Khái niệm quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Quyền được giáo dục là gì? Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là gì?
Mục lục bài viết
1. Quyền được giáo dục là gì?
Thuật ngữ “giáo dục” theo Công ước về chống phân biệt đối xử trong giáo dục là mọi hình thức và cấp độ giáo dục, trong đó có quyền được tiếp cận giáo dục, chuẩn mực và chất lượng giáo dục, và những điều kiện thực hiện giáo dục.
Theo từ điển tiếng Việt, giáo dục là quá trình hoạt động có ý thức, có mục đích, có kế hoạch nhằm bồi dưỡng cho người ta những phẩm chất đạo đức, những tri thức cần thiết về tự nhiên và xã hội, cũng như những kĩ năng, kĩ xảo cần thiết trong đời sống.
Giáo dục là một lĩnh vực rộng lớn, bao quát từ những nội dung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý giáo dục, hệ thống giáo dục quốc dân, nội dung và phương pháp giáo dục, chương trình giáo dục đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, nhiệm vụ và quyền của người học, quản lý nhà nước về giáo dục, trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội… Quyền giáo dục, học tập là quyền tối quan trọng thuộc nhóm quyền văn hóa trong các nhóm quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Nhìn chung, có thể hiểu, quyền được giáo dục là một quyền cơ bản của tất cả mọi người, được thực hiện thông qua một khuôn khổ chính sách và pháp luật bảo đảm khả năng tiếp cận giáo dục của tất cả mọi người mà không có sự phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ tình trạng nào khác.
2. Quyền được giáo dục của trẻ em:
Trong thực tế, khái niệm “trẻ em” thường được dùng để phân biệt với người lớn dựa trên mức độ trưởng thành của con người. Khái niệm “trẻ em” bao hàm và giao thoa với một số khái niệm khác mà được sử dụng trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế để chỉ những người chưa thành niên trong những mối quan hệ và hoàn cảnh khác nhau, ví dụ như người chưa thành niên được xem là người từ 15 đến 18 tuổi , thanh thiếu niên được xem là người từ 10 đến 19 tuổi người trẻ tuổi được xem là những người từ 10 đến 24 tuổi và thanh niên được xem là người từ 15 đến 24 tuổi.
Từ góc độ pháp lý, theo Điều 1 Công ước của Liên hợp quốc năm 1989 về quyền trẻ em (CRC), thì trẻ em được định nghĩa là người dưới 18 tuổi.
Quyền được giáo dục của trẻ em là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ liên quan đến quyền được giáo dục, được bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục của trẻ em. Nổi bật trong quyền được giáo dục của trẻ em là yếu tố “miễn phí”, “miễn phí” cần phải hiểu theo hai nghĩa: 1) (phí) giáo dục có thể bằng không (0); hay 2) các khoản chi phí liên quan đến giáo dục, như sách vở và các trang thiết bị khác, bữa ăn trong trường, đi lại và những thứ tương tự khác phải được nhà nước trả.
3. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:
Có một khái niệm được sử dụng rất phổ biến trong các văn kiện pháp lý quốc tế và trong các hoạt động nghiên cứu, thực tiễn về quyền con người trên thế giới chỉ những nhóm, cộng đồng người có vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn, từ đó khiến họ có nguy cơ cao hơn bị tổn thương về quyền con người, và bởi vậy, cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác, đó là khái niệm “các nhóm người dễ bị tổn thương (vulnerable groups)”. Chưa có một định nghĩa chính thức nào về “các nhóm dễ bị tổn thương” và đôi khi có các cụm từ thay thế nhau như “các nhóm yếu thế” (disadvantaged groups) hay “các nhóm bị lề hóa” (marginalized groups).
Theo Liên hợp quốc, hiện nay có các nhóm dễ bị tổn thương như: phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người sống chung với HIV, người di tản hoặc tìm kiếm nơi lánh nạn, người không quốc tịch, người lao động di trú, người thiểu số (về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo…), người bản địa, nạn nhân chiến tranh, những người bị tước tự do, người cao tuổi, cư dân nông thôn, người nghèo đô thị, người làm việc trong khu vực không chính thức… Tập hợp các nhóm đã được liệt kê này không được coi là danh sách đầy đủ các nhóm cần được quan tâm, thay vào đó, mỗi quốc gia nên tự xác định các nhóm dễ bị tổn thương hoặc nhóm cần áp dụng biện pháp đặc biệt tạm thời để giúp họ khắc phục sự bất bình đẳng trong việc thụ hưởng quyền. Khái niệm “dễ bị tổn thương” có sự đồng nhất với khái niệm “có hoàn cảnh đặc biệt”, bởi đặc điểm của những nhóm này là ở vị thế thấp hơn và có nguy cơ bị vi phạm các quyền con người cao hơn.
