hi hành án cải tạo không giam giữ là gì? Khái niệm, đặc điểm thi hành án cải tạo không giam giữ.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm thi hành án cải tạo không giam giữ:
Theo Từ điển Luật học: “cải tạo không giam giữ là việc buộc người phạm tội phải tự cải tạo dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội nơi họ làm việc hoặc cư trú qua việc phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định”. Từ sau năm 1945, cải tạo không giam giữ được đề cập đầu tiên trong Luật nghĩa vụ quân sự được Quốc hội thông qua ngày 30/12/1981. Lần đầu được coi là hình phạt ở BLHS năm 1985, tiếp đó được cải thiện bổ sung ở BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung 2009) và nay là BLHS 2012 (sửa đổi bổ sung 2017). Hiện nay hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định tại Điều 36 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) nội dung như sau:
(1) Đối tượng được áp dụng: đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng (tương tự cũng được quy định ở BLHS 1999, sửa đổi bổ sung 2009);
(2) Thời gian cải tạo không giam giữ được quy định: từ sáu tháng đến ba năm (tương tự cũng được quy định ở BLHS 1999, sửa đổi bổ sung 2009);
(3) Quy định về cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục và sự phối hợp của gia đình trong việc giám sát giáo dục người chấp hành án (tương tự cũng được quy định ở BLHS 1999, sửa đổi bổ sung 2009);
(4) Quy định về việc khấu trừ phần trăm thu nhập (tương tự cũng được quy định ở BLHS 1999, sửa đổi bổ sung 2009). Tuy nhiên ở BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định cụ thể hơn về việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng. Ngoài ra người chấp hành án bị mất việc hoặc không có việc làm phải thực hiện những công việc lao động công ích phục vụ cộng đồng.
Từ những quy định của pháp luật có thể thấy: Cải tạo không giam giữ là loại hình phạt không tước tự do, không buộc người phạm tội phải cách ly khỏi gia đình, nơi làm việc cũng như xã hội nói chung. Nội dung chính của hình phạt này là việc buộc một người bị kết án phải chịu sự giám sát, giáo dục của các cơ quan, tổ chức. Người bị kết án phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo, tự kiểm điểm định kỳ và có thể phải nộp 5% đến 20% thu nhập hàng tháng để sung quỹ nhà nước hoặc phải lao động công ích phục vụ cộng đồng. Thời hạn cải tạo không giam giữ từ 6 tháng đến 3 năm. Hình phạt này được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, có nơi làm việc hoặc nơi thường trú rõ ràng và khi các điều kiện khác cho thấy họ có thể tự cải tạo, giáo dục mà không cần thiết phải cách ly ra khỏi xã hội.
Thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo có đặc điểm chung là không phải cách ly người chấp hành án ra khỏi xã hội. Tuy nhiên cần khẳng định cải tạo không giam giữ và án treo là hai loại chấp hành án hoàn toàn khác nhau. Cải tạo không giam giữ là hình phạt chính còn án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Trên cơ sở nội dung đã phân tích, tác giả rút ra nhận xét về đặc điểm của hình phạt cải tạo không giam giữ như sau:
Thứ nhất, cải tạo không giam giữ là hình phạt chính mà
Thứ hai, bản chất của hình phạt cải tạo không giam giữ vẫn là sự hạn chế tự do thể hiện ở việc người bị kết án tù được cải tạo, giáo dục tại địa phương nhưng bản thân họ tự hiểu rằng mọi việc làm của họ đều bị theo dõi, giám sát, hoàn toàn không được tự do như bình thường.
Thứ ba, cải tạo không giam giữ có nội dung, điều kiện và giới hạn áp dụng cụ thể riêng so với các hình phạt khác. Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ, bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ nhà nước hoặc phải lao động công ích phục vụ cộng đồng.
Trên cơ sở phân tích quy định của pháp luật về hình phạt cải tạo không giam giữ, xuất phát từ bản chất của loại hình phạt cải tạo không giam giữ, có thể đưa ra khái niệm cải tạo không giam giữ là hình phạt chính trong hệ thống hình phạt; tạo điều kiện cho người bị phạt tù được cải tạo, học tập trong môi trường xã hội bình thường, khuyến khích họ cải tạo thành người có ích; được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng đang có nơi làm việc ổn định hoặc thường trú rõ ràng và xét thấy không cần phải cách ly họ ra khỏi xã hội.
