Giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm ghi nhận, xác minh các nguồn tin về tội phạm để có các biện pháp ngăn ngừa kịp thời, thu thập thông tin cần thiết để ban hành các quyết định tố tụng tương ứng và phục vụ hoạt động điều tra.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm tố giác, tin báo về tội phạm:
Tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố là nguồn thông tin quan trọng, là cơ sở ban đầu để cơ quan tiến hành tố tụng xác minh các căn cứ để khởi tố vụ án hình sự và tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo. Theo Từ điển Tiếng Việt: “tin là điều được truyền đi, bảo cho biết về sự việc, tình hình xảy ra”. Cũng theo nghĩa phổ thông thì tố cáo và tố giác cũng có nghĩa là bảo cho cơ quan có thẩm quyền biết về người hoặc hành động phạm pháp. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, tố cáo và tố giác về tội phạm không đồng nhất. Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018 đã định nghĩa như sau: “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”
Hiện nay, khái niệm tin báo, tố giác về tội phạm đã được đưa ra trong BLTTHS. Theo khoản 1 Điều 144 BLTTHS năm 2015: “tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền”; khoản 2 Điều 144 BLTTHS năm 2015: “Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng”. Khái niệm tin báo, tố giác về tội phạm trong BLTTHS năm 2015 có nhiều điểm tương đồng và khác biệt với khái niệm tin báo, tố giác về tội phạm đã được đưa ra trong một số công trình khoa học hiện nay.
Tác giả đưa ra định nghĩa về tin báo, tố giác về tội phạm như sau:
Tin báo về tội phạm là những thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng bất kỳ hình thức hoặc phương thức truyền tin nào. Tin báo về tội phạm có thể được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tố giác về tội phạm là những thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự do cá nhân cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
> Khái niệm giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm: Việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố là những hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng nguồn đầu vào của tố tụng hình sự, hạn chế khả năng bỏ lọt tội phạm cũng như hạn chế khả năng gây ra những thiệt hại nghiêm trọng hơn do tội phạm gây ra.
Theo tìm hiểu của tác giả, chưa có một khái niệm chính thức nào cho việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm trong các văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam. Thông qua những nhận định trên, tác giả đưa ra khái niệm như sau: “Giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm là những hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo trình tự pháp luật tố tụng hình sự quy định nhằm ghi nhận, xác minh các nguồn tin về tội phạm để có các biện pháp ngăn ngừa kịp thời cũng như thu thập những thông tin cần thiết để ra các quyết định tố tụng tương ứng và phục vụ các hoạt động điều tra tiếp theo”.
2. Khái niệm kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm:
Tác giá đưa ra khái niệm kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm như sau: “Kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm là nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc kiểm tra, giám sát Cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm đảm bảo quá trình này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự”.
3. Đặc điểm của kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm:
Thứ nhất, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước. Theo quy định tại Điều 107 Hiến pháp 2013 thì VKSND là cơ quan duy nhất được giao chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Như vậy, Quốc hội với tư cách là cơ quan có quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong văn bản pháp luật có giá trị cao nhất đã giao cho VKS quyền kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó bao gồm kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Điều này được khẳng định một lần nữa, và làm rõ hơn thông qua Luật tổ chức VKSND, BLTTHS và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Thông qua việc kiểm sát, VKSND đảm bảo việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của các cơ quan có thẩm quyền được tiến hành theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, đảm bảo sự nghiêm minh, công chính của pháp luật. VKS có quyền áp dụng những biện pháp được quy định trong BLHS và BLTTHS khi phát hiện những sai phạm.
Thứ hai, đối tượng kiểm sát trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm:
Hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là CQĐT, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tội giác, tin báo về tội phạm là đối tượng của công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Thông qua hoạt động kiểm sát, VKS đảm bảo hoạt động này được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục được quy định bởi BLTTHS, đảm bảo kết quả giải quyết chính xác, không bỏ lọt tội phạm, không làm bị oan người vô tội.
Thứ ba, phạm vi kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
VKSND bắt đầu kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm từ khi Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kết thúc khi các Cơ quan đó ra quyết định giải quyết Quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự và thông báo kết quả giải quyết theo quy định của pháp luật. | VKSND có quyền kiểm sát toàn bộ những hoạt động mà các Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm bao gồm tiếp nhận, xác minh, thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Thứ tư, nội dung kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm:
VKSND tiến hành kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm được thực hiện đầy đủ, đúng, kịp thời theo đúng trình tự về thủ tục và thời gian được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Thông qua đó, VKSND đảm bảo những quyết định, thông báo kết quả của những Cơ quan đó là chính xác, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, tạo cơ sở pháp lý cho những giai đoạn sau của tố tụng hình sự (nếu có)
Thứ năm, phương thức kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm:
Khác với kiểm sát việc điều tra vụ án hình sự, kiểm sát xét xử vụ án hình sự... VKSND trong giai đoạn này không trực tiếp tham gia vào việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm: không tham gia hỏi người tố giác, không tham gia vào quá trình xác minh... mà chủ yếu thông qua hồ sơ do Cơ quan Điều tra, cơ quan có thẩm quyền điều tra cung cấp. Chỉ khi phát hiện có những sai sót nghiêm trọng về mặt tố tụng, hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đã được VKS yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục thì VKS mới có quyền trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm