Khái niệm đồng phạm, thế nào bị coi là đồng phạm? Định nghĩa đồng phạm theo quy định tại Bộ luật hình sự hiện hành.
Khái niệm người đồng phạm
Trong thực tiễn, một tội phạm có thể do một người thực hiện hoặc có thể do hai hay nhiều người cùng tham gia thực hiện. Khi những người này cùng chung hành động và cùng cố ý thực hiện một tội phạm cụ thể thì gọi là đồng phạm. Đồng thời, những người tham gia thực hiện vụ án có đồng phạm đó được gọi là những người đồng phạm.
Trong Luật hình sự, đồng phạm là một hình thức phạm tội có những đặc điểm riêng biệt và được coi là một chế định có liên quan, bổ sung cho chế định tội phạm trong Luật hình sự Việt Nam. Vấn đề đồng phạm, người đồng phạm trong Luật hình sự Việt Nam đã được quy định từ sớm; ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, một số văn bản PLHS được ban hành về việc trừng trị một số tội phạm cụ thể, trong đó có quy định việc xử lý các trường hợp cộng phạm theo nguyên tắc: “những người tòng phạm hoặc ca trữ những tang vật của các tội phạm cũng bị xử phạt như chính phạm”.
Sau này có một số văn bản PLHS đã quy định nguyên tắc xử lý có sự phân hóa, cụ thể như khi xét xử các
Để có cơ sở pháp lý thống nhất cho việc xử lý về hình sự đối với những trường hợp nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm, Điều 17 BLHS năm 1985 đã sử dụng thuật ngữ đồng phạm để thay cho khái niệm cộng phạm, tòng phạm. Khoản 1, khoản 2 Điều 17 BLHS năm 1985 định nghĩa trường hợp “hai hoặc nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm là đồng phạm” và “Người thực hành, người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm”. Khoản 1 Điều 20 BLHS năm 1999 (sửa đổi năm 2009) đã có sửa đổi nhất định bảo đảm định nghĩa về đồng phạm được chính xác hơn như sau: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Khoản 1, khoản 2 Điều 17 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017) đã kế thừa toàn bộ định nghĩa của BLHS năm 1999 trên về đồng phạm và người đồng phạm.
Theo GS.TSKH. Lê Văn Cảm thì “đồng phạm là hình thức phạm tội do cố ý được thực hiện với sự cố ý cùng tham gia của từ 02 người trở lên” hay “đồng phạm là hình thức phạm tội do cố ý được thực hiện với sự cố ý cùng tham gia của từ 02 chủ thể phạm tội trở lên”. Theo PGS.TS. Trịnh Tiến Việt thì “đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng tham gia vào việc thực hiện một hay nhiều tội phạm do cố ý”.
Từ các định nghĩa khoa học về đồng phạm đã được đưa ra trên đây, có thể thấy rằng, đồng phạm đòi hỏi phải có các dấu hiệu pháp lý đặc trưng chung và bắt buộc về mặt khách quan và chủ quan như sau: Về mặt khách quan, để được coi là tội phạm được thực hiện có đồng phạm thì tội phạm đó phải thỏa mãn ba dấu hiệu đặc trưng và bắt buộc là: phải có sự cùng tham gia của từ hai người trở lên vào việc thực hiện một tội phạm; những người tham gia vào việc thực hiện tội phạm phải cùng chung hành động (hay liên hiệp hành động); đồng thời, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội của mỗi người và hậu quả phạm tội chung do hành vi đó gây nên. Về mặt chủ quan, để được coi là tội phạm được thực hiện có đồng phạm thì đặc trưng chung là phải có sự cùng cố ý của tất cả những người cùng tham gia vào thực hiện tội phạm do cố ý, với các dấu hiệu cơ bản bắt buộc như: Những người tham gia phải biết được hoạt động phạm tội của từng người hoặc của ít nhất một người trong số họ; họ đều ý thức được rằng hành vi của mình cùng với những hành vi của những người khác đã phạm tội hoặc góp phần thực hiện tội phạm; Và họ đều cùng mong muốn hoặc cùng có ý thức để mặc cho hậu quả chung nguy hiểm cho xã hội xảy ra. “Sự cùng cố ý phạm tội làm cho ý chí của những người đồng phạm được thống nhất với nhau và hành động phạm tội của mỗi người đều thống nhất trong sự chi phối chung của sự cùng cố ý phạm tội”. Lỗi của họ là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp.
