Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã là quá trình Hội đồng nhân dân cấp xã, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã, các đại biểu của Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã:
Hoạt động là đối tượng nghiên cứu của nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học khác nhau, trong đó có lĩnh vực nghiên cứu về luật học. Theo Từ Điển Tiếng Việt “hoạt động” được hiểu là sự vận động, sự cử động, thường là nhằm một mục đích nào đó [49]. Còn theo quan điểm lý thuyết về hoạt động, A.N.Leontiev cho rằng hoạt động “là một tổ hợp các quá trình con người tác động vào đối tượng nhằm đạt mục đích thỏa mãn một nhu cầu nhất định và chính kết quả của hoạt động là sự cụ thể hóa nhu cầu của chủ thể”. Có thể thấy chủ thể của hoạt động bao giờ cũng làm việc theo kế hoạch, có ý đồ nhất định. Trong quá trình hoạt động, các cá nhân và tổ chức sẽ tổ chức các hoạt động thành hệ thống và lựa chọn, điều khiển linh hoạt các hoạt động phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh, tình huống cụ thể.
Theo tâm lý học Mácxit, mọi hoạt động của con người đều có tính mục đích.
Con người hiệu được mục đích hoạt động của mình, từ đó mới định rõ chức năng, nhiệm vụ, động lực của hoạt động để đạt hiệu quả trong công việc. K.Marx cho rằng, hoạt động của con người là hoạt động có mục đích, có ý thức; mục đích, ý thức ấy như một quy luật, quyết định phương thức hoạt động và bắt ý chí con người phụ thuộc vào nó. K. Marx viết: “Công việc đòi hỏi một sự chú ý bền bỉ, bản thân sự chú ý đó chỉ có thể là kết quả của một sự căng thẳng thường xuyên của ý chí”.
Các hoạt động của HĐND cấp xã là có mục đích, nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp xã và có đối tượng quan hệ cụ thể. Các hoạt động của HĐND cấp xã rất đa dạng như: Kỳ họp, HĐGS, hoạt động TXCT…, các hoạt động của HĐND cấp xã chủ yếu là các hoạt động tương tác qua lại giữa HĐND cấp xã với các cơ quan nhà nước cấp trên với Đảng ủy, UBND, UBMTTQ cấp xã, Nhân dân và các chủ thể khác.
Để cho các hoạt động của HĐND cấp xã thực hiện có hiệu quả thì các hoạt động cần phải tuân theo các quy định của pháp luật và được điều chỉnh bởi pháp luật. HĐND cấp xã là trung tâm của hệ thống chính trị ở cấp xã, cho nên trong quá trình hoạt động để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn phải có quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn. Các quan hệ xã hội phát sinh từ hoạt động của HĐND cấp xã cần được điều chỉnh bởi các QPPL gồm các nhóm quan hệ xã hội sau đây:
– Nhóm quan hệ trong nội bộ hoạt động của HĐND cấp xã.
– Nhóm quan hệ trong hoạt động giữa HĐND cấp xã và UBND cấp xã.
– Nhóm quan hệ trong hoạt động giữa HĐND cấp xã với Đảng ủy cấp xã, Ủy ban Mặt trận tổ quốc (UBMTTQ) cấp xã và các tổ chức thành viên của UBMTTQ cấp xã và cơ quan nhà nước cấp trên.
– Nhóm quan hệ giữa HĐND cấp xã với các tổ chức tự quản của Nhân dân với đại diện các thôn, ấp, bản, làng, bun, sóc…, các hộ gia đình và công dân.
Như vậy, có thể hiểu: Hoạt động của HĐND cấp xã là quá trình HĐND cấp xã, Thường trực HĐND cấp xã, các Ban của HĐND cấp xã, các đại biểu của HĐND cấp xã thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
2. Đặc điểm về hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã:
Một là, hoạt động của HĐND cấp xã mang tính mở, với đại đa số là đại biểu không chuyên trách; làm việc theo chế độ hội nghị. Theo quy định, HĐND cấp xã chỉ có Phó Chủ tịch là đại biểu chuyên trách, Chủ tịch HĐND cấp xã và các Trưởng ban HĐND cấp xã là kiêm nhiệm. Như vậy, phần đông đại biểu HĐND cấp xã hoạt động không chuyên trách. Tính không chuyên trách là một yếu tố dễ tạo nên sự lãng quên vị thế, vai trò HĐND của các đại biểu. Như vậy, có thể thấy rằng, chất lượng và hiệu quả thực hiện chức năng, tổ chức các hoạt động của HĐND cấp xã phụ thuộc chủ yếu vào Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã. Do đó, việc lựa chọn, bố trí Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Đồng thời, việc bồi dưỡng, tập huấn cho các đại biểu HĐND cấp xã nên phải là công việc thường xuyên, hàng năm, không chỉ theo nhiệm kỳ.
