Từ khi sinh ra chúng ta đã được làm quen và biết đến rất nhiều tác phẩm. Tác phẩm là kết quả của hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học đã được nhà xuất bản ấn định trên một hình thái vật chất. Vậy tác phẩm là gì? Khái quát quy định của pháp luật về tác phẩm?
Mục lục bài viết
1. Khái quát chung về tác phẩm:
Khái niệm tác phẩm:
– Theo nghĩa rộng: thì khái niệm tác phẩm được hiểu là sản phẩm trí tuệ của công dân viết ra, tạo ra. Đó là tác phẩm do chính con người viết ra hoặc tạo ra bằng tài năng trí tuệ của mình. Tác phẩm là sáng tạo trí tuệ của công dân là tác giả. Với cách hiểu này thì tác phẩm được hiểu là tất cả những sáng tạo trí tuệ nguyên thủy, được thể hiện dưới 1 hình thức có thể tái tạo được
– Theo nghĩa hẹp: tác phẩm được hiểu là kết quả của hoạt động sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học đã được ấn định trên 1 hình thái vật chất hoặc đã được thể hiện ra ngoài thông qua hình thức nhất định
– Trong luật sở hữu trí tuệ: Phạm vi và tính chất các tác phẩm được bảo hộ theo điều 14
Theo quy định tại khoản 7, điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định nội dung sau:
Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và khoa học thực hiện bằng bất kì phương tiện hay hình thức nào”. Sản phẩm của lao động trí tuệ được thừa nhận là tác phẩm và được bảo hộ phải đáp ứng yêu cầu sau:
+ Thứ nhất, tác phẩm là kết quả của hoạt động sáng tạo.
+ Thứ hai, tác phẩm phải được ấn định trên hình thức vật chất hoặc được thực hiện thông qua hình thức nhất định.
+ Thứ ba, tác phẩm phải thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học.
Phân loại tác phẩm:
– Dựa theo lĩnh vực sáng tạo: có tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm khoa học
– Dựa vào nguồn gốc hình thành tác phẩm: có tác phẩm gốc nguyên sinh, tác phẩm phái sinh (trong đó có: tác phẩm dịch thuật, tác phẩm phóng tác, tác phẩm cải biên, tác phẩm chuyển thể), tác phẩm tuyển tập, tác phẩm hợp tuyển
Tóm lại, tác phẩm bao gồm rất nhiều thể loại khác nhau, mỗi thể loại lại mang những đặc trưng riêng và tùy từng loại mà bắt buộc phải định hình thông qua một hình thái vật chất nhất định hoặc không bắt buộc.
2. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ:
Theo Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 đã đưa ra quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ bao gồm:
– Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc kí tự, bao gồm tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, bút kí, kí sự, tùy bút, hồi kí, thơ, trường ca, kịch bản, bản nhạc, công trình nghiên cứu văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học và các bài viết khác.
Tác phẩm được bảo hộ còn bao gồm các tác phẩm được thể hiện bằng các kí tự khác thay cho chữ viết như chữ nổi chó người khiếm thị, kí hiệu tốc kí và các kí hiệu tương tự khác mà đối tượng tiếp cận có thể sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau.
– Các bài giảng, bài phát biểu và các bài nói khác: Đây là các tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định. Ngoài ra còn các tác phẩm khác như tài liệu giảng dạy, huấn luyện. Tuy nhiên, bài giảng, bài phát biểu chỉ được coi là tác phẩm nếu được ghi âm lại hoặc được lưu hành dưới dạng văn bản.
– Tác phẩm sân khấu được pháp luật nước ta bảo hộ: Là một loại tác phẩm được thể hiện thông qua hình thức trình diễn nghệ thuật trên sân khấu, bao gồm kịch nói, nhạc vũ kịch, ca kịch, kịch câm, xiếc, múa, múa rối và các loại hình tác phẩm sân khấu khác.
– Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự: Đây là những tác phẩm được các tác giả hợp thành bằng hàng loạt hình ảnh liên tiếp tạo nên hiệu úng chuyển động kèm theo hoặc không kèm theo âm thanh, được thể hiện trên chất liệu nhất định và có thể truyền đến công chúng bằng các thiết bị kĩ thuật, công nghệ, bao gồm các loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và các loại hình tương tự khác như phim truyền hình, video.
– Các tác phẩm nhiếp ảnh: Là tác phẩm thể hiện hình ảnh của thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra hay có thể được tạo ra bằng bất cứ phương pháp kĩ thuật nào (thông qua phương pháp hoá học, kĩ thuật số hoặc phương pháp khác).
– Tác phẩm báo chí: Là tác phẩm được thể hiện thông qua các thể loại ghi nhanh, phóng sự, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, kí báo chí… được truyền đến công chúng qua
– Tác phẩm âm nhạc: Là các tác phẩm được thể hiện dưới dạng nốt nhạc trong bản nhạc hoặc trong các kí tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. Tuy nhiên, thường phải thông qua giọng hát, nhạc cụ thì mới có thể truyền các tác phẩm này đến công chúng.
