Lãnh thổ là một trong các yếu tố cơ bản cấu thành nên quốc gia vì đó là môi trường tự nhiên, là cơ sở vật chất cho sự tồn tại của từng quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Sự phân định lãnh thổ dựa trên cơ sở biên giới quốc gia. Trong phạm vi bài viết này tập trung vào các nội dung sau:
Mục lục bài viết
1. Lãnh thổ quốc tế là gì?
Lãnh thổ là thuật ngữ có nguồn gốc từ từ tiếng La tinh “Tera” có nghĩa là đất đai, Trái Đất, trong luật quốc tế hiện đại, lãnh thổ được xác định là toàn bộ Trái Đất, bao gồm các bộ phận cấu thành là vùng đất, vùng nước, vùng trời, vùng lòng đất và kể cả khoảng không vũ trụ.
Lãnh thổ quốc tế là những bộ phận lãnh thổ được sử dụng chung cho cả cộng động quốc tế như biển quốc tế, vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế, vùng trời quốc tế, vùng đáy biển quốc tế, khoảng không vũ trụ (kể cả Mặt trăng và các hành tinh) và Châu Nam cực.
Đối với lãnh thổ quốc tế, tất cả các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế đều có quyền bình đẳng sử dụng với mục đích hòa bình và phát triển. Nguyên tắc chung được ghi nhận tại các ngành luật của hệ thống luật quốc tế như Nguyên tắc tự do biển cả (trong Luật biển quốc tế); nguyên tắc tự do bay trong vùng trời quốc tế (Luật hàng không quốc tế); nguyên tắc vùng và di sản trên vùng là di sản chung của nhân loại; nguyên tắc tự do nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ (trong Luật vũ trụ quốc tế). Tính chất sở hữu quốc tế không chấp nhận việc bất cứ một quốc gia nào xác lập chủ quyền hoặc quyền chủ quyền của mình đối với bất kỳ một bộ phận nào của lãnh thổ quốc tế.
Lãnh thổ quốc tế trong Tiếng anh là “International territory”.
2. Lãnh thổ quốc gia trong Luật Quốc tế:
2.1. Khái niệm lãnh thổ quốc gia:
Lãnh thổ quốc gia là một phần của Trái Đất, bao gồm vùng đất, vùng nước, vùng trời và vùng lòng đất, thuộc chủ quyền hoàn toàn, riêng biệt hoặc tuyệt đối của một quốc gia. Lãnh thổ quốc gia là toàn vẹn và bất khả xâm phạm.
Lãnh thổ quốc gia bao gồm các bộ phận sau:
– Vùng đất là bộ phận lãnh thổ mà không một quốc gia nào không có. Vùng đất gồm có đất liền của lục địa và các đảo thuộc chủ quyền quốc gia.
– Vùng nước: là toàn bộ các vùng nước nằm phía trong đường biên giới của quốc gia trên biển, gồm vùng nước nội thủy (vùng nước biển nằm phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển của quốc gia- trong nội thủy, quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối); vùng nước lãnh hải (vùng nằm phía trong đường biên giới biển của quốc gia, giáp với đường cơ sở- trong lãnh hải, quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ).
– Vùng trời: là khoảng không gian bao trùm trên vùng đất, vùng nước của quốc gia, được xác định bởi đường biên giới bao quanh và đường biên giới trên cao của vùng trời quốc gia.
– Vùng lòng đất: là phần đất nằm dưới vùng đất, vùng nước của quốc gia.
2.2. Quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ:
Quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ được thể hiện ở hai phương diên cơ bản:
Một là, phương diện quyền lực.
– Quyền lực này mang tính hoàn toàn, riêng biệt, không chia sẻ với bất cứ quốc gia nào khác và là chủ quyền thiêng liêng của từng quốc gia.
– Quốc gia thực hiện quyền tài phán của mình đối với người và tài sản trong phạm vi lãnh thổ một các không hạn chế (trừ trường hợp vì lợi ích của toàn thể cộng đồng hay vì lợi ích của một quốc gia nhất định và ý chí chủ quyền của nhân dân). Trên phạm vi lãnh thổ, quốc gia được tiến hành mọi hoạt động với điều kiện các hành vi đó không bị luật quốc tế cấm.
– Quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ khôn loại trừ các ngoại lệ đã xuất hiện trong thực tiễn quan hệ quốc tế như không áp dụng luật nước mình đối với công dân nước ngoài trên lãnh thổ nước mình (viên chức ngoại giao-lãnh sự) hoặc không loại bỏ hiệu lực của luật nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ của mình nếu điều này được quy định trong luật quốc gia cũng như trong điều ước quốc tế.
– Đi đối với việc thực hiện chủ quyền lãnh thổ, quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng và bảo đảm quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ của quốc gia khác.
Hai là, về phương diện vật chất.
– Theo quan niệm đúng đắn được chấp nhân rộng rãi thì môi trường tự nhiên của quốc gia- đất đai, nước, không gian,…là nội dung vật chất của lãnh thổ quốc gia và thuộc về quốc gia trong phạm vi được giới hạn bởi đường biên giới quốc gia.
– Quốc gia có quyền sở hữu một cách đầy đủ, trọn vẹn trên cơ sở phù hợp với lợi ích của cộng đồng dân cư sống trên vùng lãnh thổ đó và phù hợp với các quyền dân tộc cơ bản. Mọi sự thay đổi hoặc định đoạt liên quan đến số phận của mổt vùng đất nào đó của lãnh thổ quốc gia phải dựa trên quyền dân tộc tự quyết mới được coi là hợp pháp.
Quy chế pháp lý dành cho lãnh thổ quốc gia.