HĐND cấp xã thường họp mỗi năm 02 lần. Tại hội nghị, HĐND bàn thảo và quyết định các vấn đề theo chức năng, quyền hạn. Các quyết định được biểu quyết theo đa số. Vì thế, tạo dựng sự đồng thuận cao trong các quyết định của HĐND cấp xã là một vấn đề cần được quan tâm xây dựng. Bởi lẽ, các đại biểu HĐND cấp xã là những người đại diện cho các nhóm xã hội ở địa phương, với các lợi ích vừa đồng nhất vừa khác biệt. Với cách thức làm việc theo chế độ hội nghị và với phần đông các đại biểu không chuyên trách nên sự liên hệ giữa các đại biểu HĐND cấp xã không thật chặt chẽ, trao đổi thông tin giữa các đại biểu ít diễn ra.
Hai là, HĐND cấp xã thực hiện chức năng quyết định và hoạt động giám sát (HĐGS) trên địa bàn xã, phường, thị trấn; các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp xã do pháp luật quy định sẽ hạn chế hơn, đối tượng giám sát ít hơn, có phạm vi hẹp hơn so với HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp huyện. Bởi mỗi một cấp CQĐP ở Việt Nam hiện nay, trong quá trình hoạt động đều thực hiện nguyên tắc phân cấp và phân quyền, mỗi một cấp chính quyền, mỗi cơ quan nhà nước chỉ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn nhất định, số lượng các nhiệm vụ, quyền hạn được phân giao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trong đó quan trọng nhất là năng lực của những chủ thể được giao nhiệm vụ có khả năng hoàn thành các nhiệm vụ đó hay không và thông thường thì năng lực của các cơ quan nhà nước cấp trên bao giờ cũng hơn năng lực của cơ quan nhà nước cấp dưới, vì vậy cơ quan nhà nước cấp trên sẽ được phân nhiều quyền hơn.
Ba là, đặc thù trong hoạt động của HĐND cấp xã là có sự tham gia của Nhân dân trong xã, phường, thị trấn vào các hoạt động của HĐND cấp xã, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Tại Khoản 2 Điều 2 Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 đã quy định: “Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”. Đây là những hình thức dân chủ trực tiếp để Nhân dân tham gia vào tổ chức và hoạt động của HĐND cấp xã, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Đây chính là đặc trưng trong hoạt động của HĐND cấp xã. Các quy định của pháp luật đối với hoạt động của HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp huyện chủ yếu ghi nhận các hình thức dân chủ đại diện. Do HĐND cấp tỉnh và HĐND cấp huyện không gần dân như HĐND cấp xã, nên không thể có những hình thức dân chủ trực tiếp phong phú như HĐND cấp xã.
Bốn là, quá trình thực thi quyền lực, chức năng của HĐND cấp xã chịu sự chi phối của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài hệ thống. Xét theo hệ thống chính trị cấp xã, các yếu tố bên trong tác động, chi phối đến thực thi quyền lực, chức năng của HĐND cấp xã là: Cấp ủy Đảng, UBND, Mặt trận Tổ quốc. Trong đó, cấp ủy Đảng, UBND là những yếu tố tác động, chi phối trực tiếp, mang tính quyết định đến hiệu quả hoạt động của HĐND xã.
Hoạt động của HĐND cấp xã cũng giống như hoạt động của HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp huyện, đó là những quan hệ trong nội bộ của HĐND, giữa HĐND và UBND cùng cấp và với các cơ quan nhà nước cấp trên, giữa HĐND với tổ chức Đảng, UBMTTQ và các tổ chức thành viên với các cá nhân và tổ chức khác, được thực hiện thông qua kỳ họp, HĐGS, tiếp xúc cử tri, chất vấn và trả lời chất vấn. Ngoài các quan hệ trong nội bộ HĐND cấp xã, quan hệ giữa HĐND cấp xã với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, HĐND cấp xã còn quan hệ với các tổ chức tự quản của Nhân dân trong xã, phường, thị trấn như: Tổ dân phố, thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc…, đây là đặc trưng riêng có trong hoạt động của HĐND cấp xã.
Các yếu tố bên ngoài tác động chi phối đến thực thi quyền lực, chức năng của HĐND cấp xã là: điều kiện kinh tế – xã hội, các thành phần xã hội ở địa phương. Trong các yếu tố đó, cấu trúc xã hội dân cư ở địa phương, bản sắc và truyền thống văn hóa tác động nhiều đến đến hoạt động của HĐND cấp xã. Ở địa phương nào kinh tế phát triển, truyền thống cách mạng sâu đậm, Nhân dân có ý thức công dân cao thì ở đó hoạt động của HĐND cấp xã có nhiều thuận lợi. Tính cộng đồng làng xã, dòng họ chi phối nhiều đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các đại biểu.
Là một cấp chính quyền gắn bó mật thiết với nhân dân, đại diện trực tiếp cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích của Nhân dân, đồng thời là nơi trực tiếp tổ chức các hoạt động quản lý, điều hành các công việc hành chính ở cơ sở, trực tiếp tổ chức việc thi hành pháp luật, chính quyền cấp xã cần được tổ chức một cách đặc thù. Mô hình tổ chức chính quyền cấp xã, cần được xây dựng và quy định một cách đặc thù, khác với chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện.
Với những đặc trưng về tổ chức và hoạt động như vậy, đòi hỏi khi xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND cấp xã cần phải chú ý đến những đặc thù của HĐND cấp xã không nên quy định chung, quy định giống HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp huyện như hiện nay.