Sự phát triển của xã hội luôn gắn liền với đất đai và các tài nguyên có trong lòng đất. Mỗi quốc gia trên thế giới đều gắn liền với một phạm vi lãnh thổ nhất định. Hiện nay, các quốc gia đều quan tâm đến vấn đề quản lý nhà nước về đất đai. Vậy quản lý nhà nước về đất đai là gì?
Mục lục bài viết
1. Quản lý nhà nước về đất đai là gì?
1.1. Vai trò của đất đai:
Đất đai là tài sản của mỗi quốc gia. Đất là tư liệu sản xuất chủ yếu, là đối tượng lao động cũng chính là sản phẩm lao động.
Đất đai là tài nguyên đặc biệt, có sẵn trong tự nhiên, gắn liền với cuộc sống con người. Trước hết bởi đất đai có nguồn gốc tự nhiên, tiếp đến là thành quả do tác động khai phá của con người. Con người có thể làm ra các công trình và sản xuất, chế tạo ra muôn nghìn thứ hàng hóa, sản phẩm, nhưng không thể nào sáng tạo ra đất đai.
Đất đai còn là một loại hàng hóa đặc biệt. Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn đer nhà nước thực hiện phân bổ các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng. Độ phì nhiêu của đất cùng với sự phân bổ của đất đau không đồng nhất, đất tốt lên hay xấu đi, được sử dụng có hiệu quả cao hay thấp tùy thuộc vào sự quản lý nhà nước và các kế hoạch, biện pháp khai thác của người quản lý, sử dụng đất.
1.2. Khái niệm quản lý nhà nước:
Quản lý nhà nước ra đời từ rất lâu cùng với sự xuất hiện của nhà nước, hoạt động quản lý nhà nước thường được gắn chức năng, vai trò của nhà nước trong xã hội có giai cấp.
Quản lý nhà nước là một dạng quản lý đặc biệt của các cơ quan có thẩm quyền. Hiểu một cách đơn giản, quản lý nhà nước là hoạt động tổ chức, điều hành của quyền lực nhà nước trên các phương diện lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Như vậy, ta nhận thấy, quản lý nhà nước là dạng quản lý xã hội mang tính quyền lực nhà nước, các chủ thể có thẩm quyền được sử dụng quyền lực nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội và hành vi hoạt động của con người để duy trì, phát triển các mối quan hệ xã hội, trật tự pháp luật nhằm thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước nhưng phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
1.3. Khái niệm quản lý nhà nước về đất đai:
Quản lý nhà nước về đất đai là một trong số những lĩnh vực của quản lý nhà nước, đây là hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể là người có thẩm quyền trong việc sử dụng các phương pháp, các công cụ quản lý thích hợp tác động đến hành vi, hoạt động của người sử dụng đất nhằm mục đích để đạt mục tiêu sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng.
Thông qua hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, nhà nước sẽ nắm chắc tình hình đất đai để từ đó biết rõ các thông tin chính xác về số lượng đất đai, về chất lượng đất đai, về tình hình hiện trạng của việc quản lý và sử dụng đất đai.
Cũng chính từ đó, nhà nước sẽ thực hiện việc phân phối và phân phối lại đất đai theo quy hoạch và kế hoạch chung thống nhất. Đồng thời, nhà nước còn có trách nhiệm quan trọng đối với việc quản lý việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất; quản lý việc chuyển quyền sử dụng đất; quản lý việc lập quy hoạch, kế hoạch và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Để nắm được thông tin chính xác về quỹ đất, Nhà nước cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra chế độ quản lý và sử dụng đất đai. Nhà nước tiến hành kiểm tra giám sát quá trình phân phối và sử dụng đất, trong khi kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện các vi phạm và bất cập trong phân phối và sử dụng, Nhà nước sẽ xử lý và giải quyết các vi phạm, bất cập đó.
Nhà nước cũng cần thực hiện quyền điều tiết các nguồn lợi từ đất đai để nhằm mục đích đảm bảo các lợi ích một cách hài hòa. Hoạt động này được thực hiện thông qua các chính sách tài chính về đất đai được ban hành cụ thể như: thu tiền sử dụng đất, thu các loại thuế liên quan đến việc sử dụng đất nhằm điều tiết các nguồn lợi hoặc phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.
Như vậy, nhà nước thống nhất quản lý nhà nước về đất đai từ trung ương đến địa phương để đảm bảo rằng đất đai sử dụng đúng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm mục đích khai thác và sử dụng đất một cách ổn định, lâu dài thông qua các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai. Nhà nước cũng là cơ quan đóng vai trò chính trong việc hình thành chính sách đất đai và các nguyên tắc của hệ thống quản lý nhà nước về đất đai, bao gồm pháp
2. Các phương pháp quản lý nhà nước về đất đai:
Để thực hiện tốt hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, ta có thể kể ra một số phương pháp thường xuyên được nhà nước ta sử dụng như sau:
2.1. Phương pháp hành chính:
Hoạt động quản lý nhà nước về đất đai ở Việt Nam hiện đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình nhà nước ta củng cố và phát triển đất nước. Lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai bao gồm nhiều phương pháp khác nhau trong đó không thể không nhắc đến phương pháp hành chính.
