Hợp đồng M&A được hiểu là các thỏa thuận hợp đồng giữa các chủ thể tham gia tập trung kinh tế theo đó làm phát sinh quyền sở hữu hoặc kiểm soát của một hoặc một nhóm chủ thể đối với tài sản tạo ra lợi thế kinh doanh cho hoạt động của chủ thể có quyền kiểm soát nó.
Mục lục bài viết
1. Hợp đồng M&A là gì:
Hợp đồng là một phương tiện quan trọng để tạo lập nên đời sống của con người, giúp con người đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần thông qua việc trao đổi các sản phẩm, dịch vụ và các lợi ích khác. Nó là một phương thức quan trọng để tổ chức đời sống và thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Do đó, hợp đồng có vị trí và vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống hàng ngày cũng như trong hoạt động kinh doanh thương mại nói riêng. Hợp đồng là căn cứ để các bên thi hành các quyền và thực hiện nghĩa vụ của mình. Vì vậy, trong hoạt động kinh doanh, hợp đồng là một thành phần, một nhân tố không thể thiếu.
Trong đời sống của mình, doanh nghiệp thường tham gia vào rất nhiều hợp đồng như: hợp đồng thuê đất với nhà nước, hợp đồng thuê các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, hợp đồng lao động với người lao động, hợp đồng bán hàng hóa dịch vụ do mình cung cấp. Chính vì lẽ đó mà theo quan điểm pháp lý có thể coi doanh nghiệp là một tập hợp các hợp đồng. Do đó, với hoạt động tập trung kinh tế, hợp đồng cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong là công cụ của các chủ thể có liên quan. Với tính chất phức tạp và đa dạng của hoạt động tập trung kinh tế, chúng ta thấy rằng việc áp dụng các hình thức hợp đồng đối với hoạt động này cũng hết sức đa dạng và phong phú.
Trong khuôn khổ luận văn này có thể hiểu hợp đồng M&A là: các thỏa thuận hợp đồng giữa các chủ thể tham gia tập trung kinh tế theo đó làm phát sinh quyền sở hữu hoặc kiểm soát của một hoặc một nhóm chủ thể đối với tài sản tạo ra lợi thế kinh doanh (tài sản này có thể là tài sản trực tiếp tạo ra lợi thế kinh doanh hoặc công ty kiểm soát tài sản tạo ra lợi thế kinh doanh) cho hoạt động của chủ thể có quyền kiểm soát nó. Với cách hiểu này, hợp đồng M&A trong khuôn khổ pháp luật cạnh tranh có thể sẽ bao gồm cả các hợp đồng chuyển nhượng tài sản, hợp đồng mua cổ phần phần vốn góp hoặc các thỏa thuận liên doanh của các doanh nghiệp nếu như kết quả thực hiện các thỏa thuận này tạo ra chủ thể kinh doanh thương mại có sức mạnh thị trường lớn hơn và sự tồn tại của chủ thế này có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường cạnh tranh được pháp luật bảo vệ.
2. Các loại hợp đồng theo lộ trình M&A:
Một vụ việc trong kinh tế thường là một giao dịch được thực hiện trong một khoảng thời gian dài do tính chất phức tạp của các hoạt động cấu thành nên giao dịch đó. Thứ nhất, giá trị tài sản của giao dịch này thường rất lớn. Bất kể với bên mua hay bên bán thì việc thực hiện giao dịch này có ảnh hưởng quyết định tới tương lai của các chủ thể có liên quan. Bên mua có thể trở thành một chủ thể mới có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường và được đánh đổi bởi một khoản đầu tư lớn. Bên bán có thể nhận được một khoản tiền lớn và có thể chấm dứt hẳn hoạt động hoặc một nhánh hoạt động hiện có của mình. Không chỉ có vậy, hoạt động này còn ảnh hưởng tới rất nhiều chủ thể có liên quan khác như các nhà cung cấp dịch vụ, khách hàng... Chính vì độ phức tạp và sức ảnh hưởng lớn tới thị trường như vậy, cho nên các hoạt động tập trung kinh tế thường được các bên tiến hành một cách thận trọng theo từng bước như sau: (i) Các bên tiến hành giao kết các thỏa thuận về bảo mật thông tin; (ii) Các bên tiến hành giao kết các thỏa thuận nguyên tắc trong quá trình đàm phán đi đến thỏa thuận cuối cùng; (iii) Các bên tiến hành giao kết hợp đồng mua bán sáp nhập chính thức.
