tờ khai theo mẫu
- Giấy chứng sinh do cơ sở y tế hoặc bệnh viện nơi đứa trẻ sinh ra cấp hoặc giấy tờ có liên quan do cơ quan nước có thẩm quyền cấp chứng minh việc sinh con, quan hệ mẹ – con. Giấy tờ này phải được hợp pháp hóa lãnh sự (Trừ trường hợp trong điều ước quốc tế quy định được miễn mà Việt Nam là thành viên)
- Đối với trường hợp cha hoặc mẹ là người Việt Nam và người còn lại là người nước ngoài thì cần cung cấp văn bản thỏa thuận việc lựa chọn quốc tịch cho con. Văn bản thỏa thuận này phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài phù hợp quy định pháp luật của nước đó.
- Tất cả giấy tờ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được công chứng tại văn phòng công chứng, có chữ kí của người công chứng. Phải được hợp pháp hóa lãnh sự
- Giấy chứng nhận đăng kí kết hôn của cha mẹ đứa trẻ bản gốc hoặc bản sao được công chứng
- Đối với trường hợp cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thì cần cung cấp hộ chiếu, sổ hộ khẩu, sổ đăng kí tạm trú
- Nếu không phải cha hoặc mẹ đứa trẻ đi làm giấy khai sinh thì cần phải có văn bản ủy quyền
- Hồ sơ làm giấy khai sinh cho con sẽ được nộp tại phòng tư pháp hộ tịch của ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc mẹ đứa trẻ. Tại đây, cán bộ phòng tư pháp sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ.
- Nếu hồ sơ đầy đủ và thông tin xác nhận là chính xác thì cán bộ tư pháp hộ tịch sẽ ghi thông tin vào sổ hộ tịch.
- Uỷ ban nhân dân cấp huyện sau khi nhận được báo cáo của cán bộ tư pháp hộ tịch sẽ tiến hành cấp giấy khai sinh cho đứa trẻ trong 03 ngày làm việc.
- Trường hợp cán bộ tư pháp cần xác nhận thông tin khai báo thì trong 06 ngày làm việc ủy ban nhân dân huyện sẽ cấp giấy khai sinh cho đứa trẻ
Thứ ba, khi sinh con có yếu tố nước ngoài mà cha mẹ muốn đặt tên có yếu tố nước ngoài cho con thì cần lưu ý những vấn đề sau:
– Không phải cứ sinh con ở nước ngoài khi về Việt Nam sẽ được đặt tên có yếu tố nước ngoài cho con. Theo quy định Luật quốc tịch 2014 quy định để đặt tên con có yếu tố nước ngoài thì cha hoặc mẹ đứa trẻ phải là người có quốc tịch nước ngoài, người kia là người Việt Nam. Vì thế nếu cả cha và mẹ tuy sống ở nước ngoài nhưng vẫn mang quốc tịch Việt Nam thì không được đặt tên con có yếu tố nước ngoài.
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định về khai sinh cho con có yếu tố nước ngoài
- 2 2. Khai sinh cho con của người nước ngoài tại Việt Nam
- 3 3. Bố định cư nước ngoài, đặt tên con bằng Tiếng Anh được không?
- 4 4. Đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú có yếu tố nước ngoài
- 5 5. Thủ tục đăng ký khai sinh cho con có bố là người nước ngoài
1. Quy định về khai sinh cho con có yếu tố nước ngoài
1. Thẩm quyền đăng ký khai sinh
Khoản 3 Điều 49 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định, việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, còn người kia là công dân Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam, được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha là công dân Việt Nam.
2. Thủ tục đăng ký khai sinh
Căn cứ Điều 50 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP (trong đó có khoản 2 Điều 50 đã được sửa đổi theo quy định tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 2/2/2012 của Chính phủ), Hồ sơ đăng ký khai sinh lập thành 1 bộ, gồm:
– Giấy tờ phải nộp:
+ Bản chính Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp hoặc giấy tờ thay thế Giấy Chứng sinh (nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng;
+ Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực).
+ Giấy thỏa thuận của cha và mẹ đứa trẻ về việc chọn quốc tịch trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con. Giấy thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài là công dân về việc chọn quốc tịch cho con là phù hợp với pháp luật của nước đó (đã được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch sang tiếng Việt).
– Giấy tờ phải xuất trình (Bản sao kèm bản chính đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực các loại giấy tờ sau):
+ Giấy Chứng nhận kết hôn của cha mẹ (nếu cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn); Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu;
+ Sổ Hộ khẩu hoặc Sổ đăng ký tạm trú (đối với công dân Việt Nam ở trong nước);
+ Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc chứng nhận tạm trú (đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam).
– Văn bản ủy quyền khai sinh cho trẻ hoặc giấy tờ chứng minh mối quan hệ nhân thân (trong trường hợp ủy quyền)
3. Về thời hạn tiến hành:
Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Giám đốc Sở Tư pháp ký và cấp một bản chính Giấy khai sinh cho người đi khai sinh.
Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh. Trong trường hợp cần xác minh, thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 3 ngày.
4. Về tên của người được đăng ký khai sinh:
Tên của trẻ em là tên Việt Nam hoặc tên nước ngoài theo sự lựa chọn của cha mẹ.
5. Về việc đăng ký khai sinh quá hạn
Theo quy định tại Điều 14 và Điều 43 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, việc sinh chưa đăng ký trong thời hạn 60 ngày thì phải đăng ký theo thủ tục đăng ký quá hạn. Thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn có yếu tố nước ngoài được thực hiện tương tự thủ tục đăng ký khai sinh nêu tại Điều 50 Nghị định này.
Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người có trách nhiệm phải đi đăng ký khai sinh cho trẻ em không thực hiện việc đăng ký trong thời hạn do pháp luật quy định.
2. Khai sinh cho con của người nước ngoài tại Việt Nam
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi đang ở Việt Nam du lịch và sinh con tại đây. Giờ tôi muốn làm giấy khai sinh cho con theo quốc tịch Úc của tôi tại Việt Nam thì phải làm thế nào?
Luật sư tư vấn:
Theo Điều 49 Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh như sau:
“1. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha và mẹ là người nước ngoài, được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ, nếu họ có yêu cầu.
2. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi cư trú của người mẹ.
3. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, còn người kia là công dân Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam, được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha là công dân Việt Nam”
Điều 14. Thời hạn đi khai sinh và trách nhiệm khai sinh
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn là người nước ngoài sinh con tại Việt Nam nên trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, bạn có thể đến Sở Tư pháp nơi bạn đang cư trú để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con bạn
Điều 50 Thủ tục đăng ký khai sinh
“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định này và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ trẻ em có đăng ký kết hôn).
Trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con, thì phải có giấy thỏa thuận của cha và mẹ về việc chọn quốc tịch. Giấy thoả thuận về việc chọn quốc tịch phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài là công dân về việc chọn quốc tịch cho con là phù hợp với pháp luật của nước đó.
2. Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Giám đốc Sở Tư pháp ký và cấp một bản chính Giấy khai sinh cho người đi khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
3. Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Sở Tư pháp kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
4. Tên của trẻ em là tên Việt Nam hoặc tên nước ngoài theo sự lựa chọn của cha mẹ”
Về hồ sơ đăng ký khai sinh gồm:
+ Đơn xin đăng ký khai sinh
+ Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay cho Giấy chứng sinh như:
+ Văn bản xác nhận của người làm chứng trong trường hợp sinh ra ở ngoài cơ sở y tế ( bản gốc)
+ Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
+ Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ (nếu có đăng ký kết hôn).
+ Hộ chiếu gốc.
+ Giấy xác nhận tạm trú có đóng giấu của cơ quan công an nơi tạm trú.
+ Giấy chọn quốc tịch cho con phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài là công dân về việc chọn quốc tịch cho con là phù hợp với pháp luật của nước đó).
Về thời hạn giải quyết thì việc khai sinh được giải quyết ngay sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp có phát sinh vướng mắc về hồ sơ có thể lùi lại thời hạn giải quyết nhưng không quá 3 ngày làm việc
3. Bố định cư nước ngoài, đặt tên con bằng Tiếng Anh được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Thân chào luật sư! Tôi và chồng tôi điều quốc tịch Việt Nam, nhưng chồng tôi hiện đang định cư tại Mỹ bằng thẻ xanh mà chưa nhập tịch Mỹ. Tôi gần sinh em bé vì vậy tôi có thể đặt tên con mình tên tiếng anh được không? Ví dụ: Nguyễn Jennifer Trúc? Cám ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Do vợ chồng bạn vẫn mang quốc tịch Việt Nam nên đối chiếu theo pháp luật Việt Nam quy định tại Khoản 1 Điều 26 “Bộ luật dân sự 2015” như sau:
“Điều 26. Quyền đối với họ, tên như sau:
1. Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.”
Căn cứ Điều 35 Luật hộ tịch 2014 quy định thẩm quyền đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
“Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:
1. Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:
a) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
c) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
d) Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;”
Như vậy, bạn thuộc trường hợp đăng ký khai sinh cho con có yếu tố nước ngoài nên bạn có thể đề nghị làm giấy khai sinh và đặt tên con không mang tính “thuần việt” như Nguyễn Jennifer Trúc.
4. Đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú có yếu tố nước ngoài
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Tôi có câu hỏi về việc nhập quốc tịch và đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú có yếu tố nước ngoài, mong luật sư giải đáp giúp! Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Bạn trai tôi là người Đức hiện cũng đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Chúng tôi đã tổ chức đám cưới nhưng chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn. Nay con tôi sắp chào đời. Tôi muốn hỏi luật sư: Tôi muốn con mình mang 2 quốc tịch Đức và Việt Nam thì có được không? Trình tự thủ tục như thế nào? Khi đăng ký khai sinh cho con tôi, tôi vẫn muốn khai thông tin của người cha (tất nhiên với sự đồng ý của cha đứa bé) thì thủ tục thế nào? Tôi rất mong nhận được sự tư vấn của luật sư sớm! Chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc trên, chuyên viên Đinh Đắc Dương (máy lẻ 116) đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo quy định
Đối với việc bạn muốn con của mình có cả hai quốc tịch Đức và Việt Nam thì tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn. Nếu bạn đăng ký quốc tịch Việt Nam cho con bạn trước thì sau đó có thể sang Đức để nhập quốc tịch nếu pháp luật Đức cho phép. Hoặc bạn có thể đăng ký quốc tịch Đức trước cho con bạn sau đó đăng ký quốc tịch Việt Nam, trường hợp này thông thường sẽ khó thực hiện bởi phải bảo đảm các điều kiện theo quy định pháp luật Việt Nam.
Do hai bạn chưa đăng ký kết hôn, khi đi khai sinh bạn vẫn muốn thể hiện thông tin người cha trên giấy khai sinh và người cha cũng đồng ý thì người cha phải thực hiện thủ tục đăng ký nhận cha cho con theo quy định tại Điều 44 Luật hộ tịch 2014 như sau:
“1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Phòng Tư pháp báo cáo và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đăng ký nhận cha, mẹ, con, nếu thấy đủ điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
4. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt; công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng các bên ký vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho các bên.”
5. Thủ tục đăng ký khai sinh cho con có bố là người nước ngoài
Tóm tắt câu hỏi:
Em lấy chồng Đài Loan, do cuộc sống bị áp bức em đưa con trốn về Việt Nam, giờ em muốn làm giấy khai sinh và nhập quốc tịch cho con em thì cần những giấy tờ nào? Nếu giờ đưa đơn ly hôn thì quyền nuôi con sẽ thuộc về ai (con em được 19 tháng tuổi)?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, về việc đăng ký khai sinh:
Căn cứ Điều 29 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài về cư trú tại Việt Nam như sau:
“1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của trẻ em có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài mà chưa được đăng ký khai sinh.
2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ em cư trú tại Việt Nam và nộp các giấy tờ sau đây:
a) Tờ khai theo mẫu quy định;
b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ – con nếu có;
c) Văn bản thỏa thuận của cha mẹ lựa chọn quốc tịch cho con theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ tịch đối với trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là công dân nước ngoài.
3. Trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này thì thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em theo thủ tục quy định tại Khoản 5 Điều 15 của Nghị định này.
4. Ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu, Phòng Tư pháp kiểm tra hồ sơ. Nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác và đúng quy định pháp luật thì đăng ký theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 36 của Luật Hộ tịch. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.”
Theo như bạn trình bày, bạn trốn về Việt Nam do cuộc sống bị áp bức. Tuy nhiên, để đăng ký khai sinh cho con, bạn phải có hồ sơ như trên. Nếu không có văn bản thỏa thuận giữa bạn và chồng bạn – người Đài Loan về việc lựa chọn quốc tịch cho con thì sẽ khó khăn trong quá trình đăng ký khai sinh.
Thứ hai, về việc ly hôn.
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Luật sư tư vấn thủ tục đăng ký khai sinh cho con có yếu tố nước ngoài:1900.6568
Bạn đang ở Việt Nam, khi có căn cứ cho rằng cuộc sống hôn nhân của bạn không hạnh phúc, lâm vào tình trạng trầm trọng thì bạn có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương. Bạn chuẩn bị hồ sơ khởi kiện đơn phương ly hôn gồm:
– Đơn khởi kiện về vấn đề đơn phương ly hôn
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản chính
– Giấy đăng ký khai sinh bản chính
– Chứng minh nhân dân và Sổ hộ khẩu gia đình bản sao có chứng thực
Bạn nộp hồ sơ tới Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn đang cư trú tại Việt Nam.
Điều 81
“…
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Tại thời điểm ly hôn, con bạn dưới 36 tháng tuổi thì sẽ được giao trực tiếp cho bạn nuôi trừ trường hợp bạn không có đủ điều kiện nuôi con. Điều kiện nuôi con sẽ xem xét trên 02 điều kiện chính là kinh tế và nhân thân:
+ Kinh tế: có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống cho con
+ Nhân thân: có nhân thân tốt, có lối sống lành mạnh.
Nếu bạn đảm bảo được 02 điều kiện trên thì bạn sẽ giành được quyền nuôi con.
Tuy nhiên, để ly hôn đơn phương với chồng, bạn phải có các giấy tờ trên, nếu không có giấy tờ trên thì bạn không thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương với chồng được.