Khái quát chung về người lao động nước ngoài. Khái niệm người lao động nước ngoài, đặc điểm về người lao động nước ngoài.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm về người lao động nước ngoài:
Ngày nay, ngày càng gia tăng đáng kể sự dịch chuyển lao động từ khu vực này sang khu vực khác, đặc biệt là từ nước này sang nước khác trong quá trình quốc tế hóa nền kinh tế thế giới. Đối với những nước đang phát triển, việc gửi lao động nước mình đi làm việc ở nước ngoài cũng như việc có những chính sách thu hút lao động nước ngoài vào các ngành kinh tế nước mình có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế của quốc gia đó. Để tiếp cận những vấn đề lý luận về QLLĐ đối với NLĐNN thì việc làm rõ khái niệm NLĐNN là điều cần thiết. Từ đó, xác định các vấn đề liên quan tới việc quản lý, pháp luật quản lý NLĐNN một cách cụ thể, chính xác.
Thực tế ở một số nước phát triển trên thế giới cho thấy cùng với việc thu hút lực lượng lao động có tri thức cao, trình độ tay nghề tốt thì họ còn thu hút những lao động thủ công từ các nước đang phát triển nhằm phục vụ các nhu cầu của xã hội. Những LĐNN di chuyển tới một quốc gia khác mà mình không mang quốc tịch để sinh sống và làm việc được gọi là “lao động di trú”.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) quan điểm rằng:
Lao động di trú là khái niệm chỉ một người di trú từ một nước này sang một nước khác để làm việc vì lợi ích của chính mình và bao gồm bất kỳ người nào đã được thường xuyên thừa nhận là lao động di trú ngoại trừ công nhân biên phòng; sự gia nhập ngắn hạn của các thành viên của các ngành nghề và nghệ sĩ tự do; thủy thủ. quan điểm này có thể hiểu rằng những khác biệt về lãnh thổ và biên giới quốc gia, sự di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác là những dấu hiệu quan trọng để nhận biết lao động di trú. NLĐ đã được thừa nhận là lao động di trú tức là những người lao động di cư hợp pháp, được chấp nhận của nước đến được áp dụng quan điểm này.
Một trong ba Công ước quốc tế quan trọng về quyền của NLĐ di trú có thể kể đến Công ước quốc tế về quyền của NLĐ di trú và các thành viên trong gia đình họ theo nghị quyết A/RES/45/158 (International Convention on the Protection of the Rights of All Migrant Worker and Members of their families), đây có thể được coi là điều ước quốc tế trực tiếp nhất và toàn diện nhất về quyền của NLĐ. Tại Điều 2 Khoản 1 Công ước đưa ra thuật ngữ “người lao động di trú” chỉ một người đã, đang và sẽ làm một công việc có hưởng lương tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân thì lao động di trú này phải đáp ứng được các điều kiện sau:
Thứ nhất, đối tượng là “Một người đã, đang và sẽ làm một công việc” được hiểu là NLĐ di trú bao gồm những NLĐ đã làm việc, đang làm việc và chuẩn bị làm một công việc tại một quốc gia mà mình không mang quốc tịch.
Thứ hai, “công việc có hưởng lương” được hiểu là tính chất công việc, việc di trú sang một quốc gia khác để thực hiện công việc và nhận lương để người NLĐ di trú có thu nhập và trang trải cuộc sống.
Thứ ba, địa điểm làm việc là “tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân” được xác định là phạm vi làm việc là ngoài lãnh thổ quốc gia nơi mà NLĐ mang quốc tịch.
Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 2 Công ước cũng đưa ra những quy định về các hình thức làm việc của NLĐ di trú đặt ra một tiêu chuẩn đạo đức, quyền của người di cư ở một quốc gia đã được kích thích và thúc đẩy, đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì thế, nhiều quốc gia trên thế giới đã phê chuẩn Công ước này. Với định hướng phát triển kinh tế xã hội, phát triển nguồn nhân lực là một trong những đột phá phát triển của Việt Nam.
Pháp luật Việt Nam không định nghĩa về khái niệm NLĐNN. Đối với Việt Nam, thì tùy theo góc độ nhìn nhận và đáng giá trong từng lĩnh vực mà “người nước ngoài” được định nghĩa theo các cách khác nhau. Theo các văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam, đối tượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được đề cập, tuy nhiên chưa có sự thống nhất khi nói về khái niệm “người lao động nước ngoài”. Quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định “người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam” thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật, tuy nhiên không có quy định cụ thể về khái niệm người lao động nước ngoài mà quy định về các điều kiện để “lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam” (Mục 3 Chương XI của Bộ luật Lao động). Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về điều kiện để công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam tại Điều 169 của Bộ luật, ngoài ra nội dung về các hình thức làm việc tại Việt Nam của lao động nước ngoài được quy định tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP. Các quy định này không quy định cụ thể định nghĩa khái niệm người lao động nước ngoài như quy định của một số nước như Singapore hoặc Philipines nhưng từ đó ta có thể thấy pháp luật Việt Nam xác định người lao động nước ngoài thông qua dấu hiệu đầu tiên là quốc tịch, người lao động nước ngoài là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Qua tìm hiểu các khái niệm về “người lao động di trú”, “người lao động nước ngoài”, “người lao động” trong các điều ước quốc tế, các quy định pháp luật của các quốc gia khác, có thể thấy rằng pháp luật lao động Việt Nam đang có sự đồng nhất giữa hai đối tượng “người nước ngoài làm việc tại Việt Nam” và “người lao động nước ngoài”, trong khi đó về mặt lý luận thì khái niệm người nước ngoài làm việc tại Việt Nam rộng hơn khái niệm người lao động nước ngoài. Do đó luận văn xin tiếp thu khái niệm của luận án tiến sĩ của tác giả Nguyễn Thu Ba (2017) “