Phương pháp hành chính là phương pháp tác động mang tính trực tiếp dựa vào mối quan hệ tổ chức của hệ thống quản lý, mà thực chất đó là mối quan hệ giữa quyền uy và sự phục tùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các đối tượng là chủ thể sử dụng đất.
Phương pháp quản lý hành chính về đất đai của nhà nước là cách thức được sử dụng nhằm tác động trực tiếp của chủ thể quản lý đến các đối tượng trong quan hệ đất đai, bao gồm các chủ thể là cơ quan quản lý đất đai của nhà nước và các chủ thể là người sử dụng đất (các hộ gia đình, các cá nhân, các tổ chức, các pháp nhân) bằng các biện pháp, các quyết định mang tính mệnh lệnh bắt buộc. Phương pháp quản lý hành chính ra đời và đòi hỏi người sử dụng đất phải chấp hành nghiêm chỉnh, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hành chính.
Phương pháp quản lý nhà nước về đất đai phương pháp hành chính có vai trò quan trọng trong việc xác lập được kỷ cương trật tự trong xã hội đối với lĩnh vực đất đai. Phương pháp quản lý hành chính về đất đai của nhà nước đã góp phần quan trọng nhằm giải quyết được các vấn đề đặt ra trong công tác quản lý một cách nhanh chóng kịp thời.
Chính bơi vì thế, khi sử dụng phương pháp hành chính các chủ thể có thẩm quyền cần phải gắn kết chặt chẽ quyền hạn và trách nhiệm của các cấp quản lý, đồng thời phải cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước và từng cá nhân. Các quyết định hành chính do các cơ quan nhà nước đặt ra muốn có kết quả và đạt hiệu quả cao thì chúng cần phải là các quyết định có tính khoa học, có căn cứ khoa học, tuyệt đối không thể là ý muốn chủ quan của con người mà gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các chủ thể có quyền sử dụng đất.
2.2. Phương pháp kinh tế:
Hiểu một cách đơn giản thì phương pháp kinh tế của nhà nước về quản lý đất đai là cách thức tác động một cách gián tiếp vào đối tượng bị quản lý, thông qua các lợi ích kinh tế nhằm mục đích để các đối tượng sử dụng đất tự lựa chọn phương án hoạt động của mình sao cho có hiệu quả nhất, đem lại lợi ích kinh tế cao nhất cho chính bản thân mình cũng như cho toàn xã hội. Trong công tác quản lý nhà nước về đất đai ở Việt Nam, phương pháp kinh tế được đánh giá là một phương pháp mềm dẻo bởi vì thế phương pháp này ngày càng mang tính phổ biến và được coi trọng ở nước ta.
Phương pháp quản lý nhà nước về đất đai có ưu điểm vô cùng to lớn là ở chỗ phương pháp này có tác động vào lợi ích của đối tượng bị quản lý làm cho các chủ thể này phải suy nghĩ, tính toán và lựa chọn phương án hoạt động có hiệu quả vừa đảm bảo lợi ích của mình, vừa đảm bảo lợi ích chung của toàn xã hội. Cũng chính do vậy mà việc sử dụng phương pháp này vừa tiết kiệm được chi phí quản lý, vừa giảm được tính chất cứng nhắc hành chính, vừa tăng cường tính sáng tạo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2.3. Phương pháp tuyền truyền, giáo dục:
Đây là một trong những phương pháp vô cùng quen thuộc, được áp dụng ở hầu hết các lĩnh vực đời sống. Phương pháp tuyên truyền, giáo dục là cách thức tác động của nhà nước vào nhận thức và tình cảm của con người nhằm từ đó góp phần nâng cao tính tự giác và lòng nhiệt tình của người dân trong quản lý đất đai nói riêng và trong hoạt động kinh kế – xã hội nói chung.
Trong thực tế, phương pháp tuyên truyền, giao dục thông thường được kết hợp với các phương pháp khác để nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý. Nội dung của phương pháp giáo dục cũng rất đa dạng, nhưng trước hết cần phải tập trung vào việc giáo dục các cá nhân, tổ chức về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước nói chung; chính sách, pháp luật về đất đai nói riêng thể hiện qua các văn bản luật và văn bản dưới luật nói riêng để đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước về đất đai được diễn ra một cách hiệu quả và phù hợp.