Nội dung quy chế pháp lý của lãnh thổ quốc gia thể hiện qua các văn bản pháp luật quốc gia:
– Quyền tự do lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng dân cư sống trên lãnh thổ.
– Quyền tự do lựa chọn phương hướng phát triển đất nước, thực hiện những cải cách kinh tế- xã hội phù hợp với các đặc điểm của quốc gia.
– Quyền tự quy định chế độ pháp lý đối với từng vùng lãnh thổ quốc gia.
– Quyền sở hữu hoàn toàn đối với tất cả tài nguyên thiên nhiên trong lãnh thổ của mình.
– Thực hiện quyền tài phán đối với mọi công dân, tổ chức, kể cả các cá nhân, tổ chức nước ngoài trong phạm vi lãnh thổ quốc gia (trừ trường hợp pháp luật quốc gia hoặc điều ước quốc tế mà quốc gia tham gia hoặc ký kết có quy định khác),…
2.3. Xác lập chủ quyền lãnh thổ:
Trước đây, khi chiến tranh được coi là phương tiện hợp pháp để giải quyết các tranh chấp quốc tế thì cơ sở xác lập chủ quyền lãnh thổ và thay đổi lãnh thổ quốc gia chủ yếu thông qua chiến tranh xâm chiếm lãnh thổ. Hiện nay, luật quốc tế hiện đại căn cứ xác lập danh nghĩa chủ quyền quốc gia thông quan phương thức thụ đặc lãnh thổ hợp pháp. Thực tiễn có hai phương thức thụ đắc lãnh thổ:
– Thụ đắc lãnh thổ bằng phương thức chiếm cứ hữu hiệu: chiếm cứ hưu hiệu được hiểu là hành động của một quốc gia nhằm mục đích thiết lập và thực hiện quyền lực của mình trên một lãnh thổ vốn không phải là bộ phận của lãnh thổ quốc gia với ý nghĩa thụ đắc lãnh thổ đó. Đối thượng lãnh thổ được áp dụng phương thức thụ đặc hữu hiệu là lãnh thổ vô chủ hoặc lãnh thổ bị bỏ rơi. Nội dung của chiếm cứ hữu hiệu: Đó là sự chiếm cứ hợp pháp (đúng đối tượng và bằng biện pháp hòa bình).; phải có sự chiếm cứ thật sự (biểu hiện cụ thể của hành vi chiếm cứ thật sự là đưa công dân của nước mình tới định cư trên lãnh thổ mới, thiết lập trên đó bộ máy quản lý hành chính, chính thức đưa vào bản đồ quốc gia vùng lãnh thổ mới đó,…); chiếm cứ phải liên tục, hòa bình trong một thời gian dài không có tranh chấp; việc chiếm cứ lãnh thổ phải được thực hiện với mục đích nhằm tạo ra một danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ.
– Thụ đắc lãnh thổ dựa trên sự chuyển nhượng tự nguyện: Đây là sự chuyển gio một cách hòa bình danh nghĩa chủ quyền trên một lãnh thổ từ quốc gia này sang quốc gia khác, thông qua nhiều hình thức qua điều ước quốc tế, qua trao đổi, mua bán.
3. Biên giới quốc gia theo Luật Quốc tế:
3.1. Khái niệm:
Biên giới quốc gia là ranh giới phân định lãnh thổ của quốc gia này với lãnh thổ của quốc gia khác hoặc với các vùng mà quốc gia có quyền chủ quyền trên biển. Ranh giới này được ghi nhận trên bản đồ và được đánh dấu trên thực địa hoặc là mặt thẳng đứng đi qua đường ranh giới nói trên xác định giới hạn bên ngoài của lãnh thổ quốc gia.
Biên giới quốc gia bao gồm:
– Biên giới trên bộ là đường biên giới được xác định trên đất liền, trên đảo, trên sông, hồ, kênh, biển nội địa,…
– Biên giới trên biển là đường vạch ra để phân định vùng lãnh hải của quốc gia với vùng biển tiếp liền mà quốc gia ven bờ có quyền chủ quyền hoặc với nội thủy, lãnh hải của quốc gia khác có bờ biển đối diện hay kề bên bờ biển của quốc gia này.
– Biên giới trên không và biên giới lòng đất: được luật quốc tế thừa nhận chung dưới dạng tập quán quốc tế trên cơ sở của đường biên giới trên bộ, trên biển.
3.2. Xác định biên giới quốc gia:
Việc xác định biên giới quốc gia phải dựa trên các nguyên tắc của luật quốc tế, trong đó nguyên tắc thỏa thuận là nguyên tắc cao nhất trong xác đinh biên giới quốc gia.
Xác định biên giới quốc gia trên bộ
– Hoạch định biên giới quốc gia: Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng với những hoạt động pháp lý nhằm xác định vị trí, hướng đi của đường biên giới. Phương pháp hoạch định là thông qua đàm phán và các con đường hòa bình khác.
– Phân giới và cắm mốc thực địa: phân giới là quá trình thực địa hóa đường biên giới trong hiệp định. Đây là công việc mang tính vật chất, cụ thể để đưa đường biên giới được hoạch định trong các văn bản và bản đồ ra thực địa, cố định nó bằng các mốc dấu quốc giới với các phương pháp kỹ thuật đo đạc chính xác. Các mốc dấu biên giới đóng vai trò là cơ sở để xác định vị trí, hướng đi của đường biên giới trên thực địa.
Xác định biên giới quốc gia trên biển.
Xác định biên giới quốc gia trên biển là vạch đường để phân định vùng lãnh hải của quốc gia với vùng biển tiếp liền mà quốc gia ven bờ có quyền chủ quyền sau khi xác định cụ thể đường biên giới trên biển, quốc gia phải công bố công khai, chính thức và thể hiện rõ ràng trên hải đồ tỷ lệ lớn.