Về bản chất, tất cả các giao dịch này đều là các hợp đồng cấu thành nên hoạt động tập trung kinh tế và đều có thể bị điều chỉnh bởi pháp luật cạnh tranh. Do đó, trong quá trình nghiên cứu hợp đồng mua bán sáp nhập doanh nghiệp, các dạng hợp đồng này sẽ không được tách biệt nghiên cứu riêng mà sẽ nghiên cứu chung như một hợp đồng thống nhất, theo đó, sự ảnh hưởng của pháp luật cạnh tranh và các quy phạm pháp luật khác có các thỏa thuận nghiên cứu và làm rõ.
Bên cạnh đó, việc xem xét hợp đồng tập trung kinh tế cũng nên hiểu đây là một tập hợp gồm nhiều thỏa thuận để đi đến một thỏa thuận cuối cùng trên cơ sở đàm phán và thương lượng giữa các bên.
3. Phân loại hợp đồng M&A theo phương thức thực hiện giao dịch:
Do hợp đồng là phương thức cơ bản thực hiện hoạt động tập trung kinh tế, do đó, hợp đồng sẽ có những tính chất, đặc điểm đặc thù theo từng phương thức thực hiện hoạt động tập trung kinh tế khác nhau. Chính vì vậy, phương thức thực hiện tập trung kinh tế là một tiêu chí giúp phân loại hợp đồng có ý nghĩa quan trọng, việc phân loại hợp đồng theo tiêu chí này giúp thể hiện rõ bản chất pháp lý phương thức tập trung kinh tế.
– Thứ nhất, căn cứ theo hậu quả pháp lý của hợp đồng được sử dụng trong hoạt động tập trung kinh tế, chúng ta thấy rằng có hai dạng hậu quả pháp lý đáng quan tâm đó là: (1) hợp đồng có tạo ra sự thay đổi về quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng tài sản của các bên có liên quan hay không và (2) hợp đồng có tạo ra chủ thể mới có sự tập trung nguồn lực tài chính, vật chất, quyền lực thị trường, ...) lớn hơn hay không.
– Thứ hai, căn cứ theo phương thức thực hiện chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của các chủ thể: đó là có sự chuyển giao trực tiếp tài sản tạo ra lợi thế kinh doanh hay có sự chuyển giao quyền sở hữu, kiểm soát đối với pháp nhân sở hữu tài sản tạo ra lợi thế kinh doanh (sự chuyển giao gián tiếp). Các hình thức hợp đồng trong trường hợp này rất đa dạng và phong phú, nhưng cơ bản là các dạng thỏa thuận mua bán tài sản giữa các chủ thể có liên quan. Loại tài sản được chuyển nhượng ở đấy ảnh hưởng lớn tới bản chất của giao dịch. Tài sản này có thể là tài sản trực tiếp tạo ra lợi thế kinh doanh hoặc cổ phần, phần vốn góp của các pháp nhân sở hữu, kiểm soát tài sản tạo ra lợi thế kinh doanh hoặc các dạnh hợp đồng thuê.
– Thứ ba, căn cứ đến phương thức giao kết hợp đồng của các chủ thể, đây cũng có thể coi là trường hợp phân nhóm nhỏ hơn của nhóm thứ hai nêu trên. Trong nhóm này, đặc biệt lưu ý tới việc tập trung kinh tế xảy ra giữa các chủ thể là công ty đại chúng với các giao dịch mua bán được thực hiện qua sàn giao dịch chứng khoán và chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thị trường chứng khoán.