Từ lâu trẻ em đã được coi là một trong các nhóm xã hội dễ bị tổn thương nhất và được các nhà nước, các cộng đồng quan tâm bảo vệ. Tuy nhiên, có những nhóm trẻ em thiểu số hơn và có nguy cơ bị gạt khỏi dòng chảy phát triển của xã hội, nguy cơ bị bỏ lại phía sau cao hơn, đó là những trẻ em dễ bị tổn thương hay trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Không có một định nghĩa chính thức chung nào được đưa ra về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhưng dựa vào sự phân chia của pháp luật quốc tế về những nhóm người dễ bị tổn thương, có thể liệt kê ra một số nhóm trẻ dễ bị tổn thương hay có hoàn cảnh đặc biệt như: trẻ em gái, trẻ em khuyết tật, trẻ em sống chung với HIV, trẻ em di tản hoặc tìm kiếm nơi lánh nạn, trẻ em không quốc tịch, trẻ em là người thân của người lao động di trú, trẻ em là người thiểu số, trẻ em bản địa, trẻ em là nạn nhân chiến tranh, trẻ em bị tước tự do…
Trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em – văn kiện quốc tế cơ bản và toàn diện nhất về quyền trẻ em, bên cạnh những nguyên tắc cơ bản, quy định nền tảng trong bảo vệ trẻ em, công ước cũng đề cập đến một số yêu cầu cụ thể để đảm bảo quyền của một số nhóm trẻ em mà có thể coi là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cụ thể như: trẻ em bị mất môi trường gia đình, trẻ em tị nạn, trẻ em khuyết tật, trẻ em thiểu số và bản địa, trẻ em bị bóc lột về kinh tế, trẻ em bị ảnh hưởng bởi ma túy, trẻ em bị lạm dụng tình dục, trẻ em bị bắt cóc và buôn bán, trẻ em vi phạm pháp luật…
Ở nước ta, từ trước tới nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới bảo vệ và thúc đẩy sự hưởng thụ quyền của trẻ em nói chung, quyền của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Trên thực tế, quyền của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được thể hiện trong pháp luật và chính sách của nước ta. Khái niệm “trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”, lần đầu tiên được nhắc đến trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, là trẻ em có hoàn cảnh không bình thường về thể chất hoặc tinh thần, không đủ điều kiện để thực hiện quyền cơ bản và hòa nhập với gia đình, cộng đồng.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 bao gồm: trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma tuý; trẻ em vi phạm pháp luật. Đến
Theo
Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, bao gồm: trẻ em mồ côi cả cha và mẹ không có người chăm sóc; trẻ em mồ côi cả cha và mẹ được nuôi dưỡng trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hoặc cơ sở trợ giúp xã hội; trẻ em mồ côi cả cha và mẹ sống với người thân thích; trẻ em mồ côi cả cha và mẹ được nhận chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải người thân thích, trừ trường hợp được nhận làm con nuôi.
Trẻ em bị bỏ rơi, bao gồm cả trẻ em bị bỏ rơi chưa được và được chăm sóc thay thế. Trẻ em không nơi nương tựa, bao gồm: trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc không còn khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; trẻ em có cả cha và mẹ mất tích theo quy định của pháp luật; trẻ em có cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội; trẻ em có cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; trẻ em có cả cha và mẹ không còn khả năng chăm sóc trẻ em; trẻ em có cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội; trẻ em có cả cha và mẹ đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; trẻ em có cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và người còn lại đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; trẻ em sống trong gia đình có cả cha và mẹ trong độ tuổi trẻ em; trẻ em có cả cha và mẹ bị hạn chế quyền làm cha mẹ hoặc tạm thời cách ly khỏi cha hoặc mẹ theo quy định của pháp luật.
- Trẻ em khuyết tật, bao gồm trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng và khuyết tật nhẹ.
- Trẻ em nhiễm HIV/AIDS là trẻ em nhiễm HIV/AIDS theo quy định pháp luật.
- Trẻ em vi phạm pháp luật, bao gồm: trẻ em vi phạm pháp luật đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; đang bị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình; trẻ em vi phạm pháp luật chưa xác định được nơi cư trú ổn định đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tại cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội; trẻ em vi phạm pháp luật đang bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng; đang bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn hoặc tù có thời hạn nhưng được hưởng án treo; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù có thời hạn hoặc chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
- Trẻ em nghiện ma túy, bao gồm trẻ em nghiện ma túy trong cơ sở cai nghiện và trẻ em nghiện ma túy đang áp dụng biện pháp cai nghiện, điều trị nghiện tại gia đình, cộng đồng.
- Trẻ em phải bỏ học kiểm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, bao gồm: trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở không có người chăm sóc hoặc sống cùng cha, mẹ hoặc người chăm sóc.
- Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực là trẻ em bị bạo lực dẫn đến rối loạn tâm thần, hành vi, hạn chế khả năng giao tiếp, học tập hoặc khả năng tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày theo kết luận của cơ quan giám định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người có chuyên môn được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, đánh giá mức độ tổn hại của trẻ em.
- Trẻ em bị bóc lột, bao gồm: trẻ em bị bắt buộc tham gia lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trẻ em bị rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia các hoạt động trình diễn hoặc bị sử dụng trong sản xuất các sản phẩm khiêu dâm; trẻ em bị rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia hoạt động du lịch mà bị xâm hại tình dục; bị cho, nhận hoặc cung cấp để hoạt động mại dâm; trẻ em bị rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia hoạt động vận chuyển, mua bán, sản xuất, tàng trữ chất gây nghiện và các hàng hóa khác bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật; trẻ em bị rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia các hoạt động trục lợi khác.
- Trẻ em bị xâm hại tình dục, bao gồm: trẻ em bị hiếp dâm; bị cưỡng dâm; bị giao cấu; bị dâm ô; bị sử dụng vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
- Trẻ em bị mua bán, bao gồm trẻ em bị mua bán trở về sống với cha mẹ và trẻ em bị mua bán trở về được nhận chăm sóc thay thế.
- Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo, bao gồm: trẻ em thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
- Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc, bao gồm: trẻ em là công dân Việt Nam di cư, lánh nạn trong nước chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc; trẻ em có quốc tịch nước ngoài di cư, lánh nạn, tị nạn không có người chăm sóc; trẻ em chưa xác định được quốc tịch, chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc di cư, lánh nạn, tị nạn vào Việt Nam.
Những trẻ em này là những nhóm thiểu số trong khi những vấn đề, hoàn cảnh các em gặp phải lại rất đặc biệt và làm tăng tính dễ bị tổn thương của những trẻ em này, do đó các em càng có nhiều nguy cơ bị bỏ quên, bị lề hóa. Trẻ em nói chung vốn dĩ đã gặp nhiều rào cản trong tiếp cận đầy đủ quyền của mình, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt lại càng bị đẩy xa khỏi ranh giới của những quyền con người cơ bản, trong đó có quyền được giáo dục. Nếu không có sự quan tâm, và nỗ lực hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng, xã hội và nhà nước thì rất khó có thể đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói chung và quyền được giáo dục nói riêng.
Theo quan điểm của tác giả thì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là những trẻ em có đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội thấp hơn và có nguy cơ cao bị bỏ quên, bị vi phạm quyền con người. Các nhóm trẻ này tương đối đa dạng như pháp luật quốc tế và ngay cả pháp luật Việt Nam đã chỉ ra. Theo dòng thời gian và sự phát triển của xã hội, những nhóm trẻ em dễ bị tổn thương hay có hoàn cảnh đặc biệt còn cần được bổ sung, bao gồm những nhóm trẻ em gặp những nguy cơ cao về quyền con người ở trong nhiều hoàn cảnh, bối cảnh (xét cả trên phạm vi quốc tế, khu vực, quốc gia, ở trong gia đình, trường học hoặc ngoài xã hội). Trong khuôn khổ luận văn thạc sĩ này, tác giả chỉ tập trung vào một số nhóm trẻ em cụ thể đặc biệt dễ tổn thương với việc tiếp cận giáo dục là trẻ em khuyết tật, trẻ em di cư và trẻ em sống trong đói nghèo.
4. Quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:
Quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là hệ thống nguyên tắc và quy phạm pháp luật, bao gồm những biện pháp ưu tiên và đối xử khác biệt hợp lý có tính tích cực đối với các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, với mục đích là tạo sự cân bằng, bình đẳng về cơ hội, qua đó giúp các em có thể tiếp cận quyền được giáo dục của mình.
Quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đặt ra yêu cầu với các quốc gia phải thực hiện những hành động ưu đãi nhằm giảm bớt hay xóa bỏ những yếu tố là nguyên nhân tạo ra sự phân biệt đối xử trong tiếp cận giáo dục với các trẻ em này. Một hệ thống chính sách và quy định pháp luật phù hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với những nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ dễ bị tổn thương, là những trẻ rất dễ phải đối mặt với các tình huống bất công. Ví dụ, trẻ em khuyết tật thường phải đối diện với tình trạng bất bình đẳng trong việc thụ hưởng quyền được giáo dục, nếu như các em không được hỗ trợ để đến trường và để hòa nhập với môi trường giáo dục mà vốn được thiết kế cho trẻ em không khuyết tật. Trẻ em sống trong các gia đình nghèo ít được dành nguồn lực cho đi học, và hay phải bỏ học sớm để trở thành người lao động trong gia đình hoặc kết hôn sớm.
Nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử cần được chú trọng trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật đảm bảo quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.