Trong vụ đồng phạm, lỗi của những người tham gia có thể đều là lỗi cố ý trực tiếp hoặc đều là lỗi cố ý gián tiếp và cũng có thể “đồng thời có cả lỗi cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp”. Ngoài ra, đồng phạm chỉ đặt ra đối với những trường hợp phạm tội cố ý. Bởi lẽ, đối với những trường hợp phạm tội vô ý, người phạm tội không có ý định phạm tội, không có sự thỏa thuận, bàn bạc cùng nhau thực hiện tội phạm, không mong muốn hoặc không bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Giữa họ không có sự cùng cố ý nên không có đồng phạm xảy ra. Trong trường hợp đồng phạm về những tội có mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, thì những người đồng phạm cũng phải có cùng mục đích phạm tội đó (tức là những người tham gia cùng có chung mục đích được phản ánh trong cấu thành tội phạm cụ thể hoặc biết rõ và tiếp nhận mục đích đó). Nếu không thỏa mãn dấu hiệu cùng mục đích phạm tội thì sẽ không có đồng phạm.
Trong trường hợp này những người tham gia sẽ chịu TNHS riêng lẻ với nhau.
Như vậy, để xác định một tội phạm được thực hiện có đồng phạm hay không thì đều phải xem xét các dấu hiệu về mặt khách quan và chủ quan, trong đó dấu hiệu số lượng chủ thể là vấn đề đáng lưu ý nhất. Những chủ thể này phải thoả mãn các dấu hiệu của chủ thể của tội phạm. Trong khoa học Luật hình sự, chủ thể của tội phạm là “đó là người đã có lỗi (cố ý hoặc vô ý) trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm, có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS theo luật định (ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể còn có một số dấu hiệu bổ sung đặc biệt do quy phạm PLHS tương ứng quy định)”. Trong vụ án có đồng phạm, những chủ thể này được gọi là người đồng phạm.
Qua ba lần pháp điển hóa, BLHS Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa riêng về người đồng phạm mà chỉ quy định người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Theo GS.TSKH. Lê Văn Cảm, người đồng phạm “là người cố ý cùng tham gia vào việc thực hiện tội phạm do cố ý với những người khác và đóng vai trò là người thực hành, người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức”.
Theo tác giả Mai Lan Ngọc: “Người đồng phạm là người thoả mãn các dấu hiệu chủ thể của tội phạm, đã cố ý tham gia vào việc thực hiện tội phạm do cố ý cùng với người khác”.
Do vậy, trên cơ sở tham khảo quan điểm của các tác giả trên đây, nên chăng có thể định nghĩa: Người đồng phạm là những chủ thể của tội phạm cố ý cùng tham gia vào việc thực hiện tội phạm do cố ý với những người khác.
Một là, các loại người đồng phạm là một vấn đề thuộc chế định nhỏ về đồng phạm, nằm trong chế định lớn tội phạm của PLHS. Căn cứ vào tính chất sự tham gia của từng người đồng phạm vào việc thực hiện tội phạm mà Luật hình sự Việt Nam chia người đồng phạm thành: người thực hành, người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức; đồng thời đưa ra những định nghĩa khoa học đối với từng loại người đồng phạm. Việc phân loại này có ý nghĩa trong việc đánh giá một cách khoa học và khách quan hành vi của mỗi người, cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của từng hành vi này, để từ đó xác định TNHS cụ thể đối với từng người.
Hai là, đồng phạm là một hình thức phạm tội đặc biệt nên cơ sở, phạm vi và nguyên tắc xác định TNHS trong đồng phạm có những điểm khác so với trường hợp phạm tội do một người độc lập thực hiện. Luật hình sự Việt Nam đã đưa ra những nguyên tắc xác định TNHS đối với những người đồng phạm trong trường hợp đồng phạm hoàn thành, cụ thể: Nguyên tắc tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm đã thực hiện, nguyên tắc mỗi người đồng phạm phải chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện vụ đồng phạm và nguyên tắc cá thể hóa TNHS của những người đồng phạm. Việc nghiên cứu áp dụng các nguyên tắc xác định TNHS trong đồng phạm trong trường hợp đồng phạm hoàn thành là cơ sở cho việc xác định TNHS cho các loại người đồng phạm trong trường hợp đồng phạm chưa hoàn thành và trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của các loại người đồng phạm.