Có quan điểm cho rằng nên bỏ loại hình phạt cải tạo không giam giữ vì cho rằng điều kiện áp dụng, tổ chức thi hành giống với hình phạt tù cho hưởng án treo như: (1) Về điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt tù cho hưởng án treo là: Người phạm tội nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng và xét thấy không cần thiết phải cách ly họ ra khỏi xã hội; (2) Về thi hành án phạt cải tạo không giam giữ và thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo đều cho người bị kết án được cải tạo, giáo dục ở ngoài xã hội, ở cộng đồng dân cư nơi sinh sống, làm việc của người chấp hành án; (3) Ngoài ra trong thực tế số lượng án phạt cải tạo không giam giữ ít hơn rất nhiều so với số lượng án phạt tù cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, tác giả cho rằng không thể bỏ hình phạt cải tạo không giam giữ, bởi lẽ cải tạo không giam giữ là một loại hình phạt chính không tước tự do. Còn thi hành án treo lại là một biện pháp tha tù có điều kiện, khi người chấp hành án vi phạm điều kiện thì sẽ bị áp dụng hình phạt tù. Như vậy, có thể thấy thi hành án treo có phần nghiêm khắc hơn so với hình phạt cải tạo không giam giữ. Sự nghiêm khắc hơn thể hiện trước hết ở điều kiện cho hưởng án treo là hết sức chặt chẽ nó căn cứ vào nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ của người phạm tội; còn hình phạt cải tạo không giam giữ không quy định bắt buộc điều kiện về nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ mà chỉ cần đáp ứng điều kiện về loại tội và nơi cư trú rõ ràng, Tòa án xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội. Ngoài ra, mặc dù án treo không phải là hình phạt, song về bản chất là quá trình tạm thời miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, tức là trong thời gian thử thách hình phạt tù do Tòa án đã tuyên trong bản án đó vẫn đang tồn tại và sẵn sàng áp dụng ngay nếu các điều kiện tạm miễn chấp hành hình phạt tù bị mất đi. Hơn nữa, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ phù hợp với đường lối xử lý tội phạm trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền và chủ trương của Bộ chính trị tại Nghị quyết 49-NQ-TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: “Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ với một số loại tội phạm”.
Như vậy, cải tạo không giam giữ là một hình phạt được quy định trong BLHS, được thể hiện cụ thể bằng bản án hình sự hoặc quyết định THAHS của Tòa án, việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ là một bộ phận của THAHS và phải được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện nghiêm túc theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ nhằm tạo điều kiện cho người kết án phạt cải tạo không giam giữ lao động, học tập và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường, dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội, cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc UBND xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú và gia đình người đó. Theo quy định tại Luật THAHS năm 2019:
Thi hành án phạt cải tạo không giam giữ là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này giám sát, giáo dục người chấp hành án tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập; khấu trừ một phần thu nhập sung quỹ nhà nước, giám sát việc thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Luật THAHS 2019 có đổi mới hơn Luật THAHS 2010 ở việc bổ sung việc lao động phục vụ cộng đồng và quy định cụ thể hơn việc giám sát giáo dục người chấp hành án ở nơi cư trú, nơi làm việc, học tập chứ không quy định chung chung tại xã, phường, thị trấn.
2. Đặc điểm thi hành án cải tạo không giam giữ:
Ngoài đặc điểm chung của THAHS, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ còn có một số đặc điểm khác:
Một là, so với thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ có thêm thủ tục miễn chấp hành án. Điều này xuất phát từ bản chất của cải tạo không giam giữ là một trong những hình phạt chính, còn án treo là miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.
Hai là, do thi hành án phạt cải tạo không giam giữ là quá trình thi hành hình phạt chính nên đồng thời còn bao gồm cả việc cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện khấu trừ một phần thu nhập của người chấp hành án (từ 5% đến 20% thu nhập) hằng tháng mà Tòa án đã ấn định để sung quỹ nhà nước hoặc bố trí công việc lao động phục vụ cộng đồng cho người chấp hành án. Bên cạnh đó có thể diễn ra quá trình thi hành hình phạt bổ sung kèm theo bản án quyết định của Tòa án có thẩm quyền nếu có.
Ba là, quá trình thi hành án phạt cải tạo không giam giữ không nghiêm khắc hơn thi hành án treo, thể hiện rõ nét ở chỗ thời gian đã chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ sẽ được xem xét để giảm trừ khi tổng hợp hình phạt, tức là trường hợp khi người chấp hành án cải tạo không tốt, có hành vi phạm tội mới và bị Tòa án tuyên phạt về tội mới, thì thời gian đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ trước đó được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung khi tổng hợp hình phạt. Ngoài ra, khi người chấp hành án cải tạo không giam giữ vi phạm nghĩa vụ quy định trong Luật THAHS cũng chỉ bị kiểm điểm, không xem xét giảm thời hạn chấp hành án, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không thể bị chuyển từ hình phạt cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù như người chấp hành án treo.
Từ những phân tích như trên, tác giả có thể rút ra được khái niệm của thi hành án phạt cải tạo không giam giữ là một bộ phận của THAHS; là một trong những hình phạt chính nhưng không nghiêm khắc hơn thi hành án treo và có tính nhân đạo sâu sắc; do cơ quan không chuyên trách, tổ chức xã hội, người có thẩm quyền thực hiện theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định, kết hợp chặt chẽ giữa trừng trị – giáo dục, khuyến khích, tạo điều kiện để người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ lao động, học tập, cải tạo trở thành người lương thiện, nhanh chóng tái hòa nhập xã hội trong môi trường cuộc sống bình thường; nhằm đưa bản án, quyết định của Tòa án ra thực hiện trên thực tế và đạt được hiệu quả xã hội cao, bảo đảm được lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.