Lý luận về phòng chống, tham nhũng. Tham nhũng là gì? Mục đích của phòng chống tham nhũng là gì?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm “tham nhũng”:
Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, tồn tại tất yếu, khách quan xuất hiện từ lâu trong xã hội loài người, đây là một phạm trù mang tính lịch sử. Tham nhũng là một vấn đề được nhiều học giả và các tổ chức quan tâm nghiên cứu và được biết đến với nhiều quan niệm khác nhau.
Tham nhũng trong tiếng Anh là “Corruption” có nghĩa là “hư hỏng, thối nát, phá hoại”. Theo Từ điển tiếng Việt, tham nhũng được hiểu là “Lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của dân”.
Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) không đưa ra định nghĩa cụ thể về tham nhũng, thay vào đó xác định các hành vi tham nhũng cụ thể và thúc giục các Quốc gia thành viên hình sự hóa những hành vi này trong phạm vi quyền hạn của họ. Theo đó, các hành động bất hợp pháp được UNCAC xác định là tội tham nhũng bao gồm: Hối lộ trong khu vực công và tư (điều 15, 16 và 21); Tham ô trong khu vực công và tư (điều 17 và 22); Kinh doanh ảnh hưởng (điều 18); Lạm dụng chức năng (điều 19); Làm giàu bất chính (điều 20); Rửa tiền (điều 23); Che giấu (điều 24); và cản trở công lý (điều 25).
Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng đã đưa ra định nghĩa về tham nhũng là “việc lợi dụng quyền lực công nhằm lợi ích cá nhân”. Định nghĩa này về tham nhũng tập trung vào tham nhũng trong khu vực công hoặc tham nhũng liên quan đến các quan chức, công chức hoặc chính trị gia.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) coi tham nhũng là “việc lạm dụng văn phòng công hoặc tư để trục lợi”
Theo Ban nghiên cứu thuộc Hội đồng Châu Âu “tham nhũng bao gồm những hành vi hối lộ và bất kỳ một hành vi nào khác của những người được giao thực hiện một trách nhiệm nào đó trong khu vực nhà nước hoặc tư nhân, nhưng đã vi phạm trách nhiệm được giao để thu bất kỳ một thứ lợi ích bất hợp pháp nào cho cá nhân hoặc người khác”.
Ở Việt Nam, khái niệm tham nhũng đã được Luật PCTN năm 2018 giải thích như sau: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. ”. Người có chức vụ, quyền hạn là những người được quy định tại khoản 2, Điều 3 của Luật này, cụ thể “2. Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
a) Cán bộ, công chức, viên chức;
b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;
đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.”
Khái niệm tham nhũng bao gồm hai yếu tố: tham và nhũng. Tham là hám lợi, tư lợi, vụ lợi. Nhũng là lợi dụng quyền hạn chức trách được giao để thỏa mãn lòng tham, lợi ích cá nhân. Mặc dù hiện nay tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về thuật ngữ tham nhũng, nhưng về cơ bản các định nghĩa đều có cách hiểu thống nhất rằng tham nhũng chính là việc lợi dụng chức vụ để vụ lợi.
Từ những phân tích nêu trên, tác giả đưa ra định nghĩa khái quát về tham nhũng như sau: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.
2. Khái niệm “phòng, chống tham nhũng”:
Để thực hiện đấu tranh với các hành vi tham nhũng, pháp luật quốc tế và các quốc gia đã đề ra nhiều biện pháp phòng ngừa, từng bước ngăn chặn, kiềm chế và đẩy lùi tệ nạn này.
Theo Từ điển tiếng Việt, “phòng” được hiểu là “Liệu để có biện pháp tránh, ngăn ngừa hoặc lâm thời đối phó với điều không hay có thể xảy ra”. Còn “chống” được hiểu là “hoạt động ngược lại, gây trở lực cho hành động của ai đó hoặc cho tác động của cái gì”.
Theo đó, phòng tham nhũng được hiểu là việc thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa không để tham nhũng, hoặc nguy cơ tham nhũng xảy ra. Còn chống tham nhũng là những biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng và khắc phục hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra.
Việc phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng được xem là biện pháp được thực hiện sau quá trình kiểm tra, thanh tra, giám sát do các chủ thể có thẩm quyền thực hiện.
Từ những phân tích nêu trên, tác giả đưa ra định nghĩa khái quát về PCTN như sau: Phòng, chống tham nhũng là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn được giao tiến hành các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Phòng, chống tham nhũng nhằm thực hiện các mục đích sau:
3. Mục đích của phòng, chống tham nhũng:
Thứ nhất, PCTN góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước pháp quyền.
Tham nhũng chính là “quốc nạn” của đất nước, là kẻ thù của nhân dân ta; đồng thời cũng chính là một trong những yếu tố đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Theo V.I.Lênin, gắn với quyền lực và quyền lực bị tha hóa nên quan liêu, tham nhũng, tham ô, hối lộ là người bạn đồng hành, là cơ sở, tiền đề cho nhau tồn tại và phát triển trong bộ máy nhà nước. Chúng đều có chung bản chất là lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để tư lợi cá nhân, sống ích kỷ, “ăn bám”, trên sức lao động của người khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Tham ô là trộm cướp… Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng mà nó nằm trong tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta. Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”.
