Khái niệm tội giết người Điều 123 BLHS 2015. Định nghĩa về Tội giết người, trước hết phải đi từ những quy định trong Phần chung của BLHS năm 2015.
Khái niệm Tội giết người
Theo quy định của tại BLHS năm 1985, 1999 và các văn bản pháp luật hình sự thì hành vi giết người bao gồm tất cả các trường hợp giết người được Luật hình sự quy định. Vì vậy, nghiên cứu về hành vi giết người trong các văn bản đó cũng đồng thời là nghiên cứu các hành vi giết người nói chung. Tuy nhiên, Tội giết người được nghiên cứu trong đề tài luận văn chỉ là trường hợp giết người quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Những trường hợp giết người khác như giết con mới đẻ, giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được quy định tại các Điều 124, 125 và Điều 126 và Tội cố ý gây thương tích quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 134 BLHS năm 2015 chỉ được nghiên cứu ở từng khía cạnh nhất định để so sánh với Tội giết người tại Điều 123 BLHS.
Hiện nay, BLHS các nước trên thế giới có hai xu hướng: Xu hướng thứ nhất là, định nghĩa Tội giết người ngay trong BLHS như Bộ luật Hình sự Liên bang Nga năm 1996, tại Điều 105, tội giết người được định nghĩa: là cố ý làm chết người khác”; Trong BLHS Trung Quốc năm 1997, tại Điều 232 tội giết người được định nghĩa “là hành vi cố ý giết người khác”; Bộ luật Bang California (Hoa Kỳ) năm 1998 tại Điều 187 tội giết người được định nghĩa “là hành vi cố ý giết người khác hoặc giết bào thai một cách hiểm độc và bất hợp pháp”. Xu hướng thứ hai là, không định nghĩa Tội giết người trong BLHS như: Việt Nam, Nhật Bản… và một nước theo xu hướng thứ nhất, tuy nhiên định nghĩa Tội giết người trong BLHS nhưng mỗi nước lại có định nghĩa khác nhau. Lịch sử pháp luật hình sự Việt Nam từ trước đến nay chưa có văn bản pháp luật nào nêu khái niệm về Tội giết người. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự, cho đến hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm Tội giết người. Cụ thể:
+ Cách định nghĩa thứ nhất cho rằng: “Tội giết người là hành vi trái pháp luật của người đủ năng lực trách nhiệm hình sự cố ý tước bỏ quyền sống của người khác”
+ Cách định nghĩa thứ hai cho rằng: “Tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác một cách trái pháp luật”.
+ Cách định nghĩa thứ ba cho rằng: “Tội giết người là hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định thực hiện”.
Phân tích các cách định nghĩa trên, chúng tôi thấy:
Thứ nhất, về nội dung thì các cách định nghĩa trên chỉ đề cập đến dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự và dấu hiệu độ tuổi của chủ thể (cách thứ nhất và cách thứ ba) hoặc không đề cập đến dấu hiệu năng lực TNHS và không đề cập đến dấu hiệu độ tuổi (cách thứ hai).
Thứ hai, về hình thức thì việc sử dụng thuật ngữ giết người là hành vi “cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật” (như cách thứ nhất) là chưa chính xác vì “tước đoạt tính mạng” theo cuốn Đại từ điển Tiếng Việt là “tước là chiếm lấy sự sống con người” và vì “tước đoạt” đã bao hàm sự cố ý nên không cần thiết phải quy định “Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng…”.
Điều 123 của BLHS năm 2015 cũng chỉ quy định: “1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình…”
Với quy định tại Điều 123 như đã nêu ở trên, nhà làm luật cũng chỉ mới nêu tên tội danh mà chưa định nghĩa thế nào là Tội giết người.
Theo chúng tôi muốn định nghĩa về Tội giết người, trước hết phải đi từ những quy định trong Phần chung của BLHS năm 2015.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 8 BLHS:
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
Theo quy định tại Điều 10 BLHS:
Cố ý phạm tội là phạm tội trong các trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; 2. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Khoản 2 Điều 12 BLHS quy định tuổi chịu TNHS như sau: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”. Tức là người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi có đủ năng lực trách nhiệm hình sự đối với tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trong các tội phạm đã nêu.
Từ những quy định nêu trên, theo chúng tôi để xác định một hành vi có đủ yếu tố cấu thành Tội giết người cần phải có đủ các điều kiện cơ bản sau:
– Hành vi đó phải là hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội được quy định trong BLHS.
– Hành vi đó phải do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý.
Từ những phân tích được nêu ở trên đây chúng tôi định nghĩa Tội giết người như sau: “Tội giết người là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý xâm phạm tính mạng của người khác một cách trái pháp luật”.