2. Đặc điểm của người lao động nước ngoài:
Pháp luật quốc tế cũng như Việt Nam có sự tương đồng trong việc xác định đặc điểm của lao động nước ngoài, gồm ba đặc điểm chính sau:
Thứ nhất, về quốc tịch
Để một người được xác định là lao động di trú theo Công ước ICRMW 1990 thì cần có điều kiện người đó không phải là công dân của quốc gia nơi đang thực hiện công việc. Đặc điểm về quốc tịch này bao hàm cả những người được sinh ra trên lãnh thổ của quốc gia nước ngoài, mang quốc tịch nước ngoài, chưa có sự dịch chuyển qua biên giới của một nước, nhưng vẫn được coi là người lao động di trú. Đây là trường hợp là con hoặc cháu của những người lao động nước ngoài được sinh ra tại nước ngoài, được nuôi dưỡng và tiếp tục làm việc tại quốc gia sở tại, và vẫn được coi là người lao động di trú theo tiêu chí quốc tịch. Trong pháp luật Việt Nam, Bộ luật Lao động năm 2019 không quy định khái niệm người lao động nước ngoài mà chỉ có các điều kiện để lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Cụ thể, Điều 151 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định “Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt nam phải có đủ các điều kiện sau đây..”. Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về đối tượng áp dụng tại Điều 2 có đoạn “Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (sau đây viết tắt là người lao động nước ngoài) theo các hình thức sau đây…”. Như vậy, có thể thấy Việt Nam không có quy định về định nghĩa khái niệm người lao động nước ngoài như một số nước nhưng có thể thấy dấu hiệu xác định người lao động nước ngoài theo pháp luật Việt Nam có dấu hiệu quốc tịch
Người lao động nước ngoài là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Thứ hai, về khả năng di chuyển
Trong pháp luật quốc tế, Công ước số 97 và 143 của ILO, đặc điểm về khả năng di chuyển của lao động nước ngoài được quy định trong khái niệm người lao động di trú thông qua tiêu chí về khả năng dịch chuyển. Theo Điều 1 Công ước số 97 của ILO, thuật ngữ người di trú vì việc làm được hiểu là một người di cư từ một quốc gia này tới một quốc gia khác để tìm kiếm việc làm, bao gồm bất kỳ người nào được tuyển dụng một cách lâu dài như là một người di trú vì việc làm. Khái niệm trong công ước số 97 của ILO chỉ xác định khái niệm người lao động di trú thông qua mục đích di chuyển của người lao động, đó là vì mục đích làm việc, không phải vì mục đích kết hôn, thăm quan, du lịch … Có thể thấy rằng, vì mục đích thực hiện công việc trả lương thì mục đích di chuyển là đặc điểm nổi bật của người lao động nước ngoài.
NLĐNN đến quốc gia sở tại làm việc thì tất yếu phải có quá trình cá nhân NLĐ phải có sự di chuyển về mặt cơ học từ quốc gia này sang quốc gia khác để cư trú làm việc và thực hiện công việc, dùng sức lao động của mình để hoàn thành công việc. Khi làm việc hay ra khỏi quốc gia sở tại, NLĐNN phải tiến hành các thủ tục nhập cảnh tại nước sở tại. Như vậy, NLĐNN còn là đối tượng điều chỉnh của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người lao động nước ngoài theo pháp luật tại quốc gia sở tại nơi họ đang sinh sống và làm việc.
Thứ ba, về tư cách người lao động trong quan hệ lao động.
Theo quy định tại Điều 2 Công ước ICRMW 1990 đặc điểm về tư cách người lao động trong quan hệ lao động được xác định là: làm một công việc có hưởng lương. NLĐNN đến nước sở tại hay còn gọi là nước tiếp nhận với mục đích là tìm một công việc có hưởng lương. Mục đích này được xác định để phân biệt với những người nước ngoài đến các nước khác với mục đích du lịch, học tập, chữa bệnh hay làm tình nguyện và những người này không được xác định là người lao động.
Như vậy một đặc điểm xác định tư cách của người lao động nước ngoài là: người lao động là người thực hiện công việc để nhằm mục đích hưởng lương, đồng thời người lao động chịu sự giám sát, điều hành, quản lý từ phía người sử dụng lao động. Dấu hiệu này nhằm phân biệt khái niệm người lao động với khái niệm lao động tự do hoặc tự thân lao động (self – employed). Khái niệm người lao động về cơ bản là trái ngược với khái niệm lao động tự do, người lao động có sự phụ thuộc, hạn chế tự do nhất định trong việc thực hiện công việc cho người sử dụng lao động, có thể thấy được sự tự do liên quan đến việc thực hiện công việc là dấu hiệu cơ bản để phân biệt người lao động tự do và người lao động di trú theo Công ước của ILO.
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chỉ là một bộ phận của nhóm người nước ngoài làm việc tại Việt Nam do đó “Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam” và “Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam” là hai khái niệm không đồng nhất … Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm việc không theo hợp đồng lao động, mà theo hình thức chào bán, cung cấp dịch vụ hoặc thực hiện hợp đồng không phải hợp đồng lao động thì những người đó không được coi là người lao động nước ngoài vì họ không phải là một bên của quan hệ lao động, thực hiện công việc do người sử dụng lao động giao và hưởng lương từ người sử dụng lao động. Quan điểm này được thể hiện trong các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động tại Việt Nam quy định tại Điều 154 Bộ luật Lao động năm 2019, đó là:
(i) người nước ngoài là thành viên góp vốn hoặc là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn,
(ii) người nước ngoài là thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần,
(iii) người nước ngoài vào Việt Nam để chào bán dịch vụ với thời hạn dưới 03 tháng.