– Tác phẩm kiến trúc: Là các bản vẽ thiết kế ngôi nhà, công trình xây dựng khác, quy hoạch không gian đã hoặc chưa xây dựng. Tác phẩm kiến trúc bao gồm các bản vẽ thiết kế về mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, phối cảnh, thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, cóng trình, tổ hợp công trình kiến trúc, tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan của một vùng, một đô thị, hệ thống đổ thị, khu chức năng đô thị, khu dân Cư nông thôn. Trong đó mồ hình, sa bàn về ngôi nhà, công trình xây dựng hoặc quy hoạch không gian được coi là tác phẩm kiến trúc độc lập.
– Tác phẩm tạo hình, mĩ thuật, ứng dụng, bao gồm hội họa, đồ họa, điêu khắc, mĩ thuật ứng dụng hoặc các hình thức tương tự.
– Các bức họa đồ, bản vẽ, sơ đồ, bản đồ có liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học.
– Các chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu: Được hiểu là một hoặc một nhóm chương trình được biểu hiện dưới dạng chuỗi lệnh viết theo ngôn ngữ lập trình nhất định và các tệp dữ liệu có liên quan chỉ dẫn cho máy tính biết phải làm gì để thực hiện được nhiệm vụ đề ra, có thể được cài đặt như một phần mềm của máy tính hoặc có thể sắp xếp dưới hình thức văn bản, đĩa mềm, đĩa CD-ROM.
– Tác phẩm phái sinh, bao gồm tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển tập, hợp tuyển. Đây là các tác phẩm được tạo ra từ các tác phẩm đã có. Các tác phẩm này chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Ta nhận thấy, phạm vi và tính chất các tác phẩm được bảo hộ theo quy định tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 là rất rộng, không những là tác phẩm được tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình, không sao chép từ tác phẩm của người khác mà những tác phẩm phái sinh cũng được bảo hộ với điều kiện người tạo ra tác phẩm đó không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Các sản phẩm trí tuệ này chỉ được công nhận là tác phẩm khi chúng đã được ấn định trên hình thái vật chất hoặc đã được thể hiện ra bên ngoài bằng bất kì phương tiện hay hình thức nhất định nào đó đủ để người khác có thể biết tới tác phẩm va tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật.
Chính bởi vì thế, các kết quả của hoạt động lao động sáng tạo nếu mới chỉ là ý tưởng, chưa được thể hiện ra bên ngoài bằng hình thức nhất định thì không thể nhận biết được nên chưa được coi là tác phẩm. Ngoài ra, tác phẩm muốn được nhà nước thừa nhận và bảo hộ thì nội dung của nó phải không trái với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
3. Điều kiện để tác phẩm được bảo hộ:
Để tác phẩm được bảo hộ, tác phẩm đó cần phải đáp ứng các điều kiện như sau:
– Thứ nhất: Tác phẩm phải là kết quả của hoạt động sáng tạo:
Chất lượng nội dung của tác phẩm là một vấn đề quan trọng đối với chính tác phẩm cùng với tác giả của nó. Những tác phẩm có nội dung phong phú và chất lượng cao sẽ được nhiều người đón nhận và sẽ có sức sống mãi với thời gian. Để tác phẩm đạt được điều đó, tác giả của nó phải là người có tài năng trong lao động sáng tạo.
Tác phẩm đã được tạo ra dù có nội dung với chất lượng thế nào đều được pháp luật nước ta thừa nhận, miễn là tác phẩm đó mang tính sáng tạo. Quy định của pháp luật về tính sáng tạo của tác phẩm ở các nước khác nhau cũng sẽ có sự khác nhau về mức độ nhưng nhìn chung đều là yêu cầu về tính mới của tác phẩm
– Thứ hai: Tác phẩm phải được ấn định trên hình thức vật chất hoặc được thể hiện thông qua hình thức nhất định:
Những ý tưởng, những kết quả lao động sáng tạo của một người đã có nội dung cụ thể nhưng họ chưa thể hiện ra bên ngoài bằng hình thức nhất định thì không có cơ sở thừa nhận và bảo hộ đối với tác phẩm đó.
Như vậy, ta nhận thấy, kết quả lao động sáng tạo về văn học, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học của một người chỉ được thừa nhận khi kết quả đó đã được thể hiện ra bên ngoài bằng các hình thức nhất định do pháp luật quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật.
Khi một người cho rằng tác phẩm mà người khác đã công bố là kết quả lao động của mình thì các đối tượng đó cần phải chứng minh kết quả đó đã được họ thể hiện ra bên ngoài bằng một hình thức nhất định vào thời điểm trước khi người khác công bố tác phẩm.
– Thứ ba: Tác phẩm phải thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học:
Pháp luật nước ta ghi nhận lao động vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của mọi công dân. Sản phẩm do lao động tạo ra rất phong phú, trong đó, lao động thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học tạo ra các giá trị tinh thần cho xã hội được thể hiện thông qua các loại hình tác phẩm. Chính bởi vì vậy, kết quả của lao động chỉ được coi là tác phẩm nếu lao động đó được thực hiện trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học.