Hành vi tham nhũng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên; làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước trong nhân dân; làm xói mòn bản chất của Đảng và Nhà nước từ đó tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá nhằm lật đổ chế độ của một đất nước. Chính bởi vậy, hoạt động PCTN không đơn thuần chỉ nhằm mục đích là ngăn chặn một hành vi vi phạm pháp luật, mà ý nghĩa quan trọng hơn cả của hoạt động PCTN chính là nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững sự phát triển vững mạnh và sự lãnh đạo của Nhà nước đối với xã hội; làm tăng sự tin tưởng của nhân dân đối với chế độ.
Thứ hai, PCTN góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.
Tác động tàn phá của tham nhũng đối với các quốc gia trên khắp thế giới được thừa nhận. Tham nhũng được xem là một trong những yếu tố gây cản trở trực tiếp tới quá trình chuyển đổi kinh tế xã hội nhanh chóng của các nước đang phát triển hoặc kém phát triển trên thế giới. Những thiệt hại mà tham nhũng gây ra là rất lớn, làm hao tổn nguồn lực kinh tế của quốc gia, làm chậm nhịp tăng trưởng của nền kinh tế, làm cho nền kinh tế của một nước rơi vào tình trạng tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tham nhũng làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, gây khó khăn, cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, với sự tiếp tay, đồng lõa của cán bộ tham nhũng, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu trót lọt máy móc, thiết bị cũ, hàng hoá kém phẩm chất, gây ô nhiễm môi trường, khai man giá trị hàng hoá, trốn thuế, buôn lậu… làm thiệt hại đối với đất nước, với người tiêu dùng, làm môi trường đầu tư bị méo mó, không còn công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tham nhũng còn làm gia tăng thêm gánh nặng về kinh đối với người dân trong điều kiện kinh tế vốn đã khó khăn khi mà buộc phải bỏ thêm các chi phí không chính thức, không hợp pháp. Tham nhũng còn làm cho sự phân hóa về giàu nghèo trong xã hội ngày càng tăng. Các lợi ích kinh tế trong xã hội không được phân chia hợp lý, điều này không chỉ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế mà còn làm tiềm ẩn nguy cơ mâu thuẫn, bất ổn trong xã hội.
Không chống tham nhũng, không ngăn chặn và loại bỏ được tham nhũng thì kinh tế, dù có thể phát triển nhanh trong một giai đoạn, nhưng không thể phát triển ổn định, lâu dài, bền vững. Chính vì vậy, để phát triển kinh tế nhanh và vững chắc, đồng thời không ngừng nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân cần thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa và đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng. Việc tích cực PCTN có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với việc phát triển, tăng trưởng nền kinh tế mà còn có ý nghĩa to lớn, góp phần quan trọng trong việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Thứ ba, PCTN góp phần duy trì các giá trị đạo đức truyền thống, văn hóa của dân tộc, đồng thời làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội khác.
Các hành vi tham nhũng không chỉ gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế, tài sản của Nhà nước và xã hội mà nó còn gây tổn hại nghiêm trọng đến các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc; làm cho các mối quan hệ xã hội mất đi tính lành mạnh, bị “vấy bẩn”. Sự thiếu gương mẫu của người có chức vụ, quyền hạn; những biểu hiện tha hóa, hám lợi, quan liêu, lợi dụng, chức vụ quyền hạn để tư lợi của đội ngũ cán bộ, công chức đã và đang làm cho các giá trị truyền thống của dân tộc như lòng nhân ái, đức hi sinh, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách… bị chà đạp một cách nghiêm trọng. Điều này gây ảnh hưởng rất xấu, làm méo mó các quan hệ xã hội, làm mai một các giá trị đạo đức truyền thống; đồng thời cổ vũ cho lối sống xa hoa, tham lam, ích kỷ, coi trọng đồng tiền phát triển.
Chính vì vậy, để bảo vệ các mối quan hệ xã hội được lành mạnh; giữ gìn và phát triển các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc thì Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội cần chung sức kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ các hành vi tham nhũng và tội phạm về tham nhũng.
Thứ tư, phòng chống tham nhũng góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chế độ.
Nạn tham nhũng ở một số quốc gia trên thế giới hiện nay đã và đang dần trở nên rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng chính là một trong những nguyên nhân chính làm trầm trọng hơn mức độ chênh lệch về thu nhập trong xã hội khi các cán bộ, công chức nhận hối lộ và những người đưa hối lộ để có các đặc quyền trong kinh doanh sẽ mau chóng làm giàu, còn đại đa số dân chúng phải tiếp tục sống trong cảnh nghèo nàn, khó khăn hơn. Khi ngân sách nhà nước bị khiếm hụt vì tham nhũng, nhà nước sẽ phải cắt giảm các hoạt động công ích và phúc lợi (giáo dục, y tế, xã hội). Như vậy, tham nhũng sẽ càng làm gia tăng thêm khoảng cách giàu nghèo, khắc sâu hơn những ấn tượng bất công, kích thích mạnh mẽ sự phẫn nộ của nhân dân đối với chế độ; từ đó làm giảm lòng tin, sự ủng hộ của nhân dân vào chế độ.
Chính vì vậy, để có thể củng cố lòng tin của nhân dân vào chế độ, vào sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước thì phải cần đấu tranh không khoan nhượng với nạn tham nhũng.