Địa vị pháp lý của người bào chữa trong Tố tụng Hình sự được quy định như thế nào và ý nghĩa của quy định đó.
Khái quát chung về địa vị pháp lý của người bào chữa trong Tố tụng Hình sự
1. Khái quát về người bào chữa trong Tố tụng Hình sự
Một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ Luật tố tụng hình sự là nguyên tắc: Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Đây là một nguyên tắc hiến định được ghi nhận tại Điều 132 Hiến pháp năm 1992: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình…” và là nguyên tắc đặc thù của luật tố tụng hình sự, được quy định tại Điều 11 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003: “Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này”. Thực hiện quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là điều kiện cần thiết để các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Theo như quy định tại Điều 11 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự mình bào chữa và trong trường hợp họ không tự mình bào chữa thì họ có thể nhờ người khác bào chữa.
Theo đó, có thể hiểu người bào chữa là người được các cơ quan tiến hành tố tụng chứng nhận, tham gia tố tụng để đưa ra những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và giúp đỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Khoản 1 Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định người bào chữa có thể là luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân. So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có thêm người bào chữa là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ.
Khoản 2 Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định những người không được bào chữa:
“a) Người đã tiến hành tố tụng trong đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó;
b) Người tham gia trong vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định hoặc người phiên dịch.”
Người bào chữa là người được người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trao toàn bộ hoặc một phần quyền bào chữa của mình để tham gia bảo vệ quyền lợi của họ. Do vậy, người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn; người bào chữa có thể bị thay đổi hoặc bị từ chối. Việc người bào chữa đại diện cho bị can, bị cáo bào chữa không làm mất đi quyền tự bào chữa của bị can, bị cáo. Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can trừ một số trường hợp. Trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã; bắt người trong trường hợp khẩn cấp thì người bào chữa tham gia từ khi có quyết định tạm giữ. Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2. Ý nghĩa của việc quy định địa vị pháp lý của người bào chữa trong Tố tụng hình sự
Có thể nói sự tham gia của người bào chữa là rất cần thiết. Trước hết, việc quy định địa vị pháp lý của người bào chữa là thực hiện một trong các nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự. Người bào chữa sẽ đưa ra những chứng cứ, dùng lập luận để minh oan hoặc giảm nhẹ tội cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Việc quy định địa vị pháp lý của người bào chữa còn thể hiện tính nhân đạo trong tố tụng hình sự, nó giúp cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện việc bảo vệ mình trước pháp luật một cách triệt để.
Ngoài ra, việc quy định người bào chữa không chỉ thể hiện tính dân chủ, khách quan của Nhà nước ta trong hoạt động tố tụng, mà còn đảm bảo thực hiện quyền tự do, dân chủ của công dân.
Người bào chữa tham gia tố tụng hình sự sẽ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; đồng thời góp phần giúp giải quyết vụ án một cách khách quan, sự thật của vụ án được làm rõ. Từ đó giúp cơ quan tiến hành tố tụng ra được một bản án công minh, chính xác, tránh được việc buộc tội oan cho người vô tội. Bên cạnh đó thông qua việc bào chữa, người bào chữa còn góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người tham gia tố tụng, người dân; củng cố niềm tin của người dân vào sự công minh của pháp luật; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho bị can, bị cáo và những người khác.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa
– Quyền của người bào chữa theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam
– Thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa đối với luật sư
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6568 hoặc gửi thư về địa chỉ email: [email protected].
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại
– Tư vấn luật miễn phí qua điện thoại
– Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại