Khái niệm điều tra bổ sung vụ án hình sự. Khái niệm trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong tố tụng hình sự.
Trước khi có BLTTHS năm 1988 thì các văn bản pháp luật trước đó không có quy định nào về Viện kiểm sát,
Hiện nay chưa có một khái niệm cụ thể nào về trả hồ sơ điều tra bổ sung. Vì vậy để hiểu rõ khái niệm này thì cần tìm hiểu một số khái niệm liên quan:
Mục lục bài viết
1. Khái niệm hồ sơ vụ án hình sự:
Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành không đưa ra cơ sở pháp lý về khái niệm hồ sơ VAHS, cũng như trong khoa học pháp lý cũng chưa luận giải hợp lý về khái niệm này.
Theo từ điển Tiếng Việt thì “Hồ sơ” là Tài liệu tổng hợp có liên quan với nhau về một người, một sự việc hay một vấn đề”. Đây là khái niệm về hồ sơ ở góc độ chung nhất. Theo Từ điển Luật học đưa ra khái niệm hồ sơ vụ án, là Toàn bộ các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án, được sắp xếp một cách có trật tự, có hệ thống theo quy định của cơ quan chủ quản hoặc theo chủ ý của người quản lý hồ sơ”. Đây là từ điển chuyên ngành luật nên khái niệm này mang tính chất pháp lý. Việc tiếp cận khái niệm hồ sơ và hồ sơ vụ án là để nhìn nhận và hoàn thiện khái niệm hồ sơ VAHS cho đúng đắn và khoa học.
Từ các khái niệm trên, có thể đưa ra một khái niệm hồ sơ vụ án hình sự như sau: Hồ sơ vụ án hình sự là một loại hồ sơ bí mật của Nhà nước, phản ánh toàn bộ diễn biến vụ án, kết quả điều tra, truy tố và xét xử; phản ánh các hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án), được sắp xếp theo quy định thống nhất, phục vụ cho việc giải quyết vụ án, thông tin về nghiệp vụ pháp lý và được lưu trữ lâu dài.
2. Khái niệm về điều tra vụ án hình sự:
Điều tra là hoạt động có mục đích khám phá sự thật khách quan phục vụ nhu cầu của con người. Trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, điều tra là hoạt động khám phá, phát hiện tội phạm. Điều tra là một trong những giai đoạn TTHS rất quan trọng, tạo tiền đề cho các giai đoạn tố tụng tiếp theo. Thiếu hoạt động điều tra, Viện kiểm sát không có cơ sở để truy tố, Tòa án không có cơ sở để xét xử vụ án. Nếu hoạt đồng điều tra không thu thập đầy đủ chứng cứ hoặc việc thu thập chứng cứ vi phạm nghiêm trọng thủ tục thì viện kiểm sát hoặc Tòa án sẽ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Hiện nay chưa có văn bản quy phạm nào định nghĩa chính thức về khái niệm điều tra vụ án hình sự, vì thế có những quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Theo Từ điển Tiếng Việt, khái niệm “điều tra” là “Tìm, hỏi, xem xét để biết rõ sự thật”
Theo Từ điển Luật học của Bộ tư pháp khái niệm, “Hoạt động tố tụng hình sự do người và cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ làm cơ sở cho việc truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự”. Khái niệm này mang tính chất TTHS, khẳng định rõ ràng chủ thể tiến hành điều tra là cơ quan có thẩm quyền, chứ không chỉ là CQĐT, và thể hiện được điều tra là tìm ra sự thật khách quan của vụ án, làm cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo giáo trình Luật TTHS Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội, thì “Điều tra là giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án”. Khái niệm này đã bổ sung thêm về mục đích, nhiệm vụ của điều tra là tạo cơ sở cho việc xét xử của Tòa án.
Qua việc đánh giá các quan điểm về khái niệm điều tra, từ đó có thể đưa ra một khái niệm điều tra như sau: Điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng hình sự, cơ quan có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp của Bộ luật tố tụng hình sự quy định nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc minh oan đối với người bị tình nghi thực hiện tội phạm, tạo cơ sở cho hoạt động xét xử của Tòa án.
3. Khái niệm điều tra bổ sung vụ án hình sự:
Giải quyết vụ án hình sự là quá trình áp dụng pháp luật rất phức tạp. Quá trình đó được thực hiện với nhiều chủ thể, với các hoạt động khác nhau ở những giai đoạn khác nhau như khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, đặc biệt là ở giai đoạn điều tra. Giai đoạn này rất quan trọng để tìm ra sự thật của vụ án. Nếu không làm tốt công tác này thì có thể làm cho vụ án không được giải quyết một cách khách quan, có sự sai lệch so với những gì đã xảy ra dẫn đến tình trạng định tội sai và làm oan người vô tội.
Theo giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam “Điều tra bổ sung là hoạt động điều tra thêm về vụ án hình sự của cơ quan điều tra theo yêu cầu của Viện kiểm sát hay Tòa án nhằm phát hiện, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án được đúng đắn, khách quan”.
Như vậy, Điều tra bổ sung là một hoạt động tố tụng hình sự xảy ra sau khi đã kết thúc điều tra, được cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án nhằm khắc phục, bổ sung thủ tục tố tụng do đã vi phạm nghiêm trọng hoặc phát hiện, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ cơ bản khác đảm bảo cho việc truy, xét xử vụ án đúng đắn, nhanh chóng, khách quan và chính xác hơn.
4. Khái niệm về trả hồ sơ điều tra bổ sung:
Trả hồ sơ điều tra bổ sung đã được quy định trong BLTTHS năm 1988 và ngày càng hoàn thiện hơn qua các BLTTHS năm 2003 và BLTTHS năm 2015. Khái niệm trả hồ sơ điều tra bổ sung có những khái niệm cụ thể về từng khía cạnh như sau:
Thứ nhất, trả hồ sơ điều tra bổ sung là chế định của luật TTHS quy định VKS hoặc Tòa án chuyển trả hồ sơ cho VKS hoặc CQĐT để điều tra thêm về vụ án hình sự theo các căn cứ được quy định trong BLTTHS nhằm mục đích làm sáng tỏ vụ án hình sự, để Tòa án xét xử vụ án một cách công minh, chính xác, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Thứ hai, trả hồ sơ điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố là hoạt động tố tụng do VKS thực hiện sau khi nhận bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố cùng hồ sơ vụ án do CQĐT chuyển đến khi có căn cứ và được thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hình sự được khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.
Thứ ba, trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án cấp sơ thẩm là việc Tòa án cấp sơ thẩm trong giai đoạn chuẩn bị xét xử hoặc tại phiên tòa quyết định trả lại hồ sơ hình sự cho VKS nơi ra Quyết định truy tố để điều tra bổ sung nhằm khắc phục những thiếu sót trong quá trình điều tra, truy tố để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hình sự được khách quan, toàn diện và đúng các quy định của pháp luật.
Từ những khái niệm trên thì có thể xây dựng một khái niệm về trả hồ sơ điều tra bổ sung như sau: Trả hồ sơ điều tra bổ sung là một hoạt động tố tụng được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự do cơ quan có thẩm quyền (Viện kiểm sát, Tòa án) thực hiện khi có căn cứ cho rằng bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, thiếu chứng cứ của tố tụng mà Viện kiểm quan trọng hoặc chưa tuân thủ đúng các quy định sát hay Tòa án không thể tự mình khắc phục hay bổ sung được nhằm đảm bảo cho việc truy tố, xét xử vụ án đúng đắn